Phát triển chè Shan tuyết thành cây xóa đói giảm nghèo

Thứ hai, 09/12/2019 15:08
(ĐCSVN) - Xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có hàng nghìn ha chè Shan tuyết. Đây là giống chè đặc sản có hàng trăm năm trước. Trong quá khứ, chè Shan tuyết đặc biệt thơm ngon, quý hiếm, chỉ được dùng để “tiến Vua”. Nay chè Shan tuyết đã trở thành cây mũi nhọn giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

 Cây chè Shan tuyết chủ yếu sinh trưởng ở độ cao trên 1200m. (Ảnh: vca.org.vn)

Hiện nay, ở xã Cao Bồ vẫn còn bảo tồn được hơn 1000 ha chè Shan tuyết, chủ yếu sinh trưởng ở độ cao trên 1200m. Có những nơi, cây chè Shan tuyết mọc thành rừng, trong đó có những cây chè cổ thụ có tuổi đời tới 400 năm tuổi. Vì giống chè này chỉ sinh trưởng trên núi cao, nhiệt độ thấp, có băng tuyết, thích nghi với thổ nhưỡng khắc nghiệt nên trên bề mặt của lá chè có lớp lông măng trắng như lớp sương tuyết, giúp cây chè hấp thụ tinh khí trong lành… do vậy được gọi là chè Shan tuyết.

Ngày xưa, để thu hái được chè, người dân nơi đây phải vào rừng sâu, lên núi cao, rồi bắc thang, đu dây trèo lên những cây chè cổ thụ hái từng búp chè non, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy sản phẩm chè Shan tuyết là đặc sản đặc biệt thơm ngon, quý hiếm, chỉ được dùng để "tiến Vua".

Nhưng ngày nay, nhờ kỹ thuật công nghệ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân bản địa nên cây chè Shan tuyết đã trở thành vùng sản xuất hàng hóa, là cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.


 Hiện nay, xã Cao Bồ xã phát triển được hơn 1000ha chè Shan tuyết thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.(Ảnh: TG)

Cao Bồ là xã vùng cao của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi đây có tới 90% người dân tộc Dao sinh sống. Tập quán sinh sống và canh tác của người Dao là du canh, du cư, đốt rừng làm nương rãy. Điều này là một trong những tác nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, khó quản lý về nhân hộ khẩu. Trong quá khứ, địa bàn này cũng đã từng là một trong những nơi xung yếu, bị kẻ xấu lợi dụng truyền đạo trái phép, xúi giục làm điều mê tín dị đoan gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhưng đó là thời điểm cách đây hàng chục năm. Còn hiện nay, cấp ủy, chính quyền, từng chi bộ, từng cán bộ, đảng viên ở địa phương đã phân công nhau phụ trách tới từng thôn, xóm, bản, từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân không du canh, du cư, không phá rừng làm nương rãy, không nghe kẻ xấu lợi dụng, xúi giục mà tập trung phát triển cây chè Shan tuyết thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Kết quả, Cao Bồ đang trở thành một trong những điểm sáng về xóa đói giảm nghèo. Đồng chí Lý Quốc Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết: Chính nhờ sự chủ động, tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo tồn, phát triển giống chè Shan tuyết từ chỗ mọc tự nhiên trong rừng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nên từ năm 2011, chè Shan tuyết Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ “Chè hữu cơ - Organic Cao Bồ”. Mỗi năm, hàng trăm tấn chè hữu cơ được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho người làm chè. Năm 2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 đến 400 năm ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Đồng chí Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Xuyên cho biết: Nhằm khuyến khích các hộ dân bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ và thi đua phát triển sản xuất, xã Cao Bồ thành lập 4 nhóm sở thích sản xuất chè. Mỗi nhóm có từ 10 đến 20 hộ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hái chè. Bên cạnh đó địa phương đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè; đồng thời có chương trình hỗ trợ một phần kinh phí đối với hộ trồng chè. Ví dụ làm nhà xưởng, xã cho vay 100 triệu không lấy lãi, tập huấn cho bà con về kinh doanh. Xã và huyện cũng hỗ trợ bà con làm thương hiệu, mã vạch nhận diện hàng hóa chè, bảo đảm phải sản xuất chè đạt chuẩn, tức là chè sạch mới được đưa ra thị trường.


 Mô hình sản xuất kinh doanh chè Shan tuyết của gia đình ông Đặng Văn Chiến, thôn Tham Vè, xã Cao Bồ. (Ảnh: TG)

Hiện nay,ở xã Cao Bồ đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình từ cây chè Shan tuyết. Có những gia đình thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, không chỉ xóa đói, giảm nghèo cho gia đình mình mà còn tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập, giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Ông Đặng Văn Chiến ở thôn Tham Vè, xã Cao Bồ là một trong những chủ hộ sản xuất kinh doanh chè Shan tuyết ở địa phương. Gia đình ông Chiến cho biết đã phát triển được trên 3 ha chè Shan tuyết. Trung bình mỗi vụ bán được khoảng 4 tạ chè, giá trung bình 300.000 đồng/kg nhân lên cũng kha khá tiền. Sau 3 năm tự trồng, chăn sóc, thu hái, chế biến, sản xuất kinh doanh, từ chỗ là hộ nghèo, đến nay đã xây dựng được nhà  khang trang, mua được ô tô. Ông Chiến cho biết giờ gia đình yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh từ cây chè Shan tuyết, chỉ nghe theo cán bộ địa phương, không nghe kẻ xấu xúi giục, không du canh du cư, không đốt rừng làm nương dãy nữa.

Thực hiện kế hoạch chuẩn bị đại hội đảng các cấp ở cơ sở, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng bộ xã Cao Bồ đã hoàn thiện xong dự thảo báo cáo chính trị, trong đó xác định nhiệm kỳ tới, cây chè Shan tuyết vẫn là một mũi nhọn kinh tế, là hướng cần tập trung ưu tiên để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, duy trì thành tích về xóa đói giảm nghèo. Để làm được việc đó, Đảng ủy xã xác định phải tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, vai trò gương mẫu, đi đầu của từng cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.                                                                             

Trần Quỳnh - Minh Thư
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực