Bài 2: Những hy sinh thầm lặng trong trận chiến chống dịch

Thứ hai, 13/04/2020 09:09
(ĐCSVN) - Chiến trường nào cũng biết bao gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam.

Việt Nam đang chiến thắng đại dịch COVID-19 như thế nào?

leftcenterrightdel
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 (Ảnh: Tuấn Trình) 

Những người hùng nơi tuyến đầu chống dịch

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt trong hơn 3 tháng qua, với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết, trách nhiệm sâu sát từ Trung ương đến tận tổ dân phố, thôn xóm, khu dân cư vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch COVID-19.

Phát huy truyền thống của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh vệ quốc oanh liệt, hào hùng, trong cuộc chiến này toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng một ý chí, đoàn kết một lòng coi chống dịch như "chống giặc”. Với sức mạnh đoàn kết, ý chí một lòng đã đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” trong phòng chống dịch COVID-19 toàn cầu. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh. Trong cuộc chiến cam go, hiểm nguy đó, không thể kể hết tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm của các tầng lớp nhân dân... Những tháng qua, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh "ăn núi, ngủ rừng", vội vàng những bữa cơm chiều, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu “chống giặc” COVID-19, đã lay động hàng triệu trái tim. Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu “chống giặc” COVID-19.

Có mặt để tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn hàng ngày túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm hoặc cả tháng chưa về đến nhà. Như chia sẻ của bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.

Một điều dưỡng tại Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai bộc bạch "Chúng tôi không sợ dịch bệnh, nhưng chúng tôi chỉ lo là nếu về thì ai sẽ chăm sóc cho người bệnh đây”.

PGS.TS, Bác sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm, vừa mới chợp mắt thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Tổ công tác lại bật dậy bàn xử lý tình huống ngay”.

Hay như từ khi phát hiện ca bệnh trong 3 toà nhà chung cư ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh liên quan đến ổ dịch ở quán bar Buddha, bác sĩ Trương Thành Trung, Trưởng Phòng Y tế Quận 2 cho biết, quận đã huy động toàn bộ nhân viên y tế mỗi ngày lấy từ 400-500 mẫu xét nghiệm. “Chúng tôi mỗi lần mặc đồ xét nghiệm vào không muốn cởi ra để đi ăn, thường xuyên nhịn ăn để làm cho xong vì có quá nhiều xét nghiệm gửi về, người dân lại luôn hối thúc kết quả. Có những hôm phải lấy cả đêm, chỉ kịp nghỉ ngơi chốc lát rồi bắt tay ngay vào công việc”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Bác sĩ Lưu Nguyên Thắng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ, thời gian qua, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Khoa đều phải làm việc liên tục, cường độ cao gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như cán bộ của Khoa không có Tết, ngày đêm họ cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực, để thời gian sum họp với những người thân, gia đình ở lại phía sau.

Còn với Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, những “chiến sĩ áo trắng” luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Hơn 1.000 cuộc gọi tới mỗi ngày khiến cho các nhân viên trực tại đây hiếm có một bữa cơm trọn vẹn.

Ngày thường, các bác sĩ vốn đã rất bận, nhưng trong mùa dịch vừa điều trị cho các bệnh nhân cũ, vừa phải tiếp nhận các ca cấp cứu mới. Bên cạnh đó còn kiêm thêm nhiệm vụ trực, đo thân nhiệt, nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng. Có những y, bác sĩ, nhân viên y tế kiêm nhiệm vụ khuân vác, phân phối hàng hóa…

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang là một trong bệnh viện chủ công trong tuyến đầu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Với đặc thù của một cơ sở y tế tuyến đầu về bệnh truyền nhiễm, công việc quá tải, làm việc liên tục không có ngày nghỉ là điều đã quá quen thuộc với "người lính áo trắng" nơi đây, thậm chí lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Song, không vì thế mà họ nản lòng. 2 bác sĩ tại Khoa Cấp cứu trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đã bị nhiễm COVID-19, chúng ta mới thấy áp lực và căng thẳng của các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch là như thế nào. Nhưng với họ, tự động viên nhau, nhân viên y tế nhiễm bệnh là chuyện không may.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh những bác sỹ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt ngay tại nơi làm việc khiến ai nấy không khỏi nao lòng và thêm trân trọng những công lao đóng góp của họ cho sức khỏe nhân dân. (Ảnh: TTXVN)

Biết rằng lạc quan của đội ngũ y, bác sĩ là thế, nhưng mà trong guồng quay của dịch bệnh bác sĩ, y tá và những người phục vụ đã không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà bản thân họ còn phải tập trung cao độ, không có sai sót nào để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh. Còn trong tình cảnh họ điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, họ được tính là F1, vì vậy phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với người ngoài, đặc biệt không được về nhà. Vì thế, nhiều y bác sĩ không thể có một “nụ hôn” với đứa con thơ, không có câu chuyện vui đùa với con nhỏ hay ở bên cạnh chăm sóc cha mẹ già…

Với bác sĩ Quách Duy Cường, Khoa Vi rút - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương gần 1 tháng nay đã không về nhà mà ở lại bệnh viện cùng các đồng nghiệp của mình chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Điều đó đồng nghĩa với việc gần 1 tháng nay anh không được gặp vợ và cô con gái bé bỏng 16 tháng tuổi, Chelsea. Hàng ngày, cả nhà chỉ còn cách "gặp nhau" và gửi những nụ hôn qua màn hình điện thoại.

"Mỗi ngày, ba cùng các cô chú đồng nghiệp ở đây đều có rất nhiều việc phải làm. Nhưng khi kết thúc tất cả công việc, ba cùng các cô chú cũng thường chỉ nói về những chuyện vui, không ai nói về sự mệt mỏi hay lo lắng. Tất cả chỉ tiếp tục cố gắng làm thật tốt công việc của mình. Con biết để làm gì không Chelsea? Để các cô chú bị ốm sẽ được quay trở lại cười nói thật khỏe mạnh!", đây là những lời trong bức thư của bác sĩ Cường gửi cho cô con gái bé nhỏ của mình.

Như bác sĩ Cường, chắc chắn còn có hàng trăm, hàng nghìn y bác sĩ cùng với hàng ngàn chiến sĩ đang thầm lặng căng mình chăm sóc, chữa chạy cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, phục vụ hàng chục ngàn người cách ly tập trung.

Ở Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 39 bệnh nhân mắc COVID-19, khối lượng bệnh nhân nhiều nên đội ngũ y, bác sĩ trong khoa phải chia làm 2 tốp, mỗi tốp có 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng để đổi ca làm việc. Mỗi tốp làm 14 ngày rồi lại nghỉ để tự cách ly, hết thời gian cách ly lại "chiến đấu" tiếp chứ đâu được về nhà.

Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thị Phương Mai, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, cả tháng trời bệnh viện cách ly cùng người bệnh. Đặc biệt, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 từ đầu tháng 3, chị và nhiều đồng nghiệp khác khoảng 1 tháng nay không về nhà, ở liền trong bệnh viện. Một phần vì bệnh nhân, phần dù nhớ con nhỏ nhưng về lại sợ lây bệnh sang con, sang người nhà...

Còn đối với những cán bộ y tế dự phòng, họ không đối mặt trực tiếp với loại vi rút mới này như những đồng nghiệp chuyên điều trị, thu dung bệnh nhân, nhưng họ mang sứ mệnh nặng nề khi trở thành “lá chắn thép”. Họ “đến từng nhà, rà từng xóm”, phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người để sàng lọc, chẩn đoán được “kẻ thù”, đâu có thể biết rằng những “kẻ thù” đó đang ẩn nấp trong bóng tối đó luôn rình rập đem đến sự nguy hiểm cho họ…

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chia sẻ, để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng thí nghiệm tìm virus corona, ngoài việc đến các khu cách ly, những nhân viên, kỹ thuật viên lấy mẫu xét còn phải ngày đêm gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm. Việc lấy mẫu vô cùng khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Có một kỷ niệm đáng sợ của nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại sân bay là cứ hễ đưa que lấy dịch mũi là người này chuẩn bị hắt hơi trực diện vào nhân viên xét nghiệm…

Gian khó, nguy hiểm luôn rình rập là vậy nhưng “chiến sĩ mặc áo trắng” của dân tộc Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến chống dịch vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào, kiều bào về nước và cả những người mang quốc tịch nước ngoài…

Dù cuộc chiến chống lại dịch bệnh còn chông gai, con đường đi còn nhiều gian khó, tính mạng các “chiến sĩ áo trắng” đang rình rập và những hy sinh, thiệt thòi đó là để giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, an toàn cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Vì vậy, đến thời điểm này, nước ta chưa có trường hợp nào tử vong do COVID-19 gây ra, ngoài ra số lượng người mắc COVID-19 ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước. Trong cuộc chiến chống đại dịch Việt Nam còn là điểm sáng trên toàn cầu, được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao Việt Nam.

Có được kết quả như vậy, là sự hy sinh, nỗ lực quên mình của những “chiến sĩ áo trắng”. Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng. Dân tộc sẽ ghi nhận sự hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế trong cuộc chiến  "chống giặc” COVID-19 vô hình này. “Người dân Việt Nam đều rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sĩ, những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch. Việc điều trị thành công các ca bệnh, chưa để xảy ra trường hợp tử vong không chỉ là niềm mong mỏi, niềm tin, sự tự hào của Ngành Y tế Việt Nam mà còn niềm tự hào của dân tộc Việt Nam” như lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng bày tỏ.

"Lá chắn thép" bảo vệ sức khỏe nhân dân

leftcenterrightdel
Bất kể là ngày hay đêm, các chiến sỹ vẫn sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân - Ảnh: Kim Chiến 

Còn nhiều lắm những gian truân, hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến này, bởi cùng với “chiến sĩ áo trắng” tham gia chống dịch, quân đội, công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Phát huy truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đang ngày đêm dãi nắng dầm sương, tạo thành những "lá chắn thép" ở nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Không chỉ vậy, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng nhường doanh trại để tiếp nhận người cách ly, dựng hàng chục lều bạt dã chiến “ăn lán, ngủ rừng” để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, sẵn sàng vì nhân dân quên mình.

Ngay từ những ngày đầu có dịch, Bộ Quốc phòng đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bằng nhiều hình thức với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Trong bất luận tình huống nào quân đội cũng phải sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch COVID-19. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã triển khai 140 điểm cách ly để đón những người đến cách ly theo qui định. Trong đó đã sử dụng hơn 120 điểm và thực hiện cách ly gần 44.800 người. 140 điểm cách ly, là 140 điểm đến an toàn cho người đến cách ly. Trong đó phải kể đến không gian thoáng đãng, nơi ăn nghỉ sạch sẽ, chu đáo; có bác sĩ túc trực theo dõi sát sao sức khỏe; có nơi luyện tập thể thao, vui chơi giải trí; an toàn tuyệt đối cho người đến cách ly.

Theo như lời kể của chị Nguyễn Thị Lan (51 tuổi), việt kiều Đức đang cách ly tập trung ở Trung đoàn Pháo binh 58 (xã Hoà Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội). 14 ngày cách ly tại đây chị chia sẻ “Các chú phải nhường chỗ, nhường giường, nhường chăn cho mình. Hằng ngày, cũng chính các chú đun nước uống, nước tắm cho bà con bằng bếp củi. Khổ lắm!.. Cứ sáng sáng, 6 giờ 30 phút là bộ đội lại gọi bà con dậy ăn sáng. Các suất ăn được mang vào tận phòng. Khi bà con cần gì, đơn vị lại cử một người đi mua về phục vụ tận tình cho mọi người’.

Cùng với các chiến sĩ đang túc trực theo dõi sát sao sức khỏe, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cách ly, lực lượng trên các tuyến biên giới đã được triển khai quyết liệt hơn bao giờ hết từ khi áp dụng lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài vào Việt Nam. Trên những đường mòn, lối mở, cửa khẩu, bước chân của lực lượng biên phòng tuần tra không nghỉ, xuyên đêm, chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ biên giới. Với họ, nhiều ngày qua, rừng trở thành nhà, lều bạt dã chiến thành nơi nghỉ ngơi.

Tại Hà Tĩnh, Bộ đội Biên phòng lập 16 chốt chặn trong rừng để ngăn chặn tình trạng người dân vượt biên trái phép qua đường tiểu ngạch. Ngày 18/3, nhận lệnh cấp tốc, 16 chiến sĩ chỉ kịp mang theo tấm dao, rựa, cuốc, xẻng cùng thùng mì tôm cuốc bộ đến khu rừng gần cửa khẩu Cầu Treo để lập 1 chốt tại đó. Khi trời tối cũng là lúc trời đổ mưa, khung lán vừa được dựng xong chưa có vải dù để phủ lên trên vì thế người ướt sũng, bạt, chăn màn chưa kịp đem theo, các chiến sĩ đi hái lá, cành cây đem trải dưới các bãi đất gần lán để nghỉ. "Cả ngày hôm đó anh em ăn mỳ tôm, dùng tạm nước suối dưới khe khi khát. Đêm đó, mưa rả rích, vừa nằm vừa run, không thể chợp mắt” Trung tá Hoàng Xuân Kỳ, cán bộ trinh sát, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh kể.

Trước những yêu cầu "Chống dịch như chống giặc", dọc theo chiều dài đất nước, trên các tuyến biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng, những chiến sĩ quân hàm xanh đã "ăn núi, ngủ rừng" lập các đồn, bốt dã chiến để chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh từ biên giới. Ở 4 tỉnh biên giới phía Bắc, gồm tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai có gần 300 học viên Học viện Biên phòng đã tình nguyện xuất quân tăng cường quân số chống dịch cho nơi đây. Thời tiết mùa này mưa dầm, rét mướt, các lán trại dã chiến được dựng, nhưng xung quanh không có nhà dân nên không điện, nước, bộ đội phải xuống con suối cách lán trại vài km để tắm giặt, hứng nước về dùng. Có những hôm trời mưa tầm tã, nước thấm dột xuống lán chăn gối ướt nhẹp, bộ đội dầm mưa cả đêm… Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh này, việc tăng cường kiểm soát người qua lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Trung sĩ Nguyễn Việt Hưng chia sẻ ở Học viện Biên phòng em đã quen với nhiệm vụ canh gác. Tuy nhiên, ở khu vực biên giới, nhiệm vụ canh gác ở không gian rộng hơn, thời gian trực cả đêm lẫn ngày trong điều kiện giá lạnh, rét ướt. "Nhưng dù có khó khăn đến mấy, với em những điều học được những ngày này là kiến thức thực tế quý giá. Dù trong bất cứ nhiệm vụ nào, đã là chiến sĩ biên phòng thì luôn phải bảo vệ biên giới và sự bình yên cho người dân", Trung sĩ Hưng bày tỏ.

leftcenterrightdel

Những mái lều được dựng tạm giữa rừng của chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn, tỉnh Quảng Ninh, trú chân kiểm soát dịch bệnh ở  khu vực biên giới - Ảnh: Phạm Cường

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của các chiến sĩ chưa bao giờ ngừng lại. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng của những người lính, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh, ngay cả những việc riêng tư quan trọng của đời mình...

2 tháng qua, có gần 30 chiến sĩ biên phòng hoãn cưới vợ, 20 người vợ sinh con chưa thể về nhà; thậm chí có đồng chí người thân mất nhưng không kịp về chịu tang. Mới đây, (ngày 7/4), Thiếu úy Bùi Quang Huy, công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc gia Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) được tin cha ruột ở Nam Định qua đời. Dù rất muốn về quê chịu tang cha, nhưng vì nhiệm vụ, anh đành nén đau thương, ở lại Đồn tiếp tục làm nhiệm vụ. Để sẻ chia nỗi đau mất mát với gia đình, đồng đội đã cùng anh lập bàn thờ vọng cha ở ngay nơi anh đang làm nhiệm vụ.

Vì nhiệm vụ chung cả nước đang chống dịch thì niềm vui cưới vợ, niềm vui sinh con của các chiến sĩ sẽ phải gác lại; không chỉ đám cưới mà các đám tang cũng giảm tối đa, dù rằng nghĩa tử là nghĩa tận, không thắp cho người khuất một nén hương là trong lòng nặng trĩu buồn đau nhưng không vì thế mà mất đi truyền thống đạo hiếu.

Trong suốt thời gian qua, để tạo thành lá chắn thép vững chắc trong tất cả các mặt trận phòng chống dịch COVID-19, lực lượng công an nhân dân đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là phối hợp với Quân đội nhân dân, ngành Y tế đi đầu trong mặt trận chống giặc vô hình này.

Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, tại các cửa khẩu quốc tế, nơi các hàng nghìn các bộ, chiến sĩ xuất nhập cảnh ngày đêm làm nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ hàng triệu lượt hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, hạn chế dịch bệnh lây lan vào trong nước; nguy cơ có thể bị lây nhiễm dịch COVID-19 trong bất cứ lúc nào vào bất kỳ ai, nhưng các lực lượng chức năng đã làm việc không mệt mỏi, không kể ngày đêm, 24/24 để góp phần ngăn chặn đại dịch ngay từ trận đầu. Cùng với đó, ngày cũng như đêm, tại từng con hẻm sâu ngõ phố, đường làng, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an thường xuyên, liên tục tổ chức tuần tra, kiểm soát, kết hợp với lực lượng y tế thực hiện tốt công tác phát hiện, tìm kiếm, giám sát cách ly đối với những người nhiễm, nghi nhiễm dịch COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh; tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi lừa đảo, trục lợi liên quan đến phòng, chống dịch bệnh…

Khi Chỉ thị cách ly xã hội được Thủ tướng quyết định chính thức có hiệu lực, các chốt kiểm soát ở các địa phương được thành lập. Các cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng chức năng triển khai bài bản, chặt chẽ và nghiêm túc, kiểm soát 24/24 tất cả các phương tiện đi lại giữa các địa phương, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan.

Tại thành phố Hà Nội, khi phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an các phường, xã của Hà Nội đã vào cuộc tích cực. Trên địa bàn phường Phương Mai, quận Đống Đa, toàn bộ cán bộ chiến sĩ Công an phường gần như chưa được nghỉ. Bởi theo Thiếu tá Nguyễn Duy Định, Trưởng Công an phường Phương Mai, suốt đêm qua (28/3), các cán bộ chiến sĩ đã trắng đêm làm nhiệm vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn đưa hơn 500 người từ Bệnh viện Bạch Mai đến khu cách ly tập trung phòng chống dịch của Thành phố. “Mệt mỏi, áp lực, song chúng tôi nhận thức rõ, đây là thời điểm tất cả phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm để bảo đảm sức khỏe, an ninh ninh trật tự, sự an toàn cho nhân dân” Thiếu tá Nguyễn Duy Định tâm sự.

Còn với anh Lê Sơn Tùng, cán bộ Thanh tra GTVT tại huyện Ba Vì đã 12 ngày nay anh chưa về thăm nhà. Anh Sơn cho biết, do nhà ở tận Cầu Giấy, việc đi lại hàng ngày rất vất vả và trong quá trình làm nhiệm vụ trở thành đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Đặc biệt, “Các chốt phải duy trì 24/24h, lại kéo dài nhiều ngày nên cũng không ai hỗ trợ ai được. Bởi vậy, tôi đã ở luôn tại Đội những lúc hết ca, phần thời gian còn lại thì ăn ngủ tại ngay chốt trực. Thực lòng mà nói, tôi rất nhớ mấy đứa nhỏ, nhưng vì nhiệm vụ, công việc, nên mỗi người đều phải khắc phục hoàn cảnh". Anh Sơn tâm sự.

Giữa mùa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm túc trực, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh. Hay hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội với những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội’ hay như lúc ngủ vùi sau những ngày tuần tra, làm nhiệm vụ mệt rã rời đã khiến không ít người xúc động. Những người như anh lái xe, chú bộ đội, những bác dân quân tự về ấy không lên báo, cũng chẳng mong nhận được nhiều lời cảm ơn nhưng trong tâm niệm họ hiểu rằng ở thời khắc này nhiệm vụ đang gánh vác là trọng trách thiêng liêng bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ sẵn sàng vì nhân dân quên mình, vì sự bình yên cho hơn triệu triệu người dân Việt Nam./.

-------------------------------------------------------------------------------

(Còn nữa). Bài 3: Thắp lên niềm tin dân tộc Việt!

Nhóm PV Xây dựng Đảng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực