Nâng cao vai trò giám sát tại tổ chức Đảng tại doanh nghiệp nhà nước

Thứ tư, 25/12/2019 00:52
(ĐCSVN) – Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem là công cụ chủ yếu tạo ra sức mạnh vật chất để Nhà nước giữ vững sự ổn định xã hội điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm sao để nâng cao vai trò giám sát tại tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước, là vấn đề được đặt ra.

 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N) 

Đây cũng chính là lý do mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, nhằm mục tiêu đến năm 2020 cơ cấu lại, đổi mới DNNN trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực. Trên thực tế, khối DNNN đã và đang có đóng góp tích cực cho nền kinh tế với mức doanh thu, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng năm. Theo báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, năm 2017, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 1.458,11 nghìn tỷ đồng, tăng 11,23%; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị ước đạt 120,141 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3%; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 220,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016. Năm 2018, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tăng 11,4%; tổng lợi nhuận trước thuế tăng 13,8%; tổng nộp ngân sách nhà nước tăng 14,82% so với năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 855,63 nghìn tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối ước đạt 64,35 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị trong Khối ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018. Qua đó có thể thấy, DNNN là một thành phần vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, do vậy để DNNN đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tạo ra sự ổn định và phát triển trong chính doanh nghiệp thì tổ chức Đảng trong DNNN cũng phải lãnh xướng một sứ mệnh to lớn.

Dù có nhiều đóng góp tích cực, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, DNNN vẫn còn vô số hạn chế như: Chưa thể hiện vai trò dẫn dắt; hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh còn thấp; vẫn để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực gây ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế - xã hội. Các phân tích đã chỉ ra rằng, nhiều cán bộ, đảng viên đã tha hóa quyền lực không phải vì non kém trình độ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn mà do họ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật, kẽ hở của quản lý, lạm dụng quyền lực trong cuộc đua chức quyền - danh lợi từ đó thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật, sa vào tham ô, tham nhũng,...

Các kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về những vụ việc vi phạm nghiêm trọng bị xử lý trong DNNN thời gian qua đều mang dấu ấn buồn của người đứng đầu tổ chức Đảng đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm; trực tiếp ký hầu hết các văn bản liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị Tập đoàn về công tác cán bộ; về bảo toàn, phát triển vốn; về cổ phần hoá, tái cơ cấu vốn và thoái vốn nhà nước; về quản lý, sử dụng đất đai; về đầu tư các dự án.

Trên thực tế, Đảng đã đưa ra nhiều Nghị quyết nhằm kiểm soát quyền lực, nâng cao chức năng giám sát của Đảng trong cả hệ thống chính trị. Đơn cử như Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên yêu cầu: “Tập trung sức để xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo được sự chuyển biến rõ rệt chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức”; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó nêu rõ: “Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị”. “Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Ðảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu”; Hay Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

Tuy nhiên, việc nhất thể hoá chức danh cũng đã tạo ra quyền lực quá lớn cho người đứng đầu đơn vị. Khi quyền lực tập trung, nó giống như một cái khiên vững chắc dẫn đến người đứng đầu dễ rơi vào tình trạng độc đoán, thậm chí chuyên quyền, luôn coi mình là "số 1" trong tất cả mọi việc. Duy trì “tư tưởng” mang tính cá nhân ấy, cộng thêm nguyên tắc, quy định: “Thiểu số phục tùng đa số” và thiếu vai trò kiểm tra, giám sát dẫn đến việc quản lý điều hành doanh nghiệp đã rẽ sang một hướng khác; vai trò của các thành viên trong Ban thường vụ Đảng uỷ doanh nghiệp bị lu mờ, vô hiệu hoá. Dù có bày tỏ ý kiến cá nhân nhưng lại là thiểu số nên quyết định vẫn được thông qua.

Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm thời gian qua, thiết nghĩ, để tránh xảy ra tình trạng vi phạm trong DNNN, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNNN ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp như đổi mới công tác cán bộ, nâng cao vai trò của cấp uỷ, nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… thì nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực có vai trò quan trọng nhất. Nếu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp việc lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn; không để xảy ra tha hoá quyền lực dẫn đến vi phạm.

Do đó, đối với tổ chức Đảng trong DNNN, cần công khai minh bạch các chủ trương, quyết định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp từ công tác cán bộ, đến các hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh để mọi cán bộ, Đảng viên và công nhân viên chức, người lao động nắm rõ. Qua đó, các đảng viên ở cơ sở hay tổ chức Đảng cấp trên mới có cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả./.

An Nguyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực