Nông dân Yên Bái tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 01/04/2020 16:45
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái vận động nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hội Nông dân tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện, thị, thành phố; 180 cơ sở hội, 1.299 chi hội (có 1.293 chi Hội hành chính, 06 chi Hội nghề nghiệp), với trên 113.000 hội viên nông dân, chiếm 80,2% so với hộ nông nghiệp toàn tỉnh. Hội viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và sống ở khu vực miền núi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ sản xuất ở mức thấp.

Vận động hội viên nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

 Hội Nông dân các cấp hỗ trợ  nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế . (Ảnh: HM)

Trong những năm qua, phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái vận động nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng hướng dẫn các cấp Hội thực hiện công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh công tác chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam về công tác dân tộc, về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, hội viên nông dân. Qua công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về sản xuất hàng hóa, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, tăng cường trao đổi thông tin thị trường, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội Nông dân các cấp đã tập trung vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; khích lệ, động viên hội viên nông dân chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, tạo nên những nhân tố đi đầu trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ của tỉnh.

Việc tuyên truyền vận động nông dân xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, các vùng chuyên canh, thâm canh có quy mô lớn về sản phẩm, năng suất, chất lượng gắn với sản xuất, chế biến và thị trường, góp phần phát triển nền sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hoá cũng được triển khai rộng rãi. Theo báo cáo, hằng năm có trên 70% hội viên nông dân đăng ký thi đua, qua bình xét bình quân có 50% hộ hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào, đã hình thành một số vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng cây công nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi như: mô hình trồng lúa nếp 87, tẻ đỏ; mô hình trồng cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu; mô hình trồng rau an toàn tại thành phố Yên Bái; dự án trồng cỏ ngọt, trồng cà chua ghép mắt trên cây cà tím, dự án trồng ngô nếp chất lượng cao tại thị xã Nghĩa Lộ; vùng trồng chè, quế, lúa chiêm hương tại huyện Văn Yên; dự án trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng tại huyện Lục Yên... Qua sơ kết đánh giá phong trào đã có nhiều gương điển hình tiên tiến trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, tự lực vươn lên thoát nghèo như: hộ bà Nguyễn Thị Hiền, xã Yên Thắng và hộ ông Đặng Văn Đính, xã Phúc Lợi (huyện Lục Yên); hộ ông Sùng A Tính, xã Nậm Khắt, hộ ông Vừ A Tủa, xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải); hộ ông Lò Văn Ngoan, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ...

Với vai trò “bà đỡ” giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã và đang triển khai chương trình phối hợp với các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Đến nay dư nợ uỷ thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trên 1.100 tỷ đồng cho 28.680 hộ hội viên nông dân vay vốn.

Song song với đó, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội quản lý cũng đã hỗ trợ thiết thực cho hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa; tổng các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh là trên 16,0 tỷ đồng, triển khai 92 dự án với 487 hộ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã quan tâm, triển khai các dự án cho hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn phát triển sản xuất có hiệu quả như: chăn nuôi ngựa thương phẩm tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải; chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Vĩnh Lạc, nuôi bò tại xã Minh Tiến, huyện Lục Yên; chăm sóc và khai thác rừng trồng tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; chăn nuôi thỏ tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên...

Việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất được các cấp Hội chủ động phối hợp triển khai tới hội viên nông dân. Hằng năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 1.400 đến 1.500 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, mở từ 70 đến 75 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên; tham gia khảo sát, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng các mô hình thí điểm nuôi trồng các giống vật nuôi, cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao.

Công tác tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng mô hình kinh tế tập thể, mà trọng tâm là vận động các hộ hội viên có cùng nhóm ngành, nghề, sản xuất kinh doanh liên kết sản xuất và xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai có hiệu quả. Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động 16 mô hình Hợp tác xã và 50 Tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; trực tiếp hướng dẫn, xây dựng 69 mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, với 652 hộ tham gia (trong đó 10 mô hình trồng trọt, 48 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản, 8 mô hình dịch vụ và ngành nghề); thành lập 6 Chi hội nghề nghiệp và 38 Tổ hội nghề nghiệp theo đề án số 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Chi, Tổ hội nghề nghiệp đã hình thành sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chia sẻ thông tin về thị trường, về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ giúp đỡ nhau về vốn, tư liệu sản xuất và lao động….

Đặc biệt, thông qua hoạt động của Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp, hỗ trợ thành lập mới được 2 Hợp tác xã, 27 Tổ hợp tác, 31 Nhóm hộ trồng rừng, với trên 1.000 thành viên. Các mô hình đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau như Hợp tác xã Bình Minh xây dựng xưởng xẻ COC tiêu thụ gỗ FSC của 31 nhóm hộ trồng rừng; Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam với 22 thành viên, xây dựng vùng sản xuất Quế hữu cơ tại huyện Trấn Yên.

Triển khai Chương trình phối hợp với 15 Sở, ban, ngành của tỉnh trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; qua đó, đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân; vận động, liên kết, thu hút doanh nghiệp để đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân.

Nông dân Yên Bái chung sức xây dựng NTM

 Sự chung tay, đồng lòng của các cấp Hội và hội viên nông dân, đã đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng NTM của tỉnh. (Ảnh: HM)

Bên cạnh giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); phát huy vai trò chủ thể trong triển khai chương trình này. 

Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia chương trình xây dựng NTM dưới nhiều hình thức từ tuyên truyền miệng thông qua hội nghị, sinh hoạt chuyên đề; trong đó, Hội chú trọng triển khai công tác tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, qua các hội thi “Tuyên truyền viên giỏi”,“Nhà nông đua tài”... đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.

Sự chung tay, đồng lòng của các cấp Hội và hội viên nông dân, đã đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng NTM của tỉnh. Thông qua phong trào, đã để lại những hình ảnh đẹp của hội viên nông dân Yên Bái trong việc hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, đóng góp ủng hộ hàng triệu ngày công lao động để làm mới, tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hoá thôn, bản... Các cấp Hội chủ trì, phối hợp xây dựng 28 mô hình thu gom rác thải, bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp; xây dựng 42 tuyến đường tự quản, 41 tuyến đường thắp sáng đường quê.

 Với những kết quả đạt được, giai cấp nông dân tỉnh Yên Bái đã có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; đến hết năm 2019 toàn tỉnh đã có 68/157 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; huyện Trấn Yên đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, tỉnh đang trình Chính phủ công nhận vào quý I/2020./.

Tuyết Lê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực