Vĩnh Phúc: Nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 29/06/2020 16:15
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng của năm 2020, dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, những tháng còn lại năm 2020, địa phương quyết tâm triển khai các giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
  (Ảnh minh họa: BT) 

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn. Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 2010 ước giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 3 ngành sản xuất thì chỉ duy nhất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, còn lại ngành Công nghiệp – Xây dựng giảm 5,24%, các ngành dịch vụ ước giảm 4,04%.

Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, giá trị sản xuất theo giá so sánh ước giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai nhiều biện pháp, tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, tại doanh nghiệp để nắm bắt tình hình cụ thể từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời để tổ chức thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, hỗ trợ cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tương tự, về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, kết quả thu hút vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp. Trong đó vốn FDI ước đạt bằng 32,1%, vốn DDI ước đạt bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến hết tháng 6/2020 trên địa bàn tỉnh có 392 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,57 tỷ USD và 782 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là hơn 93,73 nghìn tỷ đồng.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, với tăng trưởng ở mức thấp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp, thực hiện đồng bộ tất cả các hoạt động tưới tiêu, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi,… Đồng thời, triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo Nghị quyết 201/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp về hỗ trợ giống lúa chất lượng vụ mùa 2020, tập huấn cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp IPM.

Trong triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP cho 18 sản phẩm.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong những tháng còn lại của năm 2020, địa phương sẽ tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến tình hình quốc tế, trong nước. Trong đó, tập trung triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp đúng khung thời vụ, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh và xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Tập trung xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, triển khai thực hiện quyết định ban hành điều kiện, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, điều kiện xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai các biện pháp khai thác nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI giao. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính – ngân sách; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực