Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ sáu, 03/01/2020 15:31
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh những điểm đáng chú ý trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ: Về tư tưởng phát triển trong giai đoạn tới, phát triển nhanh, bền vững phải dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Hoạt động của Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội XIII của Đảng

Đầu năm mới 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó tập trung làm rõ những điểm đáng chú ý trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

leftcenterrightdel
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: PV). 

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sau gần 35 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Các yếu tố nền tảng (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực...) để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp xa so với yêu cầu. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là thách thức lớn. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia gặp nhiều khó khăn, thách thức; sự chống phá của thế lực thù địch, phản động còn phức tạp.

PV: Tính đến thời điểm hiện nay, hoạt động của Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã diễn ra cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đại hội Đảng lần thứ XIII là một sự kiện chính trị hết sức quan trọng, trong đó có việc xem xét, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cho nhiệm kỳ sắp tới. 

Với nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương giúp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội được thành lập và hoạt động theo Quyết định 150-QĐ/TW ngày 26/10/2018 về việc thành lập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổ là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc “Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) trình Đại hội XIII của Đảng”.

Trên cơ sở nhiệm vụ đó, Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung huy động mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời huy động các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu làm rõ các vấn đề trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, nghiên cứu tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 trong các lĩnh vực phụ trách của ngành, làm rõ kết quả đạt được, những vấn đề còn hạn chế, khó khăn và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm; nghiên cứu làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực được phụ trách; xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp đột phá trong thời kỳ chiến lược mới 2021-2030 với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo văn bản giao nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ.

Với tư cách là cơ quan thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội nghiên cứu, xác định những nội dung, những vấn đề cần tổng kết, nghiên cứu sâu, hình thành hệ thống các chuyên đề nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng bám sát kế hoạch công tác của Tổ Biên tập để xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với chất lượng cao và hiệu quả, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng .

leftcenterrightdel
 Sau gần 35 năm Đổi mới, thế và lực của nước ta đã mạnh lên nhiều (Ảnh: HNV)

PV: Vậy đâu là những điểm đáng chú ý trong Chiến lược và Kế hoạch này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực tế diễn biến cả trong và ngoài nước hiện nay đang có nhiều phức tạp. Dự kiến bối cảnh quốc tế trong giai đoạn sắp tới có nhiều biến động. Bên cạnh xu thế chủ đạo hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển được dự báo là vẫn tồn tại, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn theo hướng ngày càng phức tạp, gay gắt. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Đặc biệt, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị xã hội, kinh tế toàn cầu. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. An ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gia tăng, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Công, đặt ra nhiều thách thức lớn chưa từng có cho phát triển bền vững. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Điều kiện, thế và lực của nước ta cho phép có những tư duy mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng, bối cảnh quốc tế mới, như đã nêu, với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, xu thế biến động nhanh chóng của khoa học và công nghệ, của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới. Đây chính là những điểm đáng chú ý trong Chiến lược và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lần này.

Về tư tưởng phát triển trong giai đoạn tới, trước hết, phải lấy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển.  Tiếp theo, lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Và đặc biệt là, làm sao để khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Về mục tiêu phát triển, hướng tới việc thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới trong dài hạn, theo đó có thể đặt vấn đề đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo đó, có thể đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng (GDP) đạt bình quân khoảng 7,0%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD/người.

Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các đột phá đã xác định tại Chiến lược phát triển 2011-2020 với những nội hàm mới, trọng tâm mới về nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học công nghệ; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và các địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Hà Anh (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực