Đảng bộ Nga Sơn – Một nhiệm kỳ nhiều thành công

Thứ ba, 26/05/2020 18:50
(ĐCSVN) - Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn tác động đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, song dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã đạt được thành tích, kết quả khá toàn diện, có 23/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.

 

Nhiệm kỳ 2015-2020, Nga Sơn có 23/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra 

Sản xuất phát triển toàn diện, năng suất lao động, thu nhập người lao động được nâng lên. Ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng khá, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang, điểm nhấn là thị trấn Nga Sơn. Huyện cũng có nhiều cách làm sáng tạo để nguồn thu ngân sách đạt cao, đáp ứng nhiệm vụ chi. Văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, thực hiện tốt việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp, các xã, thị trấn, các thôn. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố.  

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,7%. Cơ cấu kinh tế năm 2019 cơ bản đạt mục tiêu Đại hội: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 23,7%; Công nghiệp - xây dựng: 44,8%; Thương mại - dịch vụ: 31,5%. Dự kiến năm 2020: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 22,5%; Công nghiệp - xây dựng: 45,5%; Thương mại dịch vụ: 32%.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 42,1 triệu đồng, về trước mục tiêu Đại hội một năm, năm 2020 ước đạt 50,2 triệu đồng/người. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của địa phương. Giá trị sản xuất năm 2019 đạt 2.243,7 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 là 2.613,9 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 17,6%. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gạch không nung, bê tông thương phẩm, xay đá làm cát xây dựng... Tính đến hết năm 2019, toàn huyện có 365 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho trên 9 nghìn lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện. Hoạt động của các hợp tác xã từng bước có hiệu quả, đến nay trên địa bàn huyện có 31 hợp tác xã, với 1.081 thành viên, có 27/31 hợp tác xã hoạt động đạt mức trung bình trở lên.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành dịch vụ đạt 16% (mục tiêu 15,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt 3.075 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 115 triệu USD, năm 2020 dự kiến 120 triệu USD. Hoạt động hệ thống tín dụng, ngân hàng tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, tạo nhiều điểm nhấn quan trọng. Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình, chỉnh trang một số tuyến đường giao thông tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp, được nhân dân trong và ngoài huyện đánh giá cao. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất, đời sống nhân với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.669 tỷ đồng. Nhờ việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại đã tạo diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc.

Đạt được kết quả đó là do huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình trọng tâm. Thứ nhất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ, giảm dần diện tích lúa lai, tăng diện tích lúa thuần chất lượng có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng các tiến bộ KHKT, …năng suất, giá trị các loại cây trồng hàng năm đạt ở mức cao.

Triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc hỗ trợ các cây con, mô hình mới, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác, diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Chuyển đổi diện tích lúa, cói, đất xấu… kém hiệu quả sang các mô hình, cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, trên cơ sở nghị quyết về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025", UBND huyện đã ban hành các cơ chế hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hộ gia đình. Toàn huyện hiện có 23 làng nghề đã được tỉnh công nhận, trong đó có 20 làng nghề chiếu cói; 27 máy dệt chiếu, 350 và dệt chiếu; 11 doanh nghiệp duy trì và ổn định nghề sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ nguyên liệu cói; 5.833 hộ sản xuất TTCN (đạt 15%)….

Bí thư Huyện ủy Nga Sơn Mai Văn Hải 

Theo Bí thư Huyện ủy Nga Sơn Mai Văn Hải, từ những kết quả Nga Sơn đạt được, Đảng bộ đã rút ra năm bài học quan trọng. Thứ nhất, giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp uỷ, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong sinh hoạt Đảng; tăng cường làm việc và nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ một cách quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá gắn với giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống của nhân dân và thực tiễn đang đặt ra. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ thực sự dân chủ, khách quan; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ theo quy hoạch; coi trọng đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ trẻ có trình độ, uy tín và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt.

Thứ tư, làm tốt công tác dự báo tình hình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương gắn với khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết... của Đảng, tổng kết các mô hình điển hình tiên tiến để nhân ra diện rộng.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Nga Sơn, mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo của đảng bộ Nga Sơn là một giai đoạn lịch sử và làm cho Nga Sơn thay da đổi thịt. Kế thừa thành tựu của sự lãnh đạo các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này Đảng bộ Nga Sơn đã tiếp tục đổi mới sáng tạo và quyết liệt hơn nên đạt hiệu quả thật ấn tượng.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã có và khắc phục những khiếm khuyết còn tồn tại, tiếp tục lãnh đạo toàn đảng toàn dân trong huyện vươn xa hơn nữa, Đảng bộ đã đưa ra mục tiêu phấn đấu cho nhiệm kỳ tới của huyện đó là: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 13,5% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng trở lên. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 0,6%. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 53.000 tấn; sản lượng cói khô bình quân 8.000 tấn trở lên.

Với phương châm hành động "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển" của Đảng bộ, tin tưởng Nga Sơn sẽ đạt và vượt mục tiêu đã đề ra, trở thành huyện kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa như Bác Hồ mong muốn./. 

Ngọc Toản
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực