Quyền lực và kiểm soát quyền lực ở nước ta

Thứ sáu, 18/05/2018 18:43
(ĐCSVN) - Cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cao nhất.

1. Bản chất quyền lực và sự tha hóa quyền lực

Từ khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp: Thống trị và bị trị thì quyền lực của giai cấp thống trị xuất hiện và quyền lực của giai cấp thống trị lại chỉ tập trung vào một nhóm người hay thậm chí một người được giao quyền thay mặt cho giai cấp thống trị để cai quản, quản lý, điều hành xã hội, thống trị những người bị thống trị. Quyền lực trong các xã hội có giai cấp thống trị và bị thống trị là nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, thậm chí bảo vệ lợi ích của một nhóm người, thậm chí một người được giao quyền thống trị, cai quản, quản lý, điều hành xã hội. Trong xã hội XHCN hay ở nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Nhưng Nhân dân chỉ trực tiếp thực hiện một số quyền lực nhất định như: Quyền ứng cử, bầu cử, thực hiện các quyền sống, quyền tự do, dân chủ, quyền học hành, đi lại, v.v...; còn những quyền chung như: Quyền huy động, phân bổ mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền quản lý, điều hành xã hội; quyền quản lý phát triển kinh tế, quản lý phát triển văn hóa; quyền quản lý, điều hành thống nhất sự nghiệp an ninh, quốc phòng, v.v..., thì Nhân dân trao cho các cơ quan, tổ chức do Nhân dân lập nên, bầu lên, thậm chí Nhân dân trao quyền cho một nhóm, thậm chí trao cho một cá nhân đại diện Nhân dân thực hiện. Các tổ chức, các nhóm người, các cá nhân được Nhân dân trao quyền lực mà thực hiện đúng, thực hiện tốt, thực hiện có hiệu quả những chức trách, nhiệm vụ được giao, vì dân. vì nước thì đem lại nhiều lợi ích cho Nhân dân, cho đất nước.

Quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân, tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó như: Uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí cưỡng bức thực hiện.


Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã
xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có vấn đề 
xây dựng cán bộ cấp chiến lược. (Ảnh: H.H).

Nhưng khi quyền lực của tổ chức, của nhóm người, thậm chí của một người, khi đã được Nhân dân trao cho rồi thì rất dễ bị tha hóa. Tha hóa là sự làm biến chất thành xấu đi hoặc thành cái khác đối nghịch lại. Tha hóa quyền lực là việc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết hoặc vượt quá quyền lực được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, như: Lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, không thực hiện hay thực hiện không hết quyền lực được trao.Tha hóa quyền lực làm biến tướng bản chất, mục đích của quyền lực đó: Quyền lực đã không được thực hiện vì mục đích chung, vì lợi ích chung, vì lợi ích của Nhân dân, mà quyền lực bị tha hóa đã thực hiện vì mục đích của “nhóm lợi ích”, vì lợi ích của cá nhân.

Có sự tha hóa quyền lực của cả một tổ chức, của cả một nhóm người, thậm chí của một cá nhân. Xã hội càng văn minh thì sự tha hóa quyền lực càng tinh vi. Khi quyền lực Nhân dân trao cho tổ chức, cho nhóm người, cho cá nhân bị tha hóa thì cần phải có sự kiểm soát quyền lực. Quyền lực bị tha hóa mà không bị kiểm soát thì sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cho Nhân dân. Trao quyền lực, thực thi quyền lực cũng đồng thời với việc phải kiểm soát quyền lực.

Quyền lực của tổ chức, của nhóm người, của cá nhân không phải là quyền lực tự có, mà là quyền lực của Nhân dân, được Nhân dân trao cho họ, ủy quyền cho họ thực hiện để phục vụ Nhân dân, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đất nước và chính Nhân dân là chủ nhân kiểm soát quyền lực, xem các tổ chức, các nhóm người, các cá nhân có thực hiện đúng, đủ quyền lực Nhân dân trao cho họ hay không. Trên thực tế, có những tổ chức, những nhóm người, những cá nhân khi được Nhân dân trao cho quyền lực nào đó thì thường lại biến quyền lực của Nhân dân trao cho thành quyền lực của tổ chức mình, nhóm người mình, cá nhân mình. Đó là sự tha hóa quyền lực, mà Nhân dân cần phải kiểm soát.

Nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, là lợi ích cá nhân của bản thân, của gia đình, của “nhóm lợi ích”. Bộ máy tổ chức, một nhóm người hay một cá nhân là do Nhân dân dựng lên, bầu ra, bổ nhiệm để trao quyền lực, ủy quyền thực hiện chức trách, nhiệm vụ vì lợi ích chung, vì lợi ích của Nhân dân; nhưng khi được trao quyền lực rồi thì bộ máy đó, nhóm người đó, cá nhân đó lại tách rời khỏi xã hội, tách rời khỏi Nhân dân, đứng trên xã hội, đứng trên Nhân dân, biến quyền lực Nhân dân trao thành quyền lực của mình, thực hiện chúng vì lợi ích cá nhân của bản thân, của gia đình, của “nhóm lợi ích”.

2. Kiểm soát quyền lực

Tất cả quyền lực là thuộc về Nhân dân và Nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực, vì vậy để phòng, chống sự tha hóa quyền lực, để kiểm soát quyền lực, thì Nhân dân phải thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình. Nhân dân phải thực sự tham gia vào quá trình quản lý đất nước, tham gia quản lý xã hội, tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý, điều hành quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng… của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[1]. Bao nhiêu quyền hạn, quyền lực đều thuộc về Nhân dân, do vậy mà có quyền Nhân dân trực tiếp làm, trực tiếp thực hiện; có quyền Nhân dân giao hay ủy quyền cho một tổ chức hay một nhóm người, thậm chí cho một người thực hiện. Và khi đã giao, đã ủy quyền thì Nhân dân phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát xem tổ chức, nhóm người, cá nhân được giao quyền, ủy quyền có thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao không hay lại lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”. Nhân dân giao quyền, ủy quyền cho các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công và có sự phối hợp để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong đó có bộ máy nhà nước ta.

Khi nói về Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Người dạy “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới kính ta, yêu ta.”[2] Nhân dân giao quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo nguyên tắc có sự phân công và phối hợp để bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân và Nhân dân kiểm soát việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước. Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến cá nhân người cán bộ khi được trao quyền lực, Người cho rằng: cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Sau khi có đường lối đúng thì khâu quyết định là lựa chọn đúng cán bộ. Người căn dặn: Cán bộ là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Người cho rằng: “đức” là cái gốc của cán bộ. Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, Người đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân và sự kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng. Người nhắc nhở: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân…”[3]. Vì vậy, cần phải “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bảy tỏ cách sửa chữa sai lầm đó”, “cán  bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc”[4]. Theo Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước, chính là kiểm soát “cán bộ”: “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[5].

Kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân, cả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thực hiện nghiêm phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; thông qua chế độ tranh cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý công khai, minh bạch; thông qua chế độ thực sự công khai, minh bạch mọi công việc của đất nước, của Nhân dân phải rất coi trọng chế độ công khai, minh bạch: công khai, minh bạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tất cả các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, của tất cả các cá nhân từ người giữ cương vị cao nhất đến cán bộ, công chức, viên chức để Nhân dân kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện; công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được trao quyền lực; thông qua việc kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, của Nhân dân, của công luận; thông qua việc tự do tư tưởng, tự do ngôn luận để Nhân dân thể hiện chính kiến của mình tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị; Nhân dân tham gia xây dựng đất nước, làm chủ đất nước. Muốn vậy, phải nâng cao trình độ dân trí, Nhân dân phải vươn lên làm chủ thực sự mọi công việc của đất nước. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến”[6]. Nhân dân có quyền chất vấn, yêu cầu cơ quan nhà nước phải giải trình, có quyền phản đối những việc làm sai trái, có quyền yêu cầu cán bộ không đủ tư cách phải từ chức hoặc bị cách chức… Khuyến khích công luận lên tiếng phê phán, phản đối những việc sai trái để tăng sức đề kháng của cơ thể xã hội… Phát huy mạnh mẽ, chủ động, tích cực sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân vào việc kiểm soát quyền lực. Xây dựng và thực thi cơ chế, chế tài đủ mạnh để các tổ chức bộ máy, các nhóm người, các cá nhân được giao quyền lực phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao, không dám - không thể - không muốn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích, lợi ích cá nhân. Cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cao nhất.

Kiểm soát quyền lực phải trên cơ sở kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, chống phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy chống để xây. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào: Nếu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đều phải được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và xử lý nghiêm hoặc truy tố theo pháp luật của Nhà nước. Bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm minh những tổ chức, những cá nhân lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích vì lợi ích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”. Phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Để kiểm soát quyền lực thực sự có hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình, vượt lên ma lực cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền. Thực tế đã chỉ ra rằng: Khi được trao quyền lực thì luôn có xu hướng tha hóa quyền lực. Có người khi chưa được trao quyền lực thì là người rất tốt, nhưng khi được trao quyền lực lại thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, sau một lần được bổ nhiệm… người đó đã ra dáng “quan cách mạng”, dần trở nên tha hóa, hư hỏng, trở thành người xấu vì lợi ích thấp hèn của cá nhân, của “nhóm lợi ích”. Khi được trao quyền lực cũng là lúc bắt đầu đánh mất dần chính bản thân mình, đánh mất bản chất tốt đẹp, chân chính trước đó. Trên đỉnh cao quyền lực, ít người để ý, nhìn thấy tai họa ẩn chứa từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết, uyên thâm, suốt đời vì dân vì nước.

Do vậy, việc kiểm soát quyền lực trước tiên thuộc về cơ chế tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Họ phải tự thấy rõ đó là quyền lực của Nhân dân, Nhân dân trao cho họ, ủy quyền cho họ thực hiện vì mục đích chung, vì lợi ích của Nhân dân; không phải là quyền lực riêng của họ, nên họ phải thực hiện đúng, đủ quyền lực, thực hiện đúng, hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được trao, không được lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Vì vậy, cán bộ và công tác cán bộ là công việc hết sức hệ trọng, quyết định sự thành - bại của sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta, của Đảng ta./.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H., 2000, tr. 698.

[2] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, NXB CTQG, H., 2000, tr. 57.

[3] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H., 2000, tr. 104-105.

[4] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H., 2000, tr. 208.

[5] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H., 2000, tr. 273.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H., 2016, tr. 169.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực