Bài 5: Nỗ lực càng cao, thành quả càng lớn

Thứ ba, 28/04/2020 15:55
(ĐCSVN) – Hà Nội đã triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất, gương mẫu nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Và hiện nay, Thủ đô cũng đang nỗ lực để tiếp tục gương mẫu, chủ động trong phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch… Và từ những thành quả này, Hà Nội đã được Trung ương, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao.

Hà Nội: Sát cánh, đồng lòng vượt qua đại dịch

Bài 2: Vững một niềm tin

Bài 3: Vì nhân dân quên mình

Bài 4: Những món quà vô giá góp phần chiến thắng “giặc vô hình”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế, phải quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với loại “virus trì trệ”. 

Không khoan nhượng với loại “virus trì trệ”

Trong rất nhiều các cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, rất nhiều dự báo, dự kiến được đưa ra nhưng đến giờ phút này chúng ta chưa đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới, Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức, thời gian cho công tác phòng chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để đảm bảo nguồn lực an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.

Vì vậy, chỉ trong chưa đầy một tháng, trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã 2 lần gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thích ứng. Hai cuộc làm việc và đối thoại này cùng với các chỉ đạo khác của Thành ủy, HĐND, UBND TP cho thấy các doanh nghiệp không đơn độc, luôn được quan tâm, đồng hành và hỗ trợ. Những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp đã được đồng chí Bí thư Thành ủy kết luận rõ ràng, chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND TP và các sở, ngành, quận, huyện liên quan giải quyết, có thời hạn với từng nhóm vấn đề. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị của TP thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm.

Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai gói hỗ trợ kinh tế 7.000 tỷ đồng; thực hiện rà soát các đối tượng bị thiệt hại để thực hiện gói hỗ trợ này với phương châm việc triển khai chính sách phải nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm.

Trong đó, về nông nghiệp, năm nay TP quyết tâm đạt tăng trưởng khoảng 4,04%, trên cơ sở tái đàn lợn; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau, củ, quả... Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, để triển khai, TP đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. TP cũng đã hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh...

Tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp diễn ra ngày 16/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những giải pháp TP tập trung thực hiện là phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,62%. Do vậy, TP kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp để phát triển nông nghiệp. Bình quân 4 năm qua nông nghiệp TP tăng trưởng 2,5% mỗi năm, 3 tháng đầu năm 2020 là âm 1,17%. TP quyết tâm và tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,04% bằng cách tăng tái đàn gia súc, gia cầm...

Nêu việc TP đang có chủ trương rà soát, không để mét đất nào bỏ hoang, TP kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp phát triển nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng: "Ngay ở Ba Vì đang có 41 hecta có thể làm rau sạch, nhà đầu tư có thể lên làm việc ngay. TP cũng giảm bớt diện tích trồng hoa để tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đây là cơ hội chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp". Và ngay tại phiên họp, đã có ngay doanh nghiệp xung phong đầu tư phát triển vùng đất nghèo nhất của Thủ đô.

Đối với đầu tư công, Hà Nội quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo tinh thần “góp gió thành bão”. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội có hơn 107 nghìn tỷ đồng vốn, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. TP đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. “Đây cũng là giai đoạn mà TP xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân” - Bí thư Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh và khẳng định TP sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn được kích hoạt, thông suốt, đồng thời cam kết có thời hạn thực hiện cụ thể.

Năm 2020, Hà Nội quyết tâm tăng trưởng cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP của cả nước. 

Đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ thì TP đang cố gắng triển khai một cách nhanh nhất. Và từ ý kiến đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí…trong các cuộc họp vừa qua, TP cam kết điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền của mình. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ hiến kế cho TP để duy trì được đà tăng trưởng, nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua được dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc.

Và tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 23, khóa XVI diễn ra ngày 22/4, một lần nữa người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ công tác phòng chống dịch vừa qua, từ đó đưa ra giải pháp “nạp năng lượng, tạo hiệu năng" để kinh tế Thủ đô có thể tăng mạnh trở lại khi khống chế được dịch COVID-19.

“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế hay không? Để làm điều đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải làm gì?”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên khai mạc.

Và trao đổi thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện... đã “hiến kế” tập trung vào việc lập ban chỉ đạo về đầu tư phát triển đầu tư công để giải quyết tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, cắt giảm chi thường xuyên; rà soát củng cố cơ chế tạo điều kiện cho đấu giá sử dụng đất, bù thu cho ngành du lịch, điều hòa thu chi ngân sách toàn TP; quyết liệt phát triển thị trường trong nước…Những góp ý này đã được chấp nhận với việc TP sẽ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19...

Trong cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 23, khóa XVI diễn ra ngày 22/4, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các cấp. Từng cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị TP cần phát hiện, biểu dương, trọng dụng các đồng chí dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của Thủ đô; đồng thời sàng lọc, thay thế, thậm chí cần loại bỏ những cán bộ thiếu trách nhiệm, trì trệ, né tránh, nhũng nhiễu và tiêu cực để bộ máy của Đảng, Nhà nước ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, củng cố niềm tin cho người dân và doanh nghiệp - nhân tố quyết định đem lại thắng lợi trên mặt trận khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của TP”..

Và tại phiên bế mạc diễn ra ngay chiều hôm đó, với quyết tâm tăng trưởng cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP của cả nước trong năm 2020, Bí thư Vương Đình Huệ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm tinh thần “Hà Nội phải làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất, gương mẫu nhất” và “Thủ đô cũng tiếp tục gương mẫu, chủ động trong phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch”. Trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế, phải quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với loại “virus trì trệ”.

Trung ương, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Hà Nội

Đến nay, TP Hà Nội đã cơ bản kiểm soát tốt, ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. (Đến hết ngày 27/4/2020, Hà Nội ghi nhận tổng số 114 ca mắc, trong đó: 38 ca được phát hiện tại sân bay/khu cách ly tập trung (chưa về cộng đồng). 74 ca được phát hiện tại cộng đồng và đã có 12 ngày Hà Nội không có ca mắc mới. Hai ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh và ổ dịch thôn Đông Cứu, Dũng Tiến, Thường Tín không phát sinh ca mắc mới). Các hoạt động kinh tế theo Chỉ thị số 16 vẫn được duy trì, hàng hóa, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. Dư luận nhân dân bày tỏ sự cảm phục, ghi nhận nỗ lực, nhiệt huyết của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh, từ các đồng chí lãnh đạo TP đến những chiến sĩ nơi tuyến đầu như đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội...

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tại nhiều cuộc họp gần đây, Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả của TP Hà Nội đạt được trong công tác phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế trên địa bàn, góp phần quan trọng vào mặt trận phòng, chống dịch của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19  tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Tại Phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4 có sự tham dự trực tuyến của các địa phương, cũng là phiên họp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Tổng chỉ huy chiến dịch chống “giặc COVID-19” và các đại biểu dự họp thảo luận sôi nổi, thoải mái nhất kể từ ngày 6/3 khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17 đến nay. Phát biểu tại đây, Thủ tướng đánh giá: “Hà Nội chống dịch rất quyết liệt, phải nói rằng các đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm”.

Sự thoải mái có thể dễ hiểu khi thời gian qua, các địa phương, các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả đáng mừng. Thủ tướng xếp Hà Nội vào nhóm địa phương “có nguy cơ” chứ không ở “nguy cơ cao” như thời gian trước đó.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng biểu dương Hà Nội, trước đó, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngày 20/4, Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 và triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Thủ tướng cũng dặn dò TP phải ưu tiên bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn với những kết quả đã đạt được.

Trước đó nữa, cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 6/4 về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng biểu dương việc triển khai

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Lưu, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận cho rằng, cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng thành công trong công tác phòng chống dịch là nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và công khai, minh bạch trong công tác tuyên truyền. Dẫn chứng từ địa bàn Thanh Xuân, Bí thư Nguyễn Xuân Lưu cho biết: Quận đã giao các phường, phòng, ban, đơn vị tập trung thực hiện hàng loạt các biện pháp tuyên truyền với hình thức, nội dung phong phú như: Mở chuyên trang về phòng chống dịch COVID-19; triển khai tuyên truyền trên bảng điện tử, màn hình LED tại các vị trí trung tâm, thang máy chung cư, nhà cao tầng; phát tờ rơi đến 100% hộ gia đình; in 14.000 tờ rơi, áp phích bằng 4 thứ tiếng (Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), cấp phát và dán tại các nhà nghỉ, khách sạn, khu chung cư và những địa điểm người nước ngoài hay đến... “Thành công nhất là quận đã tuyên truyền cho tất cả các hộ có đám cưới tổ chức một cách gọn nhẹ, mỗi đám cưới chỉ tổ chức 2 mâm với số lượng người tham dự chưa đến 20 người” – đồng chí Nguyễn Xuân Lưu thông tin. 

Chỉ thị 16 rất hiệu quả của các địa phương, trong đó đặc biệt là Hà Nội. Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh. Thủ tướng biểu dương tấm lòng nhân ái, gương người tốt, việc tốt, nhường cơm sẻ áo hỗ trợ người khó khăn...

Lần khác, tại phiên họp với 5 TP trực thuộc Trung ương, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các TP lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta, đặc biệt là triển khai nghiêm túc Chỉ thị 15 như cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời... Đánh giá cao việc xử lý nghiêm vi phạm, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp ở Hà Nội, một cá nhân bị xử phạt 200 nghìn đồng vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Hay việc Hà Nội đã chủ động phát hiện, đề xuất với Trung ương các biện pháp xử lý ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai…

Hiện nay, tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn, do đó, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 23 khóa XVI diễn ra ngày 22/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội vẫn nhắc đi nhắc lại: Hà Nội tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan, cần chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh COVID-19, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc” và “4 tại chỗ”; thực hiện tốt Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, huy động sự đoàn kết, chung tay của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch. Đặc biệt cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; ưu tiên mọi điều kiện, nguồn lực để chống dịch, nhất là trong tình huống dịch bùng phát mạnh trở lại. Phải tiếp tục tập trung phòng và chống dịch trong thời gian tới để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với những gì Hà Nội đã làm, đã thể hiện trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần “Hà Nội phải làm công tác phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất, gương mẫu nhất” và “Thủ đô cũng tiếp tục gương mẫu, chủ động trong phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Bài và ảnh: Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực