Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của những người thực thi

Thứ năm, 08/06/2017 14:29
(ĐCSVN) – Chỉ chưa đầy 1 tiếng đầu tiên của phiên họp Quốc hội vừa qua về an toàn thực phẩm, đã có tới 76 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu. Con số này có lẽ cũng đã phần nào phản ánh được mức độ nhức nhối của vấn nạn thực phẩm bẩn, không an toàn, độc hại mà cả xã hội đang quan tâm.

Được sử dụng thực phẩm an toàn là mong muốn của mọi người dân. (Ảnh minh họa: TH)

Những con số thay lời muốn nói

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016 của Đoàn Giám sát Quốc hội đã đưa ra nhiều “con số biết nói” về tình hình ATTP ở nước ta. Cụ thể, từ năm 2011 đến tháng 10/2016, tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra khá phức tạp, vẫn là một thách thức lớn trong công tác ATTP. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có khoảng 167 vụ với hơn 5.000 nạn nhân, khoảng 27 người chết.

Trong giai đoạn 2011 - 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm khoảng 4 triệu người mắc, 123 người chết (trung bình có 668.673 ca bệnh/năm và 21 người chết/năm). Đáng chú ý, bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Nói cách khác, ATTP không chỉ là lo lắng của người dân mà còn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và chất lượng nòi giống của người Việt trong cả hiện tại và tương lai.

Ngược lại với rất nhiều nỗi lo của người dân là các con số "khiêm tốn" về các vụ xử lý. Cụ thể, cơ quan điều tra các cấp khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ liên quan đến ATTP theo các tội danh khác. Rõ ràng những con số liên quan đến xử lý vi phạm như vậy là chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm đang diễn ra trong đời sống.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.

Quả thật, nhân dân yên tâm sao được khi thực tế các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được phát hiện và các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nêu hằng ngày. Đó là hiện tượng hàng loạt các vụ phát hiện, bắt giữ thực phẩm quá hạn, không nguồn gốc như thịt, nội tạng động vật hôi thối nhập khẩu bất hợp pháp. Rồi hàng loạt các thông tin về chế biến măng chua bằng các chất tẩy trắng, chất nhuộm vàng công nghiệp, dùng thuốc trừ cỏ để bảo quản và thúc ép chuối chín, làm giá đỗ bằng hóa chất không rõ nguồn gốc; dùng hóa chất để chế biến bì lợn hay xử lý để chế biến thịt bò, thịt lợn hôi thối thành khô bò, trà bông và vô số những vụ việc khác….

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã phải thốt lên là những gì chúng ta biết và xử lý được vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Bởi “có thể nói, hóa chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào, câu hỏi đặt ra là những hóa chất đó đến từ đâu?”. Vì theo số liệu báo cáo tại diễn đàn chính sách an toàn thực phẩm Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp cho thấy, hàng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau và có 90% số đó được nhập từ Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành….

“Đây là cái gốc của mọi nguyên nhân. Số lượng hóa chất đó đi đâu, được sử dụng làm việc gì, câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng. Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình” – đại biểu Nhân trăn trở.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Những dẫn chứng trên chỉ nhằm một lần nữa nói lên thực trạng ATTP đang gây nhức nhối trong toàn xã hội nhưng chưa có được một giải pháp căn cơ, triệt để, bởi từ khâu nhập, mua bán, sử dụng đến kiểm soát người sản xuất, kinh doanh và cả chính sách quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đáng chú ý, báo cáo với Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP còn hạn chế; trách nhiệm quản lý ATTP của các cơ quan chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; nguồn lực, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm không theo sát tiến trình thực hiện nên hiệu quả không cao, đặc biệt là ở tuyến xã/phường; phần lớn cán bộ trong ban chỉ đạo hoạt động kiêm nhiệm nên mức độ tập trung cho nhiệm vụ bảo đảm ATTP còn thấp, một số nơi, có tình trạng cấp trên thì chỉ đạo khá tích cực nhưng cấp dưới lại thực hiện kém hiệu quả.

Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi có 3 cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương nhưng lại chưa rõ trách nhiệm. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lấy ví dụ cụ thể. “Việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công thương; sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế”.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước còn chung chung, có 3 Bộ chịu trách nhiệm về vệ sinh ATTP, rồi cả chính quyền địa phương nhưng báo cáo không nêu rõ phạm vi trách nhiệm đến đâu, yếu kém ở đâu là chính. Chính vì vậy, không hẹn mà gặp, nhiều đại biểu Quốc hội đã tha thiết đề nghị Quốc hội sớm quyết định đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng phải có một cơ quan chuyên trách, thực sự giữ vai trò là “nhạc trưởng” để điều hành, phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, dù có cơ quan giữ vai trò “nhạc trưởng” hay không thì muốn cải thiện tình hình bản thân những bộ, ngành liên quan phải thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, thấy rõ trách nhiệm của từng bộ phận, phân rõ vai vế chứ không nên tìm cách đổ lỗi cho nhau trước những vấn nạn thực phẩm bẩn mà người dân phải gánh chịu. Các cơ quan chức năng phải làm hết trách nhiệm của mình, tấn công vào những nguyên nhân cốt lõi khiến vi phạm ATTP vẫn xảy ra.

 Xét đến cùng, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” vẫn là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ về ATTP. Do đó phải phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu của các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời cần xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP. Đặc biệt đối với khâu thực thi pháp luật phải nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân vi phạm… Tóm lại, các tập thể, cá nhân liên quan phải vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt thì các vấn đề về ATTP mới có thể tiến triển được./

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực