Thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Phúc

Thứ ba, 10/12/2019 12:53
(ĐCSVN) – Chiều 9/12, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; thành lập các phường thuộc thành phố Vĩnh Long và thành lập thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn tới.
leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị 
Tỉnh Vĩnh Long giảm 02 xã

Báo cáo tóm tắt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; thành lập các phường thuộc thành phố Vĩnh Long và thành lập thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Hên cho biết, tỉnh Vĩnh Long có 08 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã và 06 huyện); không có ĐVHC cấp huyện chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số nên không thực hiện sắp xếp. Có 109 ĐVHC cấp xã (94 xã, 10 phường và 05 thị trấn); trong đó có 01 ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Tỉnh Vĩnh Long xây dựng phương án sắp xếp 07 ĐVHC cấp xã để thành lập 05 ĐVHC mới, trong đó, 01 ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp; 06 ĐVHC liền kề và thuộc diện khuyến khích. Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Vĩnh Long giảm 02 xã.

Sau khi sắp xếp, tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 27 người (12 cán bộ, 15 công chức). Tỉnh Vĩnh Long dự kiến điều chuyển về huyện 04 cán bộ; nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ việc tự nguyện 08 cán bộ. Điều động đến các ĐVHC cấp xã còn thiếu là 10 công chức, nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ việc tự nguyện 05 công chức.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Long cũng thực hiện chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Về thành lập 04 phường thuộc thành phố Vĩnh Long, ông Trần Văn Hên nhấn mạnh, đây là tiền đề pháp lý cho việc thiết lập bộ máy tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tạo điều kiện để các xã tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn. Các phường được thành lập đều đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Theo đó, thành lập các phường Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội thuộc thành phố Vĩnh Long trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội. Sau khi thành lập 04 phường, thành phố Vĩnh Long có 11 ĐVHC cấp xã, gồm 11 phường.

Về thành lập thị trấn Tân Quới, ông Trần Văn Hên cho biết, huyện Bình Tân được thành lập năm 2007 nhưng chưa có thị trấn trung tâm huyện lỵ. UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt quy hoạch chung đô thị Tân Quới nằm trên địa giới các ĐVHC liền kề. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh để thành lập thị trấn bảo đảm quy hoạch được phê duyệt. Mặt khác, do điều kiện địa hình vùng sông nước, một số ấp của xã này bị chia cắt bởi địa hình nhưng lại liền kề với xã khác nên việc sắp xếp trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính là khắc phục khó khăn trong việc đi lại của Nhân dân và quản lý của chính quyền địa phương.

Theo đó, thành lập thị trấn Tân Quới trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Tân Quới. Sau khi thành lập thị trấn, huyện Bình Tân có 10 ĐVHC cấp xã (09 xã và 01 thị trấn).

Tỉnh Vĩnh Phúc giảm 01 xã

Cũng trong chiều 9/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Báo cáo tóm tắt Đề án, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Thị Thu Hằng cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (02 thành phố và 07 huyện); không có ĐVHC cấp huyện chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số nên không thực hiện sắp xếp.

Số lượng ĐVHC cấp xã là 137 đơn vị (15 phường, 12 thị trấn và 110 xã); trong đó, có 03 ĐVHC không đạt 50% trở lên cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định (xã Tân Cương, xã Phú Thịnh thuộc huyện Vĩnh Tường; thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo). Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc có 03 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp, sáp nhập xã Phú Thịnh và xã Tân Cương để thành lập xã Tân Phú.

Đối với thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị giữ nguyên hiện trạng thị trấn như hiện nay, không thực hiện sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021.

Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Vĩnh Phúc giảm 01 ĐVHC cấp xã.

Sau khi sắp xếp, sáp nhập, số cán bộ, công chức dôi dư là 14 người (10 cán bộ, 04 công chức) và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 22 người. Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư như tuyển dụng vào công chức cấp xã, công chức, viên chức cấp huyện nếu đáp ứng đủ điều kiện và còn chỉ tiêu; điều động đến ĐVHC cấp xã còn thiếu hoặc giải quyết chính sách thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định.

Bên cạnh việc sắp xếp, sáp nhập 02 xã, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị thành lập thị trấn Hợp Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Hợp Châu; thành lập thị trấn Đại Đình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Đại Đình thuộc huyện Tam Đảo.

Cùng với đó, thành lập thị trấn Bá Hiến trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Bá Hiến và thị trấn Đạo Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên.

Các thị trấn mới được thành lập đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Sau khi cho ý kiến, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Vĩnh Long./.

TG
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực