Biến tướng trong văn hóa tặng quà

Thứ năm, 28/09/2017 10:42
(ĐCSVN) - Lâu nay, câu chuyện biến tướng trong tặng quà, cảm ơn diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, thách thức các cơ quan chức năng và làm xói mòn đạo đức, niềm tin, lối sống tốt đẹp của nhân dân ta…

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, hiện thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; việc nộp lại quà tặng còn hình thức, không quy định chế tài, thiếu khả thi…

Cũng theo báo cáo tổng kết, từ năm 2006 - 2015, chỉ có 10 trường hợp bị phát hiện và xử lý về nhận quà sai quy định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: cand.com.vn)


Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức. Thủ tướng cũng chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng.

Tuy nhiên, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ…

Một số địa phương chỉ trả lại, không tiếp nhận xe do doanh nghiệp biếu hay quà tặng cá nhân khi bị báo chí “phanh phui”, dư luận phản ánh.

Gần đây, qua một số vụ án được đưa ra xét xử, dư luận lại không khỏi phẫn nộ trước các hành vi tặng quà mà thực chất là hối lộ hàng chục tỷ đồng của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma …

Còn câu chuyện tham nhũng vặt khi phải đưa phong bì để đi xin học cho con, chữa bệnh, làm các thủ tục hành chính có thể nói xảy ra như “cơm bữa”.

Những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đường dây nóng để phát hiện tiêu cực, tặng quà Tết trái quy định, nhưng không biết đáng mừng hay lo khi theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công, lãng phí, cũng như tặng quà, nhận quà tặng không đúng quy định…

Khắc phục bất cập trên, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có những quy định mới về tặng quà và nhận quà tặng. Theo đó, Điều 26 Dự thảo Luật quy định:

“1.Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

2.Khi được tặng quà, cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.

Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thẳng thắn đề nghị xem lại quy định trên  vì “Nghe thì hay nhưng sợ không khả thi”.

Dẫn chứng Điều 354 (Tội nhận hối lộ), Điều 364 (Tội đưa hối lộ) Bộ luật Hình sự, quy định cả loại quà “lợi ích phi vật chất”,  ông Định chỉ ra quà phi vật chất thì không trả lại được và không nộp lại được cho cơ quan. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng không có quy định nào về nộp và sử dụng quà tặng.

Trong khi đó, dự thảo Luật cũng chưa làm rõ “thuộc phạm vi quản lý”. “Ví dụ, một ông Chủ tịch tỉnh phạm vi quản lý là cả tỉnh, bao gồm cả vợ, chồng, con cái. Mà con muốn tặng quà sinh nhật cho bố, bố bảo không được vì luật cấm rồi thế thì khó lắm”, ông Định nói.

Có thể thấy, thực tiễn xã hội luôn sống động, do đó các điều luật ra đời cần phải được cụ thể hóa, gắn với hơi thở cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp trong xã hội.

Người dân kỳ vọng việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo về “cấm chúc Tết” sẽ được thực hiện một cách tự giác, thường xuyên hơn trong mỗi dịp lễ, Tết. Nhưng cũng không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn nếu đã có động cơ, mục đích vụ lợi, người ta có thể “lách” lệnh bằng cách biếu quà dịp khác thay vì biếu Tết.

Do đó, vấn đề quan trọng là phải có những giải pháp căn cơ, cụ thể và quyết liệt hơn để giải quyết  là tình trạng tham nhũng “vặt” đang trở thành thông lệ, “tập quán” trong xã hội kinh tế - thị trường hiện nay. Bởi nếu không giải quyết được gốc rễ vấn đề từ “nhỏ” thì rất có thể tham nhũng lớn sẽ xảy ra và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.

Chừng nào vẫn còn cơ chế xin - cho, còn “lợi ích nhóm”, tâm lý chuộng chức, chuộng quyền trong  xã hội, chừng đó khó mà dẹp được vấn nạn hối lộ núp bóng tặng quà.

Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì trước hết phải xây dựng một nền hành chính công trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, loại bớt những thủ tục rườm rà, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với trách nhiệm giải trình.

Mặt khác, khi quyền lực được giám sát chặt chẽ, huy động sức mạnh của dân trong giám sát, cộng thêm cơ chế kiểm soát đủ mạnh, thì “ung nhọt” tham nhũng đến từ quà tặng biến tướng chắc chắn sẽ bị tiêu diệt!

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực