Cả họ làm quan “đúng qui trình”, còn chỗ nào cho người tài?

Thứ hai, 26/09/2016 15:07
(ĐCSVN) - Gần đây, chủ đề về công tác cán bộ, câu chuyện đề bạt, bổ nhiệm cán bộ được nói “đúng qui trình” thấy rất nhiều trên mặt báo. Chỉ cần gõ mấy từ “đúng quy trình”…, thôi thì hàng loạt các bài viết và bình luận về vấn đề này đọc không xuể.

  Tư duy cán bộ kiểu “đúng qui trình”, còn đâu chỗ cho người tài? (Ảnh minh họa).

Đầu tiên phải kể đến bài “Giám đốc Sở 30 tuổi được bổ nhiệm đúng quy trình”, rồi câu chuyện “Cả họ làm quan ở tỉnh này rồi ở huyện kia”, rồi chuyện Chủ tịch tỉnh “nọ” bổ nhiệm em ruột làm Giám đốc Sở; Giám đốc bổ nhiệm con trai mình, Bộ trưởng “kia” bổ nhiệm con trai vào chức vụ quan trọng của một Tổng công ty, rồi đến chồng là Cục trưởng quy hoạch vợ làm Cục phó… 

Nhiều lắm, nhiều đến nỗi không kể hết vì nhìn đâu cũng thấy hiện hữu, không trừu tượng, không vô hình, nhiều đến mức mỗi ai quan tâm cũng thấy ở quanh mình, cơ quan mình, khu vực mình đều như vậy. Chẳng thế mà tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng cũng phải thốt lên "chọn người tài chứ không phải chọn người nhà”. Nhưng để biện minh cho chủ đề này, đọc thấy nhiều ý kiến của người lãnh đạo thật “hoành tráng” khi Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở, ngành… là cha, anh tự nhận xét cho con, em mình: người được bổ nhiệm rất xứng đáng với chức vụ được bổ nhiệm theo cách dân gian hay nói “mẹ hát con khen”, thậm chí theo dõi trên diễn đàn thấy người có trách nhiệm ở bộ, ngành này, địa phương kia phát ngôn ráo hoảnh điệp khúc “đúng quy trình (?)”. Vậy đó, còn ai nói khác được khi quyền nhận xét thuộc về người có quyền lực(?!).

Là người có nhiều năm làm công tác tổ chức nhân sự, tôi cũng thấy chạnh lòng khi TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói về việc bổ nhiệm con ông Bộ trưởng nọ “đúng quy định” là “trơ trẽn” khi trả lời báo chí về việc Bộ đó mới đây có văn bản trả lời Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) về việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng “nọ”... 

Phải nói rằng các trường hợp “con, em, người nhà”… mà báo chí, dư luận lên tiếng thời gian qua có biện minh mấy đi nữa thì chắc trong nhân dân cũng như tại Bộ, ngành, địa phương đó chẳng một ai “tâm phục” được. Hậu quả của việc này trước hết làm mất tín nhiệm của người có chức, quyền và sau đó là những người được đề bạt, bổ nhiệm  khó có uy tín làm việc, làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng, với chính quyền. Điều nguy hiểm hơn nữa là tạo môi trường cho những người cơ hội lợi dụng cách làm đó theo kiểu “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”, hoặc đục nước, béo cò”. Với cách làm như trên, thử hỏi đâu còn chỗ cho người tài?

Dư luận không bức xúc sao được khi mà sự việc được báo chí lên tiếng về “Giám đốc Sở trẻ ở tuổi 30” ở tỉnh nọ năm 2015. Kế đó, một ông Thứ trưởng một Bộ quan trọng về công tác tổ chức nhân sự kéo theo đoàn tùy tùng đi cả gần ngàn cây số vào làm việc với tỉnh rồi về công bố trước bàn dân thiên hạ một câu xanh rờn “đúng quy trình”, để rồi việc “cả họ làm quan” và các trường hợp tương tự được ông Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Bí thư huyện, Cục trưởng...  khi bổ nhiệm một loạt con, em, người nhà mình đều "nỏ mồm" với điệp khúc “đúng quy trình(?)”.

Thử tìm hiểu thêm về quy trình: Trong sản xuất thì quy trình là thứ tự các bước tiến hành trong một quá trình sản xuất, quy trình công nghệ để cho ra sản phẩm phù hợp với điều kiện và kĩ thuật hiện hành (ví dụ như trong xây dựng, trước đây người ta quy định là đổ bê tông phải 21 ngày mới được dỡ copha để bảo đảm sự đông cứng về hóa, lý của nó). Trong công tác cán bộ thì quy trình được hiểu là “quy định trình tự, thủ tục và cách thức thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm đối cán bộ. (ví dụ như Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ, chúng ta thấy rõ trình tự, thủ tục và các bước thực hiện). Vậy thì làm sao nói quy trình có lỗi được? 

Thiết nghĩ ở đây chỉ có người điều hành quy trình lạm dụng để che đậy “mặt trái” công tác cán bộ mới có lỗi(!). Ví như trong xây dựng dân dụng, người ta quy định mác bê tông đổ sàn nhà phải đạt mác 300, người thợ ăn bớt mác bê tông không đủ mác theo quy định thì có tuân thủ quy trình 21 ngày nêu trên cũng không bao giờ cho sản phẩm tốt được(!). Với cách bổ nhiệm cán bộ vừa qua như báo chí nêu, trong đó không ít trường hợp đã bỏ qua các nguyên tắc về công tác cán bộ, dùng quy trình để hợp thức hóa cho ý đồ cá nhân trong  đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì làm sao có được "sản phẩm" là cán bộ tài năng.

Đi tìm nguyên nhân, “góc khuất” của quy trình cán bộ.
Điều đầu tiên là sự thiếu minh bạch, thiếu công khai trong công tác cán bộ. Tại sao ở bộ, ngành nào cũng nói bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng lại cho ra những “sản phẩm” điển hình về cán bộ như vụ người đứng đầu Vinashin, Vinalines, sôi động hiện nay là vụ PVC (Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam), nguyên đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh… Đó là sự thiếu minh bạch từ khâu đầu vào - nguyên liệu (người viết bài muốn dùng từ sản phẩm, nguyên liệu cho dễ gần với so sánh chứ không có ý ví người như hiện vật) dẫn đến chất lượng cán bộ không ổn. Chính vì sự thiếu minh bạch ở khâu này cho nên bắt đầu từ khâu quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ chúng ta thấy tiềm ẩn sự tùy tiện, cá nhân và chứa đựng cả những vấn đề của lợi ích nhóm trong này. Chính vì những lý do trên ta mới lý giải được cho đến nay tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tiền của cho việc chỉ đạo và xây dựng đề án thi tuyển cán bộ, công chức, giám đốc doanh nghiệp nhà nước nhưng kết quả vẫn dừng ở vạch xuất phát. Chính vì thiếu sự minh bạch, công khai trên nên xảy ra việc tùy tiện, cá nhân và cả lợi ích nhóm là lẽ đương nhiên.

Thứ hai,
 Chính phủ cần sớm ban hành chế độ thi tuyển cán bộ công khai, minh bạch để lựa chọn tài năng cho đất nước. Như ta đã thấy, trong đầu tư, còn duy trì chế độ “cấp phát vốn” mà không tính kỹ về khoa học và hiệu quả kinh tế - xã hội thì còn chế độ “xin, cho”, vì đây là vùng đất béo bở để lợi ích nhóm chi phối. Không thể phủ nhận rằng việc đầu tư trong những năm qua đã gặt hái được thành quả nhất định, nhưng bên cạnh còn những “mảng tối” kém hiệu quả, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng mà chúng ta dễ nhận biết như: Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình… Trong công tác cán bộ còn duy trì chế độ đề bạt, bổ nhiệm như hiện nay mà không chuyển sang chế độ thi tuyển công khai, minh bạch để chọn lựa tài năng thì câu chuyện tương tự như trên vẫn xảy ra và chỉ có thể tinh vi hơn mà thôi. Xem lại các chức danh cán bộ vừa qua dư luận quan tâm, chúng ta thấy các chức danh: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tổng công ty Sabeco, Tổng công ty cao su… đều là những chức danh được cho là “thơm, ngon” cả. Là người từng trải qua khó khăn, gian khổ, ác liệt trong chiến tranh, trộm nghĩ, giả sử những chức danh ấy phải gánh chịu những khó khăn, gian khổ không biết người ta có điều hành “đúng quy trình” để bổ nhiệm không(?)

Thứ ba
 không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ nói "chọn người tài chứ không phải chọn người nhà”. Câu chuyện mà dư luận trong nhân dân quan tâm vừa qua về chuyện cả họ làm quan”, bố bổ nhiệm con, chị bổ nhiệm em, chồng quy hoạch vợ làm lãnh đạo… theo chúng tôi thấy, trước hết cần phải quan tâm đến ý kiến khách quan được nêu trên báo chí. 

Đọc kỹ các ý kiến trên báo chí chúng ta thấy không phải “dư luận” ghét bỏ gì những người có trách nhiệm bổ nhiệm con, em, người nhà mình vào vị trí lãnh đạo mà là dư luận mong muốn sự công tâm, minh bạch của chính quyền, đòi hỏi người có chức, có quyền hãy gương mẫu và công tâm hơn vì họ là đại diện cho chính quyền “của dân, vì dân” mà lựa chọn bổ nhiệm, đề bạt những người xứng đáng vào những chức danh quan trọng để nối nghiệp cha, anh cống hiến cho đất nước./.

TS. Nguyễn Đức Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực