Hội nghị thông tin chuyên đề Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Thứ hai, 16/12/2019 17:38
(ĐCSVN) - Đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế với thể chế chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Một số kết quả bước đầu và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, tham nhũng trong thời gian tới… là những nội dung trong Hội nghị Thông tin chuyên đề quý IV năm 2019 do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức chiều 16/12, tại Hà Nội.
leftcenterrightdel
GS.TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông tin tại Hội nghị 

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, lãnh đạo các ban, đơn vị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối; các đồng chí bí thư, phó bí thư, trưởng ban tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc; các đồng chí báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của Đảng ủy Khối cùng toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan Đảng ủy Khối.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin 2 chuyên đề về: “Đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế với thể chế chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng” do GS.TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày; chuyên đề về “Một số kết quả bước đầu và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, tham nhũng trong thời gian tới” do đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương trình bày.

Thông tin tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học đã khái lược quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị ở Việt Nam từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XI (2011). Đồng thời, nhấn mạnh đến những nội dung đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế với thể chế chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Theo GS.TS Trần Văn Phòng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đến nay, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành 5 Nghị quyết về kinh tế, tập trung vào 5 vấn đề cốt yếu, gồm: Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, nội dung về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) đã xác định rõ mục tiêu là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bền vững… Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết đề ra các giải pháp chủ yếu là: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

Về đổi mới thể chế chính trị, GS.TS Trần Văn Phòng cho biết, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tập trung đổi mới thể chế chính trị ở 2 điểm cốt lõi: Xây dựng Đảng về đạo đức và khắc phục một số hạn chế của công tác cán bộ; đổi mới bộ máy đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hiện tại, Đảng đang tổng kết thực tiễn về đổi mới công tác cán bộ cũng như xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm đổi mới thể chế chính trị đáp ứng yêu cầu về đổi mới thể chế kinh tế.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội nghị thông tin chuyên đề 

Thông tin về một số nguyên tắc cần quán triệt để đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế với thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay, GS.TS Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học nhấn mạnh đến 3 nguyên tắc, gồm: Đổi mới thể chế kinh tế và đổi mới thể chế chính trị phải do Đảng lãnh đạo và vì mục tiêu bảo đảm giữ vững định hướng chủ nghĩa của sự phát triển; đổi mới thể chế kinh tế và đổi mới thể chế chính trị phải đảm bảo sự phát triển đồng bộ của cả kinh tế, cả chính trị; lấy thực tiễn đất nước và quốc tế làm tiêu chuẩn điều chỉnh mối quan hệ  giữa đổi mới thể chế kinh tế  và đổi mới thể chế chính trị…

Về chuyên đề “Một số kết quả bước đầu và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, tham nhũng trong thời gian tới”, tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông tin những kết quả nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã thông tin về một số giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là: tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng…

Kết thúc hội nghị, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị các báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ, đảng viên các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối thông tin nội dung các chuyên đề này đến cán bộ, đảng viên các chi bộ trực thuộc đảng bộ mình; đồng thời tích lũy, tìm hiểu thêm nội dung thông tin chuyên đề để triển khai sinh hoạt trong các đảng bộ, chi bộ; tiến hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị./.

tin, ảnh: Minh Khuê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực