Kiên Giang: Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nghị quyết Đại hội

Thứ ba, 03/12/2019 23:03
(ĐCSVN) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Kiên Giang (nhiệm kỳ 2015 - 2020), các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đề ra đạt và vượt kế hoạch.
leftcenterrightdel
Đồng chí Đỗ Thanh Bình – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tăng cường; quy mô, mạng lưới giáo dục được phát triển. Lực lượng này hiện có 23.929 người, trong đó có 14 tiến sĩ và 609 thạc sĩ (so với đầu nhiệm kỳ tăng 178 người, tăng 09 tiến sĩ và 358 thạc sĩ), hầu hết đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định; tỷ lệ đảng viên trong ngành đạt 58,1%. Giai đoạn từ 2015 - 2020, tỉnh đã đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo 14.334 tỷ đồng, tăng 791 tỷ so với giai đoạn 2010 - 2015; trong đó huy động từ xã hội hóa trên 435 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 671 trường mầm non và phổ thông. Trường đại học Kiên Giang từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang là một trong 45 trường trọng điểm của cả nước; đã sáp nhập Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Trường Cao đẳng Cộng đồng thành Trường Cao đẳng Kiên Giang và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp trong tỉnh và xuất khẩu lao động. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 41%; trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp và an toàn chiếm tỷ lệ 89,45% (so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng 18,35%, trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp tăng 64,49%). Tỷ lệ trẻ em 6 - 14 tuổi đến trường đạt 96,06%, phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì đạt mục tiêu Nghị quyết.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hướng mạnh vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Tiềm lực cơ sở vật chất khoa học và công nghệ được tăng cường. Công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới. Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ yếu đã tích cực ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển trình độ công nghệ. Toàn tỉnh có 68 tổ chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (tăng 12 tổ chức so với nhiệm kỳ trước), trong đó có 10 tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (tăng 03 tổ chức so với trước nhiệm kỳ). Có trên 80% đề tài dự án khoa học xã hội nhân văn và trên 90% đề tài dự án khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn.

Đến nay, toàn tỉnh có 945 sản phẩm hàng hóa dịch vụ được chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% (vượt 6% so với chỉ tiêu của Nghị quyết). Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng và doanh nghiệp được nâng lên, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đều có các giải pháp bảo vệ môi trường; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt khá. Các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; xử lý chất thải nguy hại đạt 90%, chất thải y tế đạt 95% (đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).

Cùng với đó, việc xây dựng môi trường văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình văn hóa đạt được một số kết quả quan trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Tính dân chủ và vai trò tự quản trong cộng đồng được phát huy, kỷ cương pháp luật và trật tự xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp, đã dần hình thành nhu cầu, thói quen luyện tập hằng ngày của đông đảo nhân dân. Nhiều mô hình phòng chống bạo lực gia đình được hình thành, nhân rộng và hoạt động có hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 136 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 59 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, 145 địa chỉ tin cậy cộng đồng và 386 đường dây nóng được thành lập; so với nhiệm kỳ trước tăng 21 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 56 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Nghị quyết đề ra có 85% hộ gia đình (thực hiện đạt 91,25%); 72% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa (thực hiện đạt 92,37%). Riêng chỉ tiêu có 35% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa chưa đạt.

leftcenterrightdel
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang với quy mô 1.200 giường bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. (Ảnh: Nguyễn Quốc Tuấn)

Hoạt động thông tin và truyền thông ngày càng phát triển, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, bước đầu xây dựng có hiệu quả chính quyền điện tử tỉnh Kiên Giang. Tăng cường, quảng bá đưa hình ảnh Kiên Giang ra bên ngoài; kịp thời phối hợp đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội; hạ tầng kỹ thuật bưu chính, viễn thông được quan tâm đầu tư; công tác cải cách hành chính, xây dựng có hiệu quả bước đầu chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh; an ninh thông tin được tăng cường giám sát.

Mạng lưới y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển; tuyến tỉnh có 06 bệnh viện và 04 trung tâm y tế, 02 chi cục và 6 phòng chức năng của Văn phòng Sở; tuyến y tế cơ sở có 15 trung tâm y tế huyện/thành phố (đa chức năng), 145 trạm y tế xã, phường, thị trấn; có 1.158 cơ sở hành nghề y-dược tư nhân; 100% đơn vị cấp xã có trạm y tế, trong đó có 86,89% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế.  

Đời sống các tầng lớp nhân dân được nâng lên, hộ nghèo trong tỉnh tiếp tục giảm mạnh. Công tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đổi mới theo hướng gắn kết với thị trường lao động, cơ cấu và chất lượng trình độ cao đẳng, trung cấp được nâng cao, người học nghề có việc làm và thu nhập ổn định; các chế độ chăm lo cho gia đình người có công, trợ giúp xã hội, các đối tượng yếu thế được thực hiện đầy đủ, kịp thời; bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội; công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có nhiều tiến bộ. Vận động và xây dựng mới 15.471 căn nhà, sửa chữa 5.393 căn nhà cho người nghèo và người có công với cách mạng. Hàng tháng trợ cấp cho trên 50.000 đối tượng (tăng 9.000 đối tượng so với đầu nhiệm kỳ) với tổng số tiền là 1.108,94  tỷ đồng, nuôi dưỡng gần 400 đối tượng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội. Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đã tổ chức đào tạo được 113.031 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 52% năm 2015, đến năm 2020 đạt 67%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, có 83% số lao động qua đào tạo tìm được việc làm; năm 2020 giải quyết việc làm cho 185.145 lượt người, bình quân 37.029 người/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (giải quyết việc làm từ 35.000 - 40.000 lao động/năm).

Giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu có 60% trở lên số trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành các tiêu chí giáo dục theo chuẩn nông thôn mới; học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt 96% trở lên; huy động 80% trẻ 3 - 4 tuổi đến lớp; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; 100% trường học không còn nhà vệ sinh bẩn. Trình độ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu của tỉnh đạt mức trung bình khá trở lên so với cả nước; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 90%, chất thải y tế đạt từ 95% trở lên. Có ít nhất một trong ba khu đô thị (Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc) được triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; 90% cơ sở phát sinh nguồn thải lớn - nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được kiểm soát phát thải liên tục, tự động.

Có 85% gia đình, 75% ấp, khu phố và 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh đạt chuẩn về văn hóa. Tiếp tục đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có trên 80% thủ tục hành chính được triển khai ở mức 3 và 4; trên 50% dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 được cung cấp. Hoàn chỉnh trục kết nối liên thông địa phương (LGSP) và kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 2.0. Đưa chỉ số ICT-INDEX của tỉnh nằm trong Top 20 các tỉnh, thành phố.

Có 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; hoàn thành lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân với 90% trở lên người dân tham gia bảo hiểm y tế; duy trì tốc độ tăng dân số hàng năm ở mức 1%; tỷ số giới tính khi sinh đạt thấp hơn 105 bé trai/100 bé gái. Hàng năm giải quyết việc làm từ 35.000 lượt lao động trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% cuối năm 2025./.

Nguyễn Quốc Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực