Tác phẩm & giải thưởng!

Thứ sáu, 06/07/2018 11:01
(ĐCSVN) - Vẫn còn thiếu những tác phẩm báo chí phản ánh về những yếu tố tích cực, những mảng sáng, những mô hình phát triển kinh tế - xã hội, nêu gương người tốt, việc tốt… đoạt giải báo chí Quốc gia hằng năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: lambao.com.vn).

 

Khen thưởng nói chung luôn là nguồn động viên, khích lệ to lớn với bất kỳ ai, lĩnh vực gì, việc gì… Nó không chỉ là phần thưởng có giá trị về vật chất, tinh thần dành cho đối tượng được khen thưởng, mà còn là nguồn động lực chính tạo ra các hoạt động thi đua sáng tạo, lao động sản xuất… trong cộng đồng xã hội.

Mới đây, giải báo chí Quốc gia năm 2018 đã trao 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C, 29 giải Khuyến khích. Trước đó, năm 2017 đã trao 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải Khuyến khích và năm 2016 đã trao 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải Khuyến khích. Giải báo chí Quốc gia hằng năm đã tôn vinh các tác giả với những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất. Đó là sự ghi nhận, đánh giá của các tổ chức đối với thành tựu lao động, hoạt động báo chí của các tác giả trong cả nước.

Tuy nhiên, qua những tác phẩm báo chí được trao giải thưởng những năm gần đây cho thấy, phần lớn những tác phẩm báo chí đoạt giải thưởng cao luôn thuộc về những tác phẩm có đề tài chủ yếu là “gai góc”, “nóng”, “nhạy cảm”, phản ánh các vấn đề tiêu cực, những mảng tối trong xã hội. Các mảng đề tài này dường như vẫn chiếm ưu thế, thậm chí nó như một xu hướng được các tác giả, cũng như giám khảo “ưu tiên” tại các giải báo chí.

Có phải những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đang diễn ra có chiều hướng gia tăng và phức tạp đã vô tình tạo ra nhiều tác phẩm báo chí mảng đề tài đấu tranh với tiêu cực là tất yếu. Hay những giải thưởng báo chí của các tổ chức những năm gần đây đã truyền cảm hứng cho các tác giả đi sâu khai thác mảng đề tài này. Đó phải chăng cũng là tâm lý của không ít tác giả khi tham gia giải và cả tâm thế của giám khảo, cả ở vòng sơ khảo và chung khảo... Rất khó để giải đáp một cách rõ ràng đâu là nguyên do..., trong khi đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực chưa bao giờ là bình yên, phẳng lặng và nó luôn là chủ đề nóng thu hút các nhà báo dấn thân.

Không biết hiện tượng này sẽ tiếp diễn ra sao, nhưng có thời điểm, thông tin có tính chất tiêu cực tràn ngập trên báo chí, truyền thông. Nào là quan chức nọ, cán bộ kia có nhiều sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…, những câu chuyện ở tỉnh A, tổ chức B, việc C…, người ta lạm dụng cái gọi là “đúng quy trình” để “nâng đỡ không trong sáng” cho việc bổ nhiệm cán bộ thần tốc, hay chồng quy hoạch vợ, bố quy hoạch con thậm chí là cả họ làm quan… Đúng là bức tranh màu xám đã bao trùm dư luận.

Có thể nói, báo chí đã đóng góp to lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tệ quan liêu, lãng phí… Không ít các vụ việc tiêu cực đã được báo chí phanh phui, đưa ra công luận… Nhưng bất cập nảy sinh cũng không ít, nhiều cán bộ chân chính cũng có tâm lí rất e ngại với giới báo chí, thậm chí cá biệt có những cán bộ, quan chức phải bạt hồn, khiếp vía với đám phóng viên chính thức và phi chính thức lợi dụng việc chống tiêu cực để hù dọa… ép các đối tượng liên quan phải mua chuộc, đưa tiền…, hệ lụy kéo theo là không ít phóng viên bị bắt giam vì tội tống tiền…  

Với vai trò đặc biệt của mình, báo chí có nhiệm vụ đi tiên phong, phát hiện, phản ánh, phê phán những vấn đề tiêu cực, những cái bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp với tiêu cực, nhằm làm minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết. Đây chính là hoạt động của báo chí chân chính, từ đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

Có câu “ngọn cờ nào phong trào ấy”. Tuy nhiên, để đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực thì báo chí cũng nên tăng cường tuyên truyền, nêu gương nhiều hơn về những điển hình người tốt, việc tốt, những yếu tố tích cực, những mảng sáng về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội… Quan trọng hơn là mang ánh sáng trong lành tỏa ra cộng đồng, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối, nhằm lan tỏa những thứ tốt đẹp đang diễn ra trong cộng đồng để bức tranh xã hội có nhiều màu sắc tích cực hơn, ý nghĩa hơn.

“Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, "lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực" luôn là phương châm chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, nhằm xây dựng một xã hội tích cực, tiến bộ, nhân văn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo quần chúng nhân dân. Người cho rằng, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có.

Đấu tranh và bài trừ cái xấu là cần thiết, nhưng báo chí, truyền thông nếu như tập trung quá nhiều cho việc phản ánh những cái xấu, cái tiêu cực thì vô tình đã để cho cái xấu, cái tiêu cực phủ bóng và lấn át cái tích cực, cái tốt đẹp vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Dân gian có câu “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” chính là để nêu lên một nhận xét tương đối chính xác về cái tâm lý khá phổ biến, thói thường trong xã hội, cái xấu thường dễ được đồn thổi, phóng đại, một đồn mười, mười đồn trăm, loang đi nhanh và xa trong dư luận công chúng hơn, cái tốt thì chưa dễ gì đã được dư luận biết đến rộng rãi.

Vì vậy, cái tốt phải được tuyên truyền nhiều hơn, biểu dương nhiều hơn cũng như được khen thưởng, khích lệ động viên nhiều hơn bằng những giải thưởng dành cho những tác phẩm báo chí mảng đề tài này. Thiết nghĩ, trong các giải báo chí lớn sắp tới như giải báo chí Quốc gia, Búa liềm vàng…rất cần có những định hướng để có nhiều tác phẩm báo chí với chủ đề người tốt, việc tốt… tham gia và đoạt giải./.

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực