Bài 4: Những món quà vô giá góp phần chiến thắng “giặc vô hình”

Thứ ba, 28/04/2020 00:06
(ĐCSVN) – Từ trong gian khó, tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã giúp nhiều người khó khăn "không bị bỏ lại phía sau”… Tình đoàn kết, nghĩa đồng bào đã và sẽ mãi là sức mạnh giúp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung luôn giành chiến thắng - kể cả với “giặc vô hình” mang tên COVID-19.

Sát cánh đồng hành cùng đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch

Bài 2: Vững một niềm tin

Bài 3: Vì nhân dân quên mình

Những lời ngỏ "Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác" có tại rất nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô. 

Tình người sưởi ấm lòng người

Hà Nội trong thời gian qua, bên cạnh những thông tin thót tim về số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tăng, số địa phương bị khoanh vùng, cách ly… còn có những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình. Ấy là câu chuyện "cây ATM gạo" đầu tiên của Hà Nội. Ai chứng kiến cảnh sáng 1/4 khi hàng trăm người dân đổ về Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) để xếp hàng nhận gạo miễn phí từ “cây ATM gạo” cũng đều cảm động. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một nhà sách lớn tại Hà Nội là người có sáng kiến triển khai chương trình miễn phí này nhằm giúp người dân gặp khó khăn trong đại dịch. Dự kiến, với 10 tấn gạo, "cây ATM gạo" sẽ vận hành đến hết tháng 4/2020.

Từ ngày 13/4, ai có hoàn cảnh khó khăn khi tới “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” ở phía sau tòa nhà Grand Plaza số 117 Trần Duy Hưng sẽ được lấy miễn phí 5 nhu yếu phẩm khác nhau (gạo, đường, lạc, mắm, dầu ăn, thuốc men…) với tổng giá trị cho mỗi lần là 100 nghìn đồng. Mỗi người được mua tối đa 2 lần/tuần. Siêu thị mở cửa từ 8h sáng đến 17h, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, trừ ngày lễ, tết. Không giấu được niềm vui, bà Mai Thị Thanh, một người bán rau dạo trú tại Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội cho chúng tôi biết, bà cảm thấy ấm lòng vì sự sẻ chia của cộng đồng trong những ngày đại dịch. “Tôi đã lấy một bao gạo 3kg, số còn lại thì thôi, để dành cho những người khác có khó khăn như mình” - bà nói.

Nhiều ngày nay, cứ từ 16h chiều hằng ngày, những người đánh giày, thu mua phế liệu, nhân viên vệ sinh, người già neo đơn, hay những người lái xe grab… lại đến nhận quà tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân với gói quà là 2 gói mì tôm, 2 xúc xích, 2 quả trứng hoặc 1 túi gồm gạo, lạc, gia vị. Đây là điểm tặng thực phẩm thiết yếu của chương trình “Ai cần cứ đến lấy” của một nhóm thiện nguyện. Chia sẻ tại đây, chị Hoàng Thị Hường, một người thu mua ve chai, sắt vụn xúc động nói: “Tôi từ Nam Định lên Hà Nội để kiếm cơm nên ngày thường đã khó rồi, giờ lại có dịch bệnh không ai được đi đâu nên khổ lắm. Cũng may có những người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn này. Tôi cảm ơn nhiều lắm”.

Để có nhiều nguồn lực giúp cho những mảnh đời khó khăn là sự chung tay, góp sức của rất nhiều tấm lòng thiện nguyện. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính cộng đồng ngày càng được phát huy, nhân rộng. Trên địa bàn quận Thanh Xuân, tính đến ngày 23/4, các đơn vị chức năng thuộc quận đã nhận được gần 2,6 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều hiện vật khác như: gần 100.000 chiếc khẩu trang, 67 máy đo thân nhiệt, 2.480 bộ quần áo bảo hộ, 78,7 tấn gạo và các nhu yếu phẩm khác... Toàn bộ số tiền và tặng phẩm dùng để hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch… Cũng qua đợt dịch này, quận đã triển khai rà soát, lập danh sách 2.406 trường hợp đối tượng chính sách, 1.945 đối tượng bảo trợ xã hội và 144 nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo để hỗ trợ với kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng. Quận cũng ủng hộ thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh 30 triệu đồng.

“Ai cần cứ lấy, cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, đó là thông điệp trong chương trình tặng thực phẩm hằng ngày đến các hoàn cảnh khó khăn, triển khai trên các địa phương trên địa bàn quận Thanh Xuân. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của cả xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Điều đáng nói là không chỉ nhận 1 lần, nhiều địa điểm phát thực phẩm, người khó khăn trên địa bàn quận có thể nhận các suất hằng ngày cho đến khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi” – Bí thư Nguyễn Xuân Lưu thông tin.

Chia sẻ về hành động của mình, cụ Nguyễn Văn Tạ nói thật giản dị: "Đóng góp một phần sức lực nhỏ bé chỉ như một hạt cát nhỏ, một giọt nước trong, nhưng là thể hiện tấm lòng để cùng nhau vượt qua khó khăn..." 

Điều đáng nói là những câu chuyện trên không phải là cá biệt. Bởi trong giai đoạn giãn cách xã hội, không khó để thấy đâu đó những điểm phát lương thực miễn phí và những lời ngỏ "Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác". Các phần quà nhỏ nhưng thiết thực được trao đến tận tay những người vô gia cư, lao động thời vụ bị ngưng việc, mất nguồn thu nhập do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thật là “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Nó sưởi ấm lòng của những người khó khăn bằng chính tình người của những người sẵn sàng san sẻ.

Nghĩa tình giữa tâm dịch

Trong hàng vạn tập thể, cá nhân đang lan tỏa những hành động đẹp, có những con người không thể không nhắc đến. Vào một buổi sáng cuối tháng 3, chúng tôi may mắn được gặp cụ Nguyễn Văn Tạ, 88 tuổi, thương binh hạng 4/4, tại xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ngay sau khi MTTQ Việt Nam TP Hà Nội kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, cụ Tạ đã đạp xe hơn 10 km lên trụ sở UBND xã Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức ủng hộ số tiền 1 triệu đồng được tích cóp từ trợ cấp chế độ hằng tháng. Cảm kích tấm lòng của cụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã gửi thư cảm ơn. Sau đó, tại buổi tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ 3 do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức, cụ Tạ lại từ Mỹ Đức về dự và ủng hộ thêm 1 triệu đồng. Chia sẻ về hành động của mình, cụ nói thật giản dị: "Đóng góp một phần sức lực nhỏ bé chỉ như một hạt cát nhỏ, một giọt nước trong, nhưng là thể hiện tấm lòng để cùng nhau vượt qua khó khăn, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Mong rằng mọi người cũng đóng góp công sức của mình vì cộng đồng, vì xã hội”.

Một câu chuyện khác về nghĩa đồng bào phải kể đến là nhóm thiện nguyện "Mỗi ngày một quả trứng". Không ngại vất vả, nhóm đã rong ruổi trên khắp mọi miền Tổ quốc và hành trình tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 28/3, với mục tiêu chạy đua với thời gian để đánh bật cái đói, "tiếp sức" cho người vô gia cư, người nghèo. Chị Khuất Thị Hải Oanh, người sáng lập nhóm kể lại, mỗi nơi đi qua là một câu chuyện đáng nhớ. Đọng lại trong tâm trí chị là những cảnh đời nơi bãi giữa sông Hồng với những người sống bằng nghề thu gom chai lọ, làm thuê. Đến giấy tờ tùy thân cũng chẳng có, họ thiếu thốn đủ bề... Những hoàn cảnh như thế luôn nhắc nhở chị Oanh cần nỗ lực hơn nữa, để san sẻ, làm vơi đi phần nào khó khăn cho những người kém may mắn..

Chúng tôi cũng rất cảm kích khi nghe lý do mà cụ Nguyễn Thị Bí, 83 tuổi ở thôn Hòa Xá, xã Đồng Phú, huyện Mỹ Đức vượt đường xá xa xôi đến ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết là MTTQ Việt Nam TP Hà Nội để ủng hộ 10 triệu đồng. Cụ Bí bộc bạch: "Số tiền tuy không lớn nhưng là tấm lòng của gia đình tôi mong muốn được góp cùng với TP mua khẩu trang, mua thức ăn động viên những người đang ở tuyến đầu chống dịch".

Hay cảm động lắm khi một cụ bà 82 tuổi tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng trong buổi sáng ngày 23/4 - ngày đầu tiên thực hiện lệnh “nới lỏng” giãn cách, cụ đã nhờ cháu đưa đến Mặt trận để mang số tiền ủng hộ 2 triệu đồng của mình cùng những người bạn sinh hoạt trong nhóm Phật tử với mong muốn góp sức cùng Đảng, Nhà nước, Nhân dân chống đại dịch này.

Thầm thì với những người làm công tác tiếp nhận, cụ nói: Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chúng tôi cũng đã ủng hộ để chống giặc rồi, nhưng giặc này còn hơn cả giặc Pháp, giặc Mỹ. Giặc trước còn nhìn thấy mà đánh, giặc này nó vô hình. Ngày nào cũng nghe đài, xem tivi thấy số người chết trên thế giới tăng lên, nên trước lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, chúng tôi mong số tiền ít ỏi này sẽ góp phần cùng các chiến sỹ “áo trắng”, “áo xanh” vững vàng hơn trong trận chiến bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Rất nhiều cá nhân đã trích một số tiền không hề nhỏ của gia đình vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Đó là gia đình anh Nguyễn Trọng Chinh (ở C28 ngõ 210, Nghi Tàm, Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) đã đến MTTQ Việt Nam TP Hà Nội ủng hộ 150 triệu đồng. Nói về việc làm của mình, anh trả lời rất giản dị: So với những gì mà các y, bác sĩ tuyến đầu đang chịu đựng hay nguồn kinh phí mà Nhà nước đã bỏ ra thì những đóng góp của gia đình tôi có đáng gì!

 Mẹ con bà Nguyễn Thị Viễn chia sẻ với phóng viên về quyết định trích từ tiền dưỡng già đề phòng lúc ốm đau nhưng giờ thấy mình còn khỏe mà đất nước cần nên đã trích ủng hộ 2 tấn gạo. (Ảnh: Vũ Mạnh)

Hình ảnh các bác sĩ thức trắng đêm lo cho người bệnh, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày đêm canh gác, nhường chỗ, chuẩn bị từng bữa ăn, giấc ngủ cho người cách ly đã lay động nhiều con tim. Đó cũng là lý do bà Nguyễn Thị Viễn, ở 20 đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông quyết định trích từ tiền dưỡng già đề phòng lúc ốm đau nhưng giờ thấy mình còn khỏe mà đất nước cần nên đã trích ủng hộ 2 tấn gạo. Anh Đỗ Anh Tuấn con trai của bà Viễn kể, hôm mẹ bảo muốn ủng hộ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, anh và các thành viên trong gia đình hoàn toàn đồng ý. Bản thân anh cũng đóng góp tại nơi công tác là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 5 triệu đồng và 1 ngày lương.

Đó còn là gia đình anh Phạm Đình Đạo, ở tổ 17A, phường Đức Giang, quận Long Biên đã ủng hộ 50 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Hay bà Huỳnh Thị Kim Long, tòa R5, Khu đô thị Royal City, Thanh Xuân ủng hộ 200 thùng mỳ tôm trị giá 12 triệu đồng; ông Nguyễn Thanh Long, số 2 Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm ủng hộ 200 mũ bảo hộ chống giọt bắn…

Còn nhiều lắm những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp của các cụ già, các em nhỏ, các nhà hảo tâm trên địa bàn TP đang ngày đêm một lòng hướng về nhân dân, với niềm tin, kỳ vọng Thủ đô, đất nước sẽ sớm đẩy lùi đại dịch. Những tấm lòng này chính là món quà vô giá không thể cân đong đo đếm và được ví như “những vòng tay ấm” tiếp thêm sức mạnh cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước.

Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết

Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 125 tỷ đồng. Kết quả này có được là nhờ vào những hành động đẹp của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay góp kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch. Trong đó có nhiều doanh nghiệp tự nguyện chấp nhận thiệt hại lợi ích trước mắt để phục vụ nhiệm vụ chống dịch thành công. Và số tiền, hàng hóa đó cũng đã được những người làm công tác Mặt trận kịp thời chuyển tới các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch gồm: các y, bác sĩ tuyến đầu, lực lượng công an, quân đội; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh và nhân dân các khu vực cách ly phòng chống dịch trên địa bàn TP… Từ đây tinh thần tương thân tương ái, lòng yêu nước luôn được nung nấu trong trái tim mỗi người Việt Nam thực sự lan tỏa. Dù ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đất nước gặp gian nguy, tinh thần đó đều được khơi dậy để mỗi người cùng chung tay vượt qua khó khăn.

Vẫn giữ nguyên tình cảm xúc động, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Được coi là "ổ dịch" COVID-19, với lệnh phong tỏa đột ngột dẫn đến một số khó khăn ban đầu cho Bệnh viện, nhưng sự xáo trộn trong hoạt động nhanh chóng được khắc phục bởi chúng tôi đã nhận được sự chung tay rất tích cực, đong đầy yêu thương của cộng đồng, từ các cháu học sinh, thày chùa, nhà văn cho đến những người của công chúng như nghệ sĩ, diễn viên; các tập thể từ nhóm cựu sinh viên, giáo chức, cho đến các ngân hàng, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.... Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Thủ đô Hà Nội đã gửi lời hỏi thăm, chia sẻ yêu thương bằng cả vật chất và tinh thần tới các bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện.

“Chúng tôi đã vượt qua tất cả vì chúng tôi biết rằng phía sau mình có một điểm tựa vô cùng vững chắc, đó là toàn Đảng, toàn dân luôn chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ, động viên và cảm thông với những người đang làm nhiệm vụ ở nơi “tuyến đầu” trong trận chiến chống dịch bệnh. Sự sẻ chia, chung tay, góp sức của nhân dân cả nước, trong đó có người dân Thủ đô đã gieo hạt giống niềm tin về một xã hội chan chứa tình người. Món quà đó tiếp sức cho những nơi “tuyến đầu” chống dịch để vững vàng tiến về phía trước” – GS Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ.

Cụ bà 82 tuổi tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng đến ủng hộ tại MTTQ Việt Nam.
Sau 10 lần tiếp nhận tiền và hàng hóa thiết yếu ủng hộ phòng chống dịch của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã nhiều lần phải thốt lên với cánh nhà báo chúng tôi khi đồng hành tiếp nhận ủng hộ, hay đến các khu cách ly và tặng quà cho những đối tượng yếu thế trong xã hội: “Trong cuộc chiến với đại dịch này, tinh thần yêu nước, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong nhân dân được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp ở trong và ngoài nước đang ngày đêm một lòng hướng về Tổ quốc, về Thủ đô với niềm tin, kỳ vọng đất nước sẽ sớm đẩy lùi đại dịch. Những tấm lòng này chính là món quà vô giá, là động lực với những người làm công tác tiếp nhận trong những ngày này. Đó là sự động viên và tiếp sức mạnh cho TP phấn đấu chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Hy vọng những hành động này tiếp tục lan tỏa, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.  

(Bài 5: Nỗ lực càng cao, thành quả càng lớn)

Bài và ảnh: Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực