Doanh nghiệp liêm chính!

Thứ năm, 24/11/2016 12:18
(ĐCSVN) – Thương hiệu doanh nghiệp không chỉ là của doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, vì thế xây dựng doanh nghiệp liêm chính là trách nhiệm của doanh nghiệp và Nhà nước.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet.vn)


Hiện nước ta có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. So với các nước phát triển, số lượng doanh nghiệp nước ta chưa nhiều, nhưng vẫn là bộ phận quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Năm 2020, nước ta sẽ có một triệu doanh nghiệp. Đó là số lượng, còn chất lượng doanh nghiệp vẫn là vấn đề lớn, không thể định tính và cảm quan. Chất lượng doanh nghiệp phải được định lượng bằng nhiều tiêu chí, chuẩn mực, đặc biệt là sự liêm chính trong kinh doanh.

Doanh nghiệp liêm chính, ngoài việc thượng tôn pháp luật, còn phải thực hiện đạo đức kinh doanh.

Dù chưa có cuộc khảo sát, đánh giá gần 600.000 doanh nghiệp trong nước, nhưng kết quả khảo sát hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực tại 180 doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện và công bố vào cuối  năm 2015 đã đưa ra con số “giật mình”. Theo đó, chỉ có 29%  doanh nghiệp cam kết và thực hiện các vấn đề liêm chính trong kinh doanh như: kiểm soát nội bộ, kiểm soát chi tiêu, thực hiện cơ chế báo cáo minh bạch với cơ quan hải quan, thuế…

Không thực hiện liêm chính lỗi đầu tiên thuộc về doanh nghiệp. Kinh doanh đương nhiên phải nghĩ đến lợi nhuận, nhưng lợi nhuận không phải là tất cả, nếu không được tạo ra bằng năng lực, trình độ, tài năng kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Kinh doanh dựa vào quan hệ “sân sau”, lỗ hổng cơ chế, chính sách ... sẽ không bền vững, không tạo được thương hiệu mạnh, và sớm muộn cũng sa lưới pháp luật.

Cơ chế, chính sách chưa minh bạch, thủ tục hành chính nặng về “xin- cho”, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp... cũng là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp muốn liêm chính cũng khó. Nhiều cuộc khảo sát, thăm dò doanh nghiệp đều cho thấy, muốn được việc nhanh, đôi khi doanh nghiệp phải “lót tay”, “bôi trơn" chính sách...

Thương hiệu doanh nghiệp không chỉ là của doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, vì thế xây dựng doanh nghiệp liêm chính là trách nhiệm nhiệm của doanh nghiệp và Nhà nước.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo để doanh nghiệp phát triển; lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh; tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo.

Với doanh nghiệp, sự liêm chính phải được cam kết bằng những hành động cụ thể, chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cộng đồng xã hội. Hàng năm, cơ quan quản lý doanh nghiệp ở  địa phương và trung ương cần công khai những doanh nghiệp liêm chính ví như công cụ đo chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực