Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 18/03/2020 15:45
(ĐCSVN) – Những năm qua, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và Hội Nông dân các cấp trong tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa các dự án, chương trình, đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, tỷ lệ nghèo giảm dần đều.
 Đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng nâng cao (Ảnh: HNV)

Cụ thể, Báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm dần, từ 34,35% (2015) còn 30,24% (2016), 27,56% (2017) và 23,09% (2018). Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế trong vùng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp. Trong sản xuất, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất nông – lâm nghiệp hàng hóa tập trung, có kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, trong đó, hạt nhân đi đầu là những hội viên Hội Nông dân. Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng được hoàn thiện thêm một bước, đặc biệt, đóng góp của Hội Nông dân nơi đây đã làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, làm thay đổi theo chiều hướng tích cực bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số được người nông dân có ý thức giữ gìn và phát huy, một số sản phẩm văn hóa phi vật thể gắn liền với đời sống sản xuất của đồng bào được khôi phục, lưu truyền và bước đầu được người nông dân gắn kết với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ… Công tác giáo dục – y tế không ngừng được cải thiện, người nông dân trong vùng có thẻ bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ cao, chất lượng dạy và học không ngừng được cải thiện. Bảo vệ môi trường được quan tâm và có chuyển biến về nhận thức cũng như những hành động cụ thể.

Nhìn chung, người nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, hội viên Hội Nông dân tại vùng này nói riêng đã khẳng định vai trò chủ thể của mình, luôn tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội: đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi từng bước được cải thiện.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên và người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển do đây là một trong những tổ chức đi sâu, đi sát và hiểu rõ nhất về thực trạng đời sống kinh tế - xã hội và nguyện vọng chính đáng của những người nông dân.

Tới đây, để thúc đẩy vùng phát triển một cách đồng bộ và bền vững hơn, thiết nghĩ, cần xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn là điển hình bởi những yếu tố này gắn bó máu thịt với người nông dân. Sẽ góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, với các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra, bản thân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng chủ động xác định phải quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân tham gia tốt các nội dung bao gồm:

Thứ nhất, vận động hội viên và người dân tích cực tham gia khắc phục, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó: đề cao công tác xã hội hóa xóa nhà tạm, hỗ trợ đất ở; tham gia vận động, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nông dân thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể, sáng tạo nhằm từng bước cùng với Nhà nước giải quyết cơ bản vấn đề trên.

Thứ hai, vận động hội viên và người dân tích cực tham gia đề xuất, đóng góp xây dựng và thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, làm tiền đề để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống dân sinh bền vững cho đồng bào.

 Bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo vùng  đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cải thiện nhiều (Ảnh: HNV)

Thứ ba, tích cực tham gia phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đổi mới các hình thức sản xuất; quan tâm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường sống…

Thứ tư, tiếp tục vận động hội viên và người dân tham gia xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh trong vùng.

Thứ năm, trên cơ sở chính sách đặc thù của Nhà nước, động viên, khuyến khích hội viên Hội Nông dân vùng thực hiện tốt chính sách giáo dục và đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện về trình độ dân trí.

Thứ sáu, tham gia tuyên truyền, phục dựng, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, duy trì tiếng nói, chữ viết riêng (nếu có) của đồng bào, gắn phát triển kinh tế chặt chẽ với văn hóa, đặc biệt là kinh tế du lịch, xem đây là cơ sở để giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào có sức sống hơn.

Đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động và bảo vệ quyền lợi của người nông dân trong thực hiện tốt các chính sách về y tế, thực hiện Luật Bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, nhất là tổ chức hỗ trợ hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, đảm bảo họ phát triển và ổn định đời sống lâu dài.

Tựu chung, Hội Nông dân cần chủ động phối hợp tốt với các bộ, ngành và các chính quyền địa phương để xây dựng, ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chung mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra./.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực