Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác nội chính

Thứ hai, 30/12/2019 15:14
(ĐCSVN) - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ: Phải nhận thức sâu sắc công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm trước hết của cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là các cơ quan khối nội chính. Trực tiếp đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ việc trên địa bàn.
leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Cờ thi đua và Bằng khen cho các tập thể 

Sáng 30/12, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tham dự Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, năm 2019, công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng của Thành phố Hà Nội đã được thực hiện tốt, toàn diện các nhiệm vụ, đảm bảo duy trì và giữ vững ổn định, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trong năm, cơ quan điều tra hai cấp Thành phố đã khởi tố mới 7.792 vụ, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp phê chuẩn quyết định khởi tố 11.608 bị can. Viện Kiểm sát hai cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát 19.462 tin; đã giải quyết 18.128 tin; tỷ lệ giải quyết đạt 93,1%. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, đã điều tra, khám phá 3.873 vụ/7.770 đối tượng (đạt 86,1%/75% chỉ tiêu Bộ Công an giao).

Năm 2019, các cơ quan hành chính của thành phố đã triển khai 355 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm 53,64 tỷ đồng; kiểm điểm trách nhiệm đối với 46 tập thể và 63 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn tới sai phạm…

Công tác cải cách tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đáng chú ý, triển khai giai đoạn 1 Đề án số 03 của Công an Thành phố về “Bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội”, tính đến tháng 12/2019, Công an Thành phố đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy tại 146 xã, trong đó, có 145 trưởng công an, 199 phó trưởng công an và 582 công an viên.

Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực. Toàn Thành phố cũng triển khai kiểm tra tại 578 cơ quan, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động; ban hành 166 văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn... Về công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, trong năm qua, tổng số án tham nhũng thụ lý là 59 vụ/181 bị cáo; đã giải quyết 42 vụ/130 bị cáo.

Đặc biệt, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy thường xuyên tiến hành rà soát các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài; trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo giải quyết các vụ việc, kịp thời ngăn chặn các phát sinh “điểm nóng”. Đến nay, toàn Thành phố còn 62 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi (giảm 35 vụ việc so với đầu năm); số vụ việc quận, huyện, thị ủy còn phải theo dõi, chỉ đạo giải quyết còn 123 vụ việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như công tác nắm, dự báo, phân tích, đánh giá, xử lý tình hình, giải quyết điểm nóng, việc nóng ở một số địa phương còn lúng túng, bị động. Tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng vẫn tiềm ẩn phức tạp lộ lọt. Hoạt động của các ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen", "núp bóng" các doanh nghiệp kinh doanh tài chính trên địa bàn Thành phố tiềm ẩn phức tạp. Tình hình khiếu nại tố cáo phát sinh một số vụ việc tập trung đông người, phức tạp, tiềm ẩn phức tạp có nguy cơ hình thành "điểm nóng". Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức ở một số ngành, lĩnh vực vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong xã hội….

Tại hội nghị, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao kết quả công tác nội chính, phòng chống tham nhũng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2019. Đồng thời đề nghị thành phố Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, thanh tra, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp; tập trung thanh, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ và những kết quả của các cơ quan khối nội chính Thành phố đã đạt được trong những năm qua. Những kết quả đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là điều kiện quan trọng để Thủ đô phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao Bằng khen cho các tập thể.

Nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại của Trung ương, Thành phố, nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan trong khối Nội chính Thành phố sẽ rất nặng nề, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về lĩnh vực Nội chính, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

“Phải nhận thức sâu sắc công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm trước hết của cấp ủy, chính quyền, nòng cốt là các cơ quan khối nội chính. Trực tiếp đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ việc trên địa bàn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cơ quan Nội chính phải kịp thời tham mưu cho cấp ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan khối Nội chính. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo nghiêm minh, chính xác. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các loại tội phạm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án, không để tồn đọng kéo dài, gắn với thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng tỉ lệ thi hành án. Tập trung thực hiện dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý cương quyết các cá nhân, tập thể chây ỳ trong thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó, lấy phòng ngừa là chính. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15, đặc biệt quan tâm làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời, không để phát sinh tội phạm.

Đồng thời chú trọng phát hiện qua tự kiểm tra giám sát nội bộ; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm được phát hiện, đảm bảo “Không có vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”, tệ “phiền hà sách nhiễu” trong một bộ phận cán bộ công chức thực thi công vụ. Tập trung các giải pháp để phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao như: Quản lý đất đai, đầu tư, quản lý tài sản công, quản lý tài chính…

Tại hội nghị, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua cho 1 tập thể, tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 27 cá nhân có thành tích trong công tác Nội chính và cải cách tư pháp./.

Tin, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực