Ngành công nghiệp ô tô trước sức ép cạnh tranh!

Thứ sáu, 07/04/2017 08:50
(ĐCSVN) - Chính sách bảo hộ đã thực hiện hơn 20 năm, nhưng ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn chưa chịu lớn, vẫn trông chờ vào sự “cứu rỗi” của Nhà nước. Ngành công nghiệp ô tô sẽ đi về đâu khi ô tô từ 9 chỗ trở xuống nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam có thuế bằng 0 từ ngày 1/1/2018?

Ô tô sản xuất  trong nước có cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu? (Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet.vn)

Chính sách bảo hộ, hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua công cụ thuế được thực hiện hơn 20 năm. Đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, thuế nhập khẩu cao nhất 100%, thấp nhất 50%. Đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, ngoài hưởng ưu đãi từ thuế thu nhập doanh nghiệp, còn được giảm thuế giá trị gia tăng 5% áp cho nhóm phụ tùng, máy móc để lắp ráp ô tô cho đến hết năm 2008!

Dù ngành công nghiệp ô tô có trên 400 doanh nghiệp, nhưng đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm, trong khi Thái Lan với 1,91 triệu xe/ năm, Indonesia 1,1 triệu xe/năm, Malaysia 615.000 xe/ năm.

Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, ngoại trừ một số doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 15- 37%. Việc không đạt tỷ lệ nội địa hóa như đã cam kết có nguyên nhân thuế nhập khẩu linh kiện quá thấp (khoảng 23%) nên doanh nghiệp chỉ cần nhập khẩu linh kiện về lắp ráp là đã có lãi.

Sản xuất, lắp ráp ô tô phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu linh kiện nhận được lợi ích trước mắt, nhưng kìm hãm sự phát triển công nghiệp phụ trợ, không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động... Thực tế cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có lãi, nhưng mức độ đóng góp cho nền kinh tế rất hạn chế.

Hơn 20 năm duy trì chính sách bảo hộ, ngành công nghiệp ô tô không những không chịu lớn mà đang trong tình cảnh  rất khó khăn vì áp lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, sự thay đổi trong chính sách thuế nhập khẩu ô tô.

Thực hiện Hiệp định thương mại ASEAN có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống từ các nước ASEAN về Việt Nam Nam giảm từ 40% xuống 30%. Mức thuế này sẽ giảm về 0% từ ngày 1/1/2018. Dù  mới giảm 10% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang cảm thấy như “ngồi trên đống lửa” khi lượng ô tô nhập về trong 3 tháng đầu năm 2017 tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016, với 28.000 chiếc.

Việc cạnh tranh quyết liệt giữa xe ngoại và xe nội không có gì bất ngờ vì cam kết giảm thuế nhập khẩu đã có lộ trình cụ thể, nếu có sự bất ngờ là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã quá quen với sự bảo hộ, ít quan tâm đến chiến lược cạnh tranh và sự phát triển bền vững. Và khi  nhận ra việc khó cạnh tranh và chiến thắng trên “sân nhà”, không ít doanh nghiệp lại “kêu than”, trông chờ vào sự bảo hộ, hỗ trợ tiếp theo của Nhà nước. Vấn đề đặt ra là tiếp tục bảo hộ, hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước hay tuân theo quy luật của thị trường?

Để ngành công nghiệp ô tô phát triển, cạnh tranh lành mạnh với xe nhập khẩu, không ai làm thay và làm tốt hơn doanh nghiệp. Muốn thế các doanh nghiệp phải hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng tỷ lệ nội địa hóa càng nhiều càng tốt, phát triển công nghiệp phụ trợ... để giảm giá và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhà nước với vai trò là người kiến tạo, chắc chắn sẽ có sự trợ giúp, có thể là chính sách tín dụng, thuế tiêu thụ đặc biệt và biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, mọi sự trợ giúp phải dựa trên luật pháp trong nước và các cam kết quốc tế./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực