Hà Nội xây dựng 3 giải pháp điều hành và cân đối ngân sách

Thứ năm, 12/03/2020 14:31
(ĐCSVN)- Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện Hà Nội và cả nước đang thực hiện 2 nhiệm vụ song song. Trong đó, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, có các giải pháp phát triển kinh tế xã hội-đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH) 

Sáng 12/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố (TP) về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.

Đánh giá tác động của dịch để xem có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng?

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện Hà Nội và cả nước đang thực hiện 2 nhiệm vụ song song. Trong đó, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, có các giải pháp phát triển kinh tế xã hội- đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội hiện đóng góp 17% GDP và gần 20% tổng thu ngân sách của cả nước, cũng là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Việc Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP sẽ góp phần quan trọng nhằm tạo công ăn việc làm, giữ ổn định đời sống, bảo đảm sinh kế cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng và tạo nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Thủ đô.

Việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững các chỉ tiêu thu ngân sách của Hà Nội cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vì vậy, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND TP đánh giá tác động tới đời sống kinh tế - xã hội và định hướng giải pháp để triển khai thực hiện, qua đó giúp kinh tế - xã hội của Thủ đô hồi phục mạnh mẽ sau dịch.

Cũng theo người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Cuộc họp này vì thế cũng cần phân tích, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện tốt hơn Chỉ thị 11 phù hợp với tình hình ở Thủ đô.

Bí thư Vương Đình Huệ gợi mở: “Chúng ta cần bàn xem, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tới đây của thành phố có cần điều chỉnh các chỉ tiêu hay không, hay vẫn quyết tâm giữ vững các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra. Và để giữ vững được các chỉ tiêu này, hoàn thành nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, chúng ta cần những giải pháp gì” – Bí thư Thành ủy gợi mở.

Lựa chọn kịch bản 1, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên

Thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, tính đến nay 13/13 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đề ra dự kiến đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức; 16/17 chỉ tiêu HĐND TP quyết nghị dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra.

Trong 2 tháng đầu năm, tình hình sản xuất – kinh doanh của TP bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như bia, rượu giảm 23,2%, giày dép giảm 5,5%... Kim ngạch xuất khẩu giảm 19%, kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7%. Lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng mạnh nhất. Riêng 3 thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm tới 37% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội.

Về thu ngân sách Nhà nước, TP dự báo 3 tình huống tác động đến thu ngân sách. Tình huống 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 11.482 tỷ đồng. Tình huống 2, nếu quý I hết dịch nhưng tình hình còn ảnh hưởng lớn đến các quý sau, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 15.182 tỷ đồng. Tình huống 3, dịch bệnh được kiểm soát vào quý II và có thể lâu hơn, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 19.582 tỷ đồng. Tương ứng với 3 tình huống này, TP cũng xây dựng 3 giải pháp điều hành và cân đối ngân sách của TP.

 Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh:TH) 

TP Hà Nội đã đưa ra các kịch bản và giải pháp điều hành, cân đối ngân sách. Trên cơ sở kết quả 2 tháng đầu năm, kịch bản tăng trưởng của cả nước và đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, Hà Nội cũng đã dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020 của TP. Cụ thể, kịch bản 1, quý I hết dịch, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để GRDP năm 2020 tăng 7,51%, đạt kế hoạch đề ra (từ 7,5% trở lên). Kịch bản 2, quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm 2020 GRDP tăng 6,93%, không đạt kế hoạch. Kịch bản 3, dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, GRDP năm 2020 tăng 6,42%, không đạt kế hoạch.

Hiện TP đã lựa chọn kịch bản 1 để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nước. Để thực hiện được điều này, Hà Nội sẽ tập trung nắm vững tình hình, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt dịch bệnh …

Về các công trình trọng điểm, TP xác định danh mục 55 công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 486.991 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2/2020, 9 dự án và 1 hạng mục ngân sách hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 11 dự án đang thi công xây dựng gồm 8 dự án ngân sách ODA, 3 dự án PPP; 20 dự án và 1 hạng mục dự án đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thiện thủ tục; 14 dự án chưa triển khai thủ tục đầu tư.

Dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội có 15 dự án hoàn thành, cơ bản  đáp ứng tiến độ, trong đó có 13 dự án sử dụng vốn ngân sách, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Một số dự án cần tập trung chỉ đạo quyết liệt mới có thể hoàn thành như: Tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, Bảo tàng Hà Nội (nội dung trưng bày); trạm bơm Yên Nghĩa; phần bổ sung của dự án cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên...

Được biết, sau cuộc họp hôm nay, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội sẽ hoàn chỉnh đề án này, ban hành kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cụ thể tới các sở ngành, địa phương để triển khai thực hiện./.

 

Thu Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực