Năm 2010: Tập trung cao cho năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN

Thứ bảy, 20/02/2010 10:09
Untitled 1

 Năm 2010, đất nước ta sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn như Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ  ngoại giao với 50 nước. Công tác đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng đóng vai trò quan trọng cho việc thành công của những sự kiện này.

Vụ trưởng Vụ Thông tin – Báo chí (Bộ Ngoại Giao) Nguyễn Phương Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về kết quả hoạt động công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam trong năm 2009 vừa qua và nhiệm vụ trong năm 2010.

** Thưa bà, năm 2009 vừa kết thúc với khá nhiều công việc đối ngoại mà Việt Nam thực hiện rất thành công. Trong những thành tựu chung của Đối ngoại Việt Nam, công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao góp phần không nhỏ. Trước hết, xin bà cho biết đôi nét công việc rất đáng ghi nhận này của Bộ Ngoại giao?

Bà Nguyễn Phương Nga: Năm 2009 đã đi qua với nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tác động đến môi trường an ninh phát triển của đất nước, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với công tác đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhờ nỗ lực của toàn ngành Ngoại giao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các “binh chủng” làm công tác đối ngoại, chúng ta đã trải qua một năm thắng lợi với những thành tựu đối ngoại quan trọng, trong đó công tác thông tin đối ngoại đã góp phần tích cực vào thành công chung đó, thể hiện qua một số nét lớn như sau:

Thứ nhất, chúng ta đã chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, góp phần nâng cao hiểu biết của quốc tế về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, về các chính sách và thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu của đường lối đổi mới, môi trường chính trị - xã hội ổn định, sự điều hành vĩ mô của Chính phủ ứng phó hiệu quả với tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế trên tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, chúng ta đã có những bước đổi mới quan trọng cả về nội dung và hình thức thông tin đối ngoại theo hướng “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn”. Thông tin đối ngoại ngày càng phong phú, đa dạng hơn, thu hút sự chú ý và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, nhất là trong các sự kiện đối ngoại quan trọng như: Việt Nam làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 9, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất, các chuyến thăm nước ngoài của Lãnh đạo cấp cao, các sự kiện quảng bá lớn.

Nét mới là ngoài việc tạo thuận lợi cho hơn 1500 phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động báo chí, chúng ta đã chủ động hợp tác với báo chí nước ngoài trong việc thông tin về Việt Nam. Cách thức tuyên truyền cũng có nhiều cải tiến, bên cạnh các hình thức thông tin truyền thống như họp báo, hội thảo, triển lãm, liên hoan phim, phát hành tờ rơi..., các phương tiện truyền thông hiện đại như lập trang web, sử dụng các ấn phẩm bằng đĩa CD, DVD, CD-ROM... đã được khai thác, góp phần nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại.

Thứ ba, chúng ta đã chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền vừa mang tính định hướng vừa mang tính đấu tranh. Tính định hướng là chúng ta đã làm tốt việc tuyên truyền về nỗ lực của cả nước, trong đó có sự điều hành của Chính phủ, trong khắc phục khó khăn kinh tế, giữ vững đà phát triển, xóa đói giảm nghèo, phát huy dân chủ và quyền con người. Việc ta bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá của nhiều nước đối với thực tiễn Việt Nam theo hướng khách quan và toàn diện hơn. Tính đấu tranh thể hiện ở chỗ chúng ta đã chủ động có những biện pháp đấu tranh và đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, nhất là vấn đề biển đảo, “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, âm mưu bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ...

Thứ tư, chúng ta đã cải thiện mạnh mẽ cơ chế thống nhất quản lý công tác thông tin đối ngoại nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của công tác này. Cơ chế chỉ đạo, phối hợp đã được xây dựng và vận hành nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan chức năng về tuyên truyền như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các báo chí trong nước, giữa các cơ quan trong nước với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Để có được những kết quả trên, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngoại giao, không thể không nhắc đến sự đóng góp, hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong năm tới, Bộ Ngoại giao và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền về các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước, tăng cường hợp tác nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng của Kênh đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cảm ơn sự hợp tác của các cơ quan báo chí nói chung và Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và hy vọng sự hợp tác, phối hợp giữa chúng ta sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

** Trong năm 2010, kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao có gì mới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao đa phương và Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN 2010?

Bà Nguyễn Phương Nga: Năm 2010, đất nước ta sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn như Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ  ngoại giao với 50 nước.

Năm 2010 cũng là năm chúng ta tổ chức đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tổ chức Đại hội XI, chuẩn bị tiền đề cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới.

Năm 2010 cũng là năm đất nước ta có nhiều lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước như 80 năm Ngày thành lập Đảng, 65 năm Quốc khánh, 35 năm thống nhất đất nước…

Trong bối cảnh đó, yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại nói chung và nhiệm vụ thông tin đối ngoại nói riêng sẽ đặt ra rất lớn. Bám sát các trọng tâm đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

Một là, về tuyên truyền, chúng ta tập trung cao cho Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, tăng cường tuyên truyền về các sự kiện của ASEAN để nâng cao nhận thức trong nhân dân về ASEAN, Hiến chương ASEAN, tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, vai trò của ASEAN tại khu vực, quá trình liên kết nội khối và sự phát triển quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, vai trò và sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN.

Bên cạnh đó, chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền về các sự kiện lớn của đất, các sự kiện đối ngoại lớn tổ chức tại Việt Nam như Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Đông Á 2010, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, Hội nghị Liên minh liên Nghị viện ASEAN (AIPA)…

Hai là, về đấu tranh dư luận, chúng ta sẽ chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề quan trọng và nhạy cảm để dư luận hiểu hơn về bản chất ưu việt của chế độ ta, các thành tựu và chính sách của ta trong việc phát huy dân chủ và quyền con người. Mặt khác, chúng ta kiên quyết đấu tranh với những dư luận xấu, bác bỏ các luận điệu sai trái về Việt Nam.

Ba là, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thông tin đối ngoại thông qua việc cải tiến, làm phong phú thêm nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền. Chúng ta sẽ triển khai chủ động, toàn diện công tác thông tin đối ngoại thông qua các kênh song phương và đa phương, Ngoại giao chính trị - Ngoại giao kinh tế - Ngoại giao văn hóa, Ngoại giao Đảng – Ngoại giao Nhà nước – Ngoại giao nhân dân.

Bốn là, làm tốt việc thống nhất quản lý công tác thông tin đối ngoại. Chúng ta cần phấn đấu khắc phục triệt để những hạn chế của cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan chức năng về báo chí, tuyên truyền và các cơ quan báo chí Việt Nam, nhất là tình trạng chồng chéo, bị động, thiếu nhất quán trong thông tin. Thành công của toàn bộ công tác thông tin đối ngoại phụ thuộc vào sự vận hành nhịp nhàng, chủ động của cơ chế này.

** Thưa bà, như bà vừa nói, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của công tác thông tin đối ngoại là đấu tranh dư luận, chống lại những kẻ vẫn cố tình xuyên tạc sự thật ở Việt Nam. Vậy bà có thể đánh giá như thế nào về việc thực hiện công tác này trong thời gian qua ?

Bà Nguyễn Phương Nga:Một trong những mảng việc hết sức quan trọng của công tác thông tin đối ngoại là đấu tranh dư luận đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, đặc biệt trên các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, tôn giáo, biển giới lãnh thổ... Thời gian qua, chúng ta chủ động, tích cực triển khai công tác này trên các hướng chính như sau:

Thứ nhất, chúng ta đã tăng cường cung cấp thông tin chính thống, tuyên truyền với quốc tế về chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Trong vấn đề biên giới lãnh thổ, chúng ta đã tiến hành nhiều biện pháp hiệu quả, trong đó có việc khai trương trang web “www.biengioilanhtho.gov.vn” của Uỷ ban Biên giới quốc gia, góp phần giải tỏa các bức xúc và giúp dư luận hiểu đúng về chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này.

Thứ hai, chúng ta chủ động đối thoại về những vấn đề có quan điểm khác nhau về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo nhằm tăng cường sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Việc bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cùng với các hoạt động đối thoại với một số nước về các vấn đề nói trên là những bước triển khai theo tinh thần đó. 

Thứ ba, chúng ta kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng như các hành động làm phương hại đến an ninh quốc gia, giúp dư luận hiểu đúng Việt Nam và các vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề biên giới lãnh thổ.

Có thể nói rằng, công tác đấu tranh dư luận của Bộ Ngoại giao trong năm qua đã từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả. Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, đóng góp tích cực cho thành công chung của công tác này. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao sẽ làm tốt hơn công tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.

*Xin cảm ơn bà và xin kính chúc bà một năm mới sức khỏe và thành công!./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực