Dư luận quốc tế đánh giá về 5 đặc điểm an ninh thế giới và quan hệ Trung - Mỹ năm 2010

Thứ ba, 23/02/2010 14:23

 
Ảnh chỉ mang tính minh họa

(ĐCSVN)
- Giới phân tích nhận định, trong năm 2010, bên cạnh xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, sự phụ thuộc và va chạm lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ trở  nên sâu sắc hơn. Các nước mới  nổi tiếp tục  trỗi dậy, đa cực hoá phát triển nhanh chóng; sức mạnh tổng hợp và sức ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ngày càng tăng. Tính đa dạng, phức tạp và không xác định của tình hình an ninh thế giới ngày càng trở nên nổi bật. Năm 2010, tình hình an ninh thế giới sẽ có một số đặc điểm sau:

Một là, "đối kháng cứng" cường độ cao giữa các mảng chiến lược tiếp tục được khống chế, nhưng "đối kháng mềm" xoay quanh lợi ích chiến lược giữa các nước lớn và các tập đoàn quốc gia sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Hiện nay, khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa các nước lớn, chiến tranh mang tính hệ thống, tính tập đoàn như thời kỳ Chiến tranh Lạnh là không lớn, tình hình an ninh thế giới tiếp tục theo xu hướng hoà hoãn, nhưng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn. Các nước lớn đều tham gia các vấn đề quốc tế. Giữa các nước sẽ vẫn có sự va chạm về lợi ích chiến lược như tranh chấp về tài nguyên, không gian phát triển.

Hai là, thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ trở thành chủ đề nóng trên diễn đàn quốc tế năm 2010. Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma chuẩn bị mời lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân toàn cầu tại Oa-sinh-tơn. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết, Mỹ muốn triển khai đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với Trung Quốc như đàm phán giữa Mỹ với Nga.

Ba là, cuộc đấu tranh chống khủng bố, ma tuý, cướp biển và chủ nghĩa cực đoan sẽ vẫn là nội dung quan trọng trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Năm 2010, biến đổi khí hậu và an ninh tài chính trở thành hình thái quan trọng mới của an ninh phi truyền thống: Cuộc chiến tiền tệ, mậu dịch diễn ra xoay quanh chủ quyền và an ninh tài chính có xu hướng ngày càng quyết liệt. Vấn đề biến đổi khí hậu đã được chính trị hoá, hình thái ý thức hoá ngày càng rõ rệt.

Bốn là, khuôn khổ cơ bản của hai hệ thống đồng minh quân sự lớn của lục địa Á - Âu sẽ không thay đổi những Mỹ sẽ cố gắng tìm kiếm cân bằng giữa hệ thống đồng minh quân sự cũ và xây dựng quan hệ đối tác hợp tác trong cục diện thế giới mới. Cam kết bảo đảm an ninh Mỹ - Nhật và NATO là hai trụ cột lớn trong hệ thống chiến lược toàn cầu của Mỹ. Oa-sinh-tơn sẽ không thể vứt bỏ và vẫn tiếp tục tăng cường hai trụ cột lớn này. Tuy nhiên, trong cục diện mới, xu hướng xa rời Mỹ ngày càng rõ rệt. Mỹ đánh I-rắc mà không được sự ủng hộ của Pháp và Đức. Gần đây, Nhật Bản tuyên bố tìm kiếm một chính sách ngoại giao độc lập hơn với Oa-sinh-tơn. Trong bối cảnh đó, Mỹ vừa tìm cách cải thiện quan hệ với các đồng minh cũ vừa thúc đẩy hợp tác với các nước lớn khác nhằm duy trì cân bằng chiến lược với hai hệ thống này…

Năm là, quan hệ an ninh Trung - Mỹ là nội dung quan trọng của vấn đề an ninh toàn cầu. Mức độ liên quan lợi ích của Mỹ với Trung Quốc trên vấn đề an ninh khu vực, an ninh toàn cầu và nhu cầu an ninh đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Vì vậy, Mỹ không thể tách rời Trung Quốc. Bước vào năm 2010, chiến lược “chiến tranh thông minh”, “tiến công mềm, phòng ngự cứng” của Chính phủ Ô-ba-ma đối với Trung Quốc đã sẵn sàng. Việc Mỹ vận dụng chiến lược “quyền lực thông minh” của Ngoại trưởng Hi-la-ri để chống Trung Quốc, thử phản ứng của Bắc Kinh là đặc trưng quan trọng của va chạm Trung - Mỹ trong năm nay. Quan hệ Trung - Mỹ sẽ có một số thách thức lớn như vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Tổng thống Ô-ba-ma gặp Thủ lĩnh Tinh thần Tây Tạng Đạt-lai Lạt-ma, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, vấn đề Google, việc Mỹ tiến hành trinh sát quân sự ở biển Đông và triển khai bố trí chiến lược hình vòng cung nhằm vào Trung Quốc.

Hiện nay, Mỹ đã can dự toàn diện vào các sự vụ ở Đông Nam Á nhằm quay trở lại khu vực này bố trí chiến lược hình vòng cung từ Eo biển Đài Loan, biển Đông đến Pa-ki-xtan, Ấn Độ, Eo biển Ma-lắc-ca đến Y-ê-men; tiếp tục tiến bước vào bầu cử giữa nhiệm kỳ, trong đó vấn đề Trung Quốc sẽ làm tăng thêm biến số mới trong quan hệ Trung - Mỹ.

Trước tình hình như vậy, phương châm đối ngoại của Trung Quốc là phải kiên trì “ở xa thì giữ ổn định với châu Âu, châu Mỹ; ở gần thì hoà hợp với láng giềng, đứng chân ở châu Á và hiện diện trên toàn cầu”. Xét về cả chính trị, quân sự lẫn kinh tế, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, đứng trước nhiều khó khăn và sự ngăn chặn từ bên ngoài./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực