Tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam – Hy Lạp

Thứ năm, 28/06/2018 18:12
(ĐCSVN) - Từ ngày 1 - 2/7/2018, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức Hy Lạp. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Nguyễn Mạnh Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
 

Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Nguyễn Mạnh Cường

Phóng viên (PV): Thưa Đại sứ, nhân chuyến thăm chính thức Hy Lạp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm và đánh giá quan hệ Việt Nam – Hy Lạp trong thời gian qua?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường: Chuyến thăm chính thức Hy Lạp lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam tới Hy Lạp trong vòng gần 10 năm qua, nối tiếp chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp vào tháng 2 năm 2017. Sự khởi động lại các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước cho thấy quan hệ hai nước trong thời gian gần đây đã có những bước phát triển quan trọng. 

Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975. Từ đó đến nay, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, gắn bó và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước luôn được duy trì tốt đẹp. Việt Nam và Hy Lạp tuy là hai quốc gia nằm ở hai châu lục khác nhau, nhưng có nhiều nét tương đồng, đều có vị trí địa chính trị quan trọng, có nền văn hóa lâu đời, có lịch sử trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm… Nhân dân Hy Lạp luôn có tình cảm tốt đối với nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Giai đoạn trước khủng hoảng nợ công Hy Lạp, hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao như: Thủ tướng Hy Lạp Kostas Karamanlis thăm chính thức Việt Nam năm 2007; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hy Lạp năm 2008, cùng năm đó, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias thăm chính thức Việt Nam. Cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra từ năm 2010 khiến Hy Lạp phải tập trung khắc phục hậu quả. Trong giai đoạn này, trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước cũng tạm thời gián đoạn. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác hữu nghị vẫn luôn được hai bên coi trọng và duy trì. Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias tháng 2/2017 và chuyến thăm Hy Lạp lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, là dịp để hai bên cùng đánh giá lại mối quan hệ hợp tác thời gian qua và đưa ra những hướng đi cho giai đoạn tiếp theo. 

Bên cạnh các chuyến thăm cấp cao, quan hệ Đảng và Quốc hội của hai nước vẫn thường xuyên được duy trì và phát triển: Phó Chủ tịch Quộc hội Uông Chu Lưu thăm và làm việc tại Hy Lạp năm 2013, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân thăm và làm việc tại Hy Lạp năm 2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hy Lạp thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2016. Đặc biệt, tháng 5/2018, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã thăm và làm việc tại Hy Lạp. Trong chuyến thăm, đồng chí Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp và làm việc với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hy Lạp, Phó Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp, Tổng thư ký đảng cánh tả cấp tiến Syriza cầm quyền... Ngoài ra, hai nước vẫn duy trì mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực, duy trì tham vấn chính trị cấp Vụ trưởng Ngoại giao, thường xuyên hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục – đào tạo thông qua các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa ở mỗi nước, hợp tác giữa các trường đại học hai nước…

Về quan hệ kinh tế, qua số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước thời gian gần đây, có thể thấy thương mại Việt Nam – Hy Lạp đã có những tăng trưởng khả quan, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 334 triệu USD, tăng 40% so với năm 2016. 

Hai nước cũng thường xuyên hợp tác tích cực và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEM, Diễn đàn ASEAN – EU. Hy Lạp là nước sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và đối tác Việt Nam – EU (PCA) và ủng hộ việc sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hy Lạp cũng là nước thành viên EU luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và mong muốn trở thành “cửa ngõ” cho Việt Nam trong mối quan hệ với EU.

PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hai nước trong thời gian tới?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường: Tôi tin rằng, hai nước Việt Nam và Hy Lạp trong thời gian tới sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Tuy vậy, hiện còn rất nhiều tiềm năng hợp tác mà hai bên cần tích cực khai thác. Quan hệ kinh tế - thương mại tuy có sự tăng trưởng nhưng thực chất vẫn ở mức khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Việt Nam được coi là nền kinh tế đang phát triển năng động của Đông Nam Á, đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, dệt may, da giày… Mặt khác, Việt Nam cũng đang trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới. Về phần mình, Hy Lạp là quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất phát triển, đặc biệt có ngành vận tải biển phát triển ở vị trí hàng đầu thế giới. Hai bên đã có những hoạt động trao đổi, tìm hiểu hợp tác trong lĩnh vực này, và hiện đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định hợp tác về Vận tải biển. Có thể nói đây là lĩnh vực hợp tác tiềm năng nhất mà nếu được triển khai sẽ trở thành một động lực lớn trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Nền kinh tế Hy Lạp hiện tại đã có những chuyển biến tích cực, đang dần phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được phê chuẩn trong thời gian tới cũng sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý và cơ hội thúc đẩy giao thương, thương mại giữa hai nước. Do đó, thời gian sắp tới sẽ là cơ hội thuận lợi để hai nước tiến hành mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực hiện chưa phát huy hết tiềm năng.

Tôi tin tưởng rằng qua chuyến thăm lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, quan hệ hai nước sẽ có thêm động lực để bước sang một giai đoạn mới với nhiều cơ hội hợp tác to lớn hơn, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực