Bảo hiểm nông nghiệp, việc không thể trì hoãn!

Thứ năm, 29/09/2016 11:00
(ĐCSVN) – Dù ngân sách Nhà nước đang khó khăn, nợ công sắp chạm trần, nhưng không thể không có chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp dài hạn. Bảo hiểm nông nghiệp nói cho cùng là đảm bảo an ninh lương thực, làm cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn gắn kết bền vững hơn.


Đồng ruộng ở Ninh Thuận nứt nẻ khi hạn hán kéo dài. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Với khoảng 70% dân số là nông dân, từ lâu nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh...

Nhằm bảo vệ, chia sẻ rủi ro cho việc sản xuất nông nghiệp, từ lâu nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Ở nước ta, chính sách bảo hiểm nông nghiệp với 3 sản phẩm (cây lúa, thủy sản (tôm, cá) và vật nuôi) được Chính phủ cho phép thí điểm từ năm 2011-2013. Theo đó, đã có 304.017 số hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia, tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng.

Việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã kết thúc, nhưng chính sách bảo hiểm lâu dài cho cây lúa, thủy sản và vật nuôi vẫn đang được bàn thảo! Khó khăn lớn nhất cho việc xây dựng chính sách bảo hiểm nông nghiệp là bài toán lợi ích giữa Nhà nước, người được bảo hiểm và doanh nghiệp nhận bảo hiểm.

Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế mà hộ nghèo, cận nghèo tham gia nhiều nhất. Nghèo lại thường xuyên gặp rủi ro nên rất cần được bảo hiểm, nhưng ngặt một nỗi tiền đâu để đóng phí bảo hiểm? Với vai trò là “ bà đỡ”, Nhà nước cần duy trì chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm với hộ nghèo 100%,  hộ cận nghèo 80% (giống như thời gian thực hiện việc thí điểm), nếu không chính sách bảo hiểm nông nghiệp rất khó triển khai.

Sau 3 năm thực hiện chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, không ít doanh nghiệp nhận bảo hiểm muốn nói không với nghề “kinh doanh rủi ro”. Bằng chứng là họ đã lỗ hơn 400 tỷ đồng từ chính sách thí điểm. Tăng phí bảo hiểm hay Nhà nước lại là “bà đỡ” cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp? Đây thực sự là câu hỏi khó, nhưng nếu khó mà buông, thì quả là đánh đố những hộ nghèo, cận nghèo từ lâu đã chung thủy với sản xuất nông nghiệp!

Kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp sẽ không lỗ nếu có chính sách tốt, nếu biết quản lý để không có việc trục lợi bảo hiểm. Bảo hiểm nông nghiệp là lĩnh vực rộng, việc kiểm đếm thiệt hại để bồi thường là khâu dễ phát sinh trục lợi, vì thế cần sự kiểm tra, giám sát ở nhiều khâu, nhiều cấp. Và khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp, các cơ quan chức năng không chỉ phối hợp  với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc tiền kiểm và hậu kiểm tra quy trình nuôi, trồng, đánh bắt của hộ dân mà còn phải phối hợp trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa lý, tập quán canh tác của từng vùng, để hạn chế rủi ro cho bên mua bảo hiểm và bên nhận bảo hiểm.

Dù ngân sách Nhà nước đang khó khăn, nợ công sắp chạm trần, nhưng không thể không có chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp dài hạn. Bảo hiểm nông nghiệp nói cho cùng là đảm bảo an ninh lương thực, làm cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn gắn kết bền vững hơn.

Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh... là thách thức thường trực với sản xuất nông nghiệp, nên chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp dài hạn cần đến sớm thay vì “ngủ đông”!

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực