Năm mới, doanh nghiệp cần hướng tới đạt được chuẩn quốc tế và khu vực

Thứ tư, 01/02/2017 18:38
(ĐCSVN) – Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong những ngày đầu năm mới 2017.


TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: M.P)

Phóng viên (PV): Năm 2016, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới vượt hơn con số 110.000. Có thể nói đây là tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông có thể đưa ra những đánh giá về triển vọng cho doanh nghiệp trong năm 2017?

Ông Vũ Tiến Lộc: Với đà của phong trào khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp mới trong năm 2016 vừa qua tại Việt Nam, tôi cho rằng năm 2017, sản xuất và các lĩnh vực kinh doanh sẽ phát triển. Tất nhiên sẽ có những trở ngại do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được thông qua và có thể bị hủy bỏ thì sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến FDI tại Việt Nam. Có thể một số dự án FDI đang đầu tư vào để đón đầu TPP sẽ phải giãn tiến độ. Chúng ta đều biết FDI đang là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Sự chậm lại này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân nếu có những chính sách tốt để hậu thuẫn có thể sẽ là một hướng quan trọng giúp duy trì và đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Cính phủ đã đề ra.

Tôi cũng thấy xu hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nếu được đẩy mạnh trong năm tới cũng tạo điều kiện để thu hút khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Và rút được vốn của Nhà nước để đầu tư vào những mục tiêu quan trọng như cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo và các mục tiêu an sinh xã hội khác sẽ là hậu thuẫn quan trọng cho nền kinh tế trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những cơ hội và thách thức với cộng đồng doanh nghiệp trong năm Đinh Dậu 2017?

Ông Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, năm 2017 vẫn tiếp tục là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp việt Nam. Một năm có nhiều cơ hội nhưng cũng là một năm không ít thách thức. Có thể nói trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với những trào lưu lớn mà nó sẽ ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp.

Thứ nhất, hội nhập có những trắc trở trong việc thực hiện TPP nhưng tôi tin về mặt dài hạn quá trình toàn cầu hóa sẽ tiếp tục. Và quá trình toàn cầu hóa, một mặt mở ra những cơ hội nhưng một mặt sẽ có những thách thức. Nếu không có năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ khó trụ vững được trong bối cảnh hội nhập. Bởi vì chúng ta phải cạnh tranh với doanh nghiệp của tất cả các nền kinh tế trên thế giới và đặc biệt là các nền kinh tế của các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết.

Thứ hai, là xu hướng của cách mạng công nghệ lần thứ tư. Cuộc cách mạng này đang gây ra những đảo lộn rất lớn trong trật tự kinh tế thế giới cũng như trong phân công lao động quốc tế. Nó có thể dẫn tới sự đảo chiều của các dòng thương mại và đầu tư quốc tế của chúng ta. Xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và người máy đang thay thế cho lao động thủ công và giản đơn của phần lớn lao động của chúng ta đang hoạt động trong các ngành nghề như dệt may, da giày và điện tử... Hiện nay các ngành nghề này đang đóng góp đáng kể vào sản lượng công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước.  Nhưng các ngành này bản thân nó là những ngành thâm dụng nhiều lao động, lao động giản đơn và giá trị gia tăng thấp. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế thì 80% những lao động này sẽ bị đe dọa bởi tình trạng mất việc làm với sự xâm nhập của người máy công nghiệp. Vì vậy, cần tái cấu trúc bản thân các ngành này để Việt Nam có thể nâng lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị thế giới. Đồng thời, việc chuyển dịch lao động những ngành này sang các ngành khác dựa trên cơ sở đổi mới và sáng tạo sẽ là yêu cầu rất quan trọng của công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp phải bắt kịp với xu thế này.

Thứ ba, cũng rất quan trọng chính là biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công ăn việc làm và các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Cho nên, có một sự chuyển dịch cơ cấu của doanh nghiệp từ các khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đồng thời cũng tạo ra cơ cấu ngành công nghiệp có thể sống chung với tác động của biến đổi khí hậu. Đây là yêu cầu rất quan trọng của doanh nghiệp việt Nam trong thời gian tới.

Về mặt ngắn hạn, môi trường kinh doanh còn khó khăn trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa đạt chuẩn quốc tế, thủ tục hành chính còn phiền hà, chi phí kinh doanh còn lớn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa thể nâng lên trong ngày một ngày hai. Hạ tầng cũng cần thời gian để cải thiện. Cho nên những bất lợi có tính chất cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục là những khó khăn mà doanh nghiệp phải đương đầu trong năm 2017.

Vì vậy, tôi nghĩ là năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục là một năm khó khăn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có điều thuận lợi đó là công cuộc cải cách thể chế đang được phát động. Những đổi mới trong hệ thống pháp luật cũng như trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương cũng đang được thúc đẩy. Điều này cũng tạo nên động lực và niềm tin cho doanh nghiệp Việt Nam và tôi tin năm 2017 sẽ là năm mà các doanh nghiệp tiếp tục có những bước phát triển.

PV: Nhân dịp đón xuân mới, ông có điều gì nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, doanh nghiệp cần phải thích ứng với trào lưu toàn cầu hóa cũng như trào lưu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và tác động của biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và trụ vững phải nâng cấp mình lên hướng tới đạt được chuẩn quốc tế và khu vực. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời tích cực cải thiện quản trị của mình cũng như nâng cấp về công nghệ. Sắp tới, VCCI cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp sẽ dự kiến triển khai các hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nội lực của mình theo hướng đó.

Tôi nghĩ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện được định hướng này thì những nỗ lực của Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẳng. Đồng thời, cải thiện chất lượng tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp. Đặc biệt giảm được lãi suất cho vay, giảm được chi phí không chính thức là những yêu cầu quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có thể hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Dù năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhưng những cơ hội lớn đang mở ra. Tôi xin chúc các doanh nghiệp sẽ luôn luôn giữ vững niềm tin và sáng tạo vươn tới những chuẩn mực thế giới để có thể cạnh tranh và hội nhập thành công. Tôi luôn nghĩ rằng việc đổi mới sáng tạo là yêu cầu quan trọng hàng ngày của tất cả mọi doanh nghiệp và người lao động. Nếu phát động được tinh thần đổi mới sáng tạo thì chúng ta sẽ thành công và chương trình mục tiêu quốc gia đất nước có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực