Đạo đức công vụ và trách nhiệm nêu gương!

Thứ tư, 08/03/2017 21:39
(ĐCSVN) - Nêu gương thực sự; nêu gương từ gia đình đến cơ quan, đơn vị và ra ngoài xã hội, chứ không phải cụm từ “nêu gương” được “tự nhận xét” trong các bản kiểm điểm cán bộ, đảng viên cuối năm, hoặc khi hoàn thiện hồ sơ cho việc thăng quan, tiến chức.

Người cán bộ, đảng viên làm sao có thể nêu gương khi mà có những hành vi giống như: Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã “chôm” 16 trứng vịt tại hội chợ của huyện này nhân dịp mừng xuân Đinh Dậu 2017; khi Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương “vô tư” đi lễ trong giờ làm việc; khi mà Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội)  đã “đồng thanh” cố tình che giấu vi phạm, không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại trường, vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề giáo.

Hành vi lệch chuẩn của một bộ phận cán bộ, đảng viên không phải đến thời điểm này mới xuất hiện mà dường như có sự tiếp nối. Cách đây chưa lâu, dư luận đã phê phán việc hai ông phó giám đốc sở của tỉnh Bình Phước đánh nhau tại quán karaoke; hoặc trường hợp ông Trần Quang Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) uống rượu say, lái xe gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chạy; hay vụ một ông Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau có biểu hiện sàm sỡ nữ nhân viên tạp vụ tại công sở…

 

Hiện trường chiếc xe biển xanh do ông Trần Quang Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân
huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) say xỉn gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chạy.  (Ảnh: congan.com.vn)


Cùng với các hành vi vi phạm đạo đức công vụ đó là vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và vi phạm quy định, nguyên tắc Đảng của đảng viên. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (2006 - 2016), cơ quan công an các cấp đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án, với hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn và trong nhiều vụ đại án, đối tượng phạm tội từng là cán bộ, đảng viên. Cũng trong năm 2016, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật gần 150 tổ chức đảng và hơn 12 ngàn đảng viên…

Những hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức ngày càng diễn biến phức tạp, diễn ra dưới nhiều biểu hiện, hành vi khác nhau và có tính chất cố tình phạm luật.

Đọc lại các điều của Luật cán bộ, công chức cho thấy nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ và nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu đã được quy định rất rõ. Trong đó, Điều 10 của Luật quy định: Cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện các nghĩa vụ: Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân…

Luật cán bộ, công chức cũng quy định, nếu cán bộ hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.

Cùng với quy định của Luật cán bộ, công chức, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các các cấp. Trong đó, quy định cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; Kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi; Đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc quản lý cán bộ, đảng viên, công chức đã đủ đầy, chặt chẽ. Song, trên thực tế hàng năm, qua tổng kết ở hầu hết cơ quan, đơn vị, số lượng cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ lại rất ít và do đó cũng “vô cùng hiếm” cán bộ bị loại khỏi cơ quan, đơn vị công quyền. Số liệu “đẹp như mơ” – chỉ từ 0,5 đến 0,6% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong một năm được ngành Nội vụ công bố đã để lại nhiều điều suy ngẫm (?!).

Ngay như hành vi vi phạm đạo đức công vụ của những trường hợp nêu trên, có nơi xử lý nghiêm, có nơi chỉ coi là “chuyện nhỏ” đã làm cho “sợi dây” kinh nghiệm, càng rút càng dài, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội. Ấy là chưa nói đến các trường hợp cấp trên bao che các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cấp dưới đã để lại nhiều hệ lụy xấu, làm giảm niềm tin của người dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên đang làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Thiết nghĩ, để người dân nhìn hình ảnh của cán bộ, đảng viên thật sự thân thiện, tin tưởng, thì bản thân từng cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị đứng đầu cần phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và phải thực sự nêu gương. Không thể nói là nêu gương nhưng hành động thực tế thì ngược lại. Nói suông, nói một đằng, làm một nẻo là phản tác dụng, dân không thể tin. Nói như người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta là “Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác”. Đó là quan điểm chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, là yêu cầu đòi hỏi sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên./.

 

 

Hạnh Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực