Tham nhũng vặt như “tổ mối”, có thể làm vỡ con đê hùng vĩ

Thứ năm, 15/08/2019 19:34
(ĐCSVN) - “Tuy là tham nhũng vặt nhưng tác động của nó không hề vặt. Người ta ví con đê rất cao to, rất hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/8.

Chiều 15/8, khép lại phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm như: công tác xây dựng pháp luật, bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông…

"Tham nhũng vặt" nhưng tác động không hề "vặt"

Tại phiên họp, nêu câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp để chống tham nhũng vặt, tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế chưa có nhiều chuyển biến. Người dân vẫn rất bức xúc, nhất là những người dân có công việc liên quan đến các cơ quan công quyền.

“Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân chính của việc chưa cải thiện đáng kể tình trạng nêu trên là do đâu? Giải pháp quan trọng có tính đột phá mà Chính phủ sẽ tiến hành trong thời gian tới để chống tham nhũng vặt là gì?” – đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ chất vấn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)


Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống đại án về kinh tế, tham nhũng thì chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh vấn đề này.

Phó Thủ tướng nhận định, tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân; liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. “Tuy là tham nhũng vặt nhưng tác động của nó không hề vặt. Người ta ví con đê rất cao to, rất hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chủ trương của Trung ương, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp trong vấn đề này. Trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, đảm bảo thống nhất, rõ ràng không chồng chéo để vừa cản được sự tùy tiện trong thực thi pháp luật của cả người thực thi và cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về quy trình trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công cấp độ 4.

Mặt khác, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần hệ thống kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin.

Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm luân chuyển; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

“Trong vấn đề này phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả của người được cung cấp dịch vụ công và người cung cấp dịch vụ công là cán bộ công chức, viên chức. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và tổ chức Hội nghị toàn quốc. Chúng tôi nghĩ sắp tới sẽ tạo ra một số chuyển biến trong vấn đề này” – Phó Thủ tướng chốt lại.

Công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của các bộ, ngành

Về công tác xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng cho biết, công tác này đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng trình còn chậm, một số dự án còn hạn chế, tình trạng rút dự luật giảm mạnh nhưng vẫn còn; tình trạng nợ đọng văn bản giảm mạnh nhưng vẫn còn... Đến nay, các bộ ngành còn nợ 18 văn bản, trong đó có 2 nghị định hướng dẫn 2 luật có hiệu lực từ 1/1/2018, 16 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ 1/1/2019 và 1/7/2019.

Phó Thủ tướng chỉ ra các nguyên nhân cơ bản là chưa tuân thủ quy trình, trình tự theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sự quan tâm chỉ đạo của một số tư lệnh ngành chưa sát sao. Ngoài ra, một số vấn đề chưa đánh giá kỹ khi xây dựng, thời gian cho phép ban hành ngắn, trong khi phần lớn là vấn đề khó, phức tạp nên soạn thảo còn khó khăn; sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ, liên bộ còn hạn chế...

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chấp hành nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ sẽ cập nhật công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của các bộ, ngành”.

Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của Chính phủ; tiếp tục sẽ tăng cường năng lực xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành.

Làm rõ thêm về các chính sách, nguồn lực bố trí các chương trình phát triển dân tộc, dân số và miền núi, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin: “Về căn cơ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc miền núi, trong đó có riêng hợp phần cho dân tộc ít người và rất ít người. Chúng tôi hi vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực, sẽ tích hợp 186 chính sách về dân tộc hiện tại thành một bộ chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia”./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực