Phí "bôi trơn” và tham nhũng chính sách

Thứ ba, 14/03/2017 19:28
(ĐCSVN) – Thực trạng “phí bôi trơn” và nạn tham nhũng chính sách đang là gánh nặng đè lên doanh nghiệp, nhưng hiện vẫn tồn tại dai dẳng và chưa có dấu hiệu giảm trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh quyết tâm cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Ảnh minh họa (nguồn dantri.com.vn)

Mới đây, tại Hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà khi thực hiện các thủ tục hành chính về thuế lên tới 41%. Đặc biệt, có tới 34% doanh nghiệp vẫn phải có những khoản “chi phí không chính thức” cho cơ quan thuế, tỷ lệ này năm 2014 là 32%. 53% doanh nghiệp phải tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra về thuế. 30% doanh nghiệp cho rằng, thanh tra, kiểm tra thuế nhiều khi không phải là hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành tốt hơn thủ tục, chính sách thuế mà là để bắt lỗi, hoặc suy diễn theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Trước thực trạng trên, rất nhiều người đã bức xúc phát biểu: Nộp thuế để xây dựng đất nước mà còn phải “bôi trơn” thì những thủ tục hành chính khác sẽ thế nào?

Liên quan đến chuyện phí "bôi trơn", Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 vừa được VCCI công bố chiều 13/8 cũng cho thấy,  tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến. Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% giai đoạn 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016), nhưng cao hơn hẳn kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).

Trên thực tế hiện nay “phí bôi trơn” đã phổ biến đến nỗi người ta gọi nó là “văn hóa” phong bì hay lớn hơn nữa thì gọi là “hoa hồng”. Thứ “văn hóa” này nguy hại đến mức nó có thể làm hư chính sách (khi công chức gây khó dễ để kiếm chác) và làm cho doanh nghiệp “không lớn lên được” vì phải chi quá nhiều. Vậy, sao nó vẫn tồn tại dai dẳng, trong khi Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính?

Điều này có thể xuất phát từ cả hai phía: Một số công chức biến chất muốn lợi dụng cơ quan công quyền kiếm thêm tiền bằng “phí bôi trơn”. Nếu không có phí thì hồ sơ của doanh nghiệp sẽ bị ngâm, kéo dài hoặc bị hạch sách đủ điều. Đến mức mọi người phải tự hiểu: muốn nhanh thì phải chi tiền, thậm chí cứ làm thủ tục là phải chi như tại một số đơn vị thuộc Cục Hải quan Hải Phòng mà báo chí vừa phản ánh. Còn về phía doanh nghiệp thì muốn được việc, nên đa số đành chịu chi tiền, bởi  không “bôi” thì việc không “trơn”, trong khi doanh nghiệp đang phải vay vốn, lãi suất tính hàng ngày. Để kéo dài thủ tục hành chính, thì tiền lãi có thể đội thêm cả tỷ đồng...

Điều đáng nói là những chi phí “bôi trơn” khá tốn kém.Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014 đến 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó. Vậy, doanh nghiệp sẽ lấy gì bù lại? Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, nếu cộng vào giá thành sản phẩm thì cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải chịu, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm. Đối với những dự án dân sinh như: hạ tầng giao thông, xây dựng trường học, công trình văn hóa…, các công trình này sẽ khó mà đảm bảo chất lượng. Còn nếu không tính vào giá thành, thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ, thậm chí cuối cùng có thể ... phá sản.

Để xóa bỏ những gánh nặng và rào cản trên cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước phải đổi mới và cải cách triệt để mọi quy trình, thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này đã thắp lên hy vọng, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ.

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, cơ chế, chính sách đã thông thoáng hơn nhiều nhưng chuyện cán bộ “tham nhũng chính sách” bằng cách lợi dụng giải quyết thủ tục hành chính để nhận “phí bôi trơn” thì xem ra vẫn chưa giảm được bao nhiêu.

Thiết nghĩ, để giúp doanh nghiệp vươn lên phát triển và cạnh tranh trong quá trình hội nhập, song song với giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng, cần xử lý kiên quyết những công chức “tham nhũng chính sách”, như lời Thủ tướng đã nói: Phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng được yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu dân.  Phải thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước./

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực