Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác khí tượng thủy văn

Thứ năm, 21/03/2019 11:38
(ĐCSVN) - Ngày 23/3 hằng năm, nhiều quốc gia cùng kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới. Đây là dịp để tôn vinh những đóng góp của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước thảm họa thiên nhiên.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2019, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường).


PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV. (Ảnh: Bích Liên)

Phóng viên (PV): Thưa ông, chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019 là “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”. Để hưởng ứng ngày này, Ngành Khí tượng có chương trình, hành động gì để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác dự báo và phòng chống thiên tai?

PGS.TS Trần Hồng Thái: Để kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới năm 2019, Tổng cục KTTV tổ chức lễ Mít tinh kỷ niệm và tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai cũng như triển khai công tác năm 2019 tại thành phố Hải Phòng.

Với chủ đề “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”, Tổ chức Khí tượng thế giới muốn nhấn mạnh vai trò của mặt trời và trái đất trong việc hình thành thời tiết và khí hậu trên trái đất. Bức xạ Mặt Trời đến trái đất, nhờ bầu khí quyển, có thể được hấp thụ khoảng 70% bức xạ tới còn khoảng 30% được phản xạ trở lại không gian. Nhờ có hiệu ứng nhà kính tự nhiên mà nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất là 14°C thay vì -18°C nếu không có bầu khí quyển của trái đất. Hiệu ứng nhà kính bị tăng cường khi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tăng lên do các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch.

Trong năm 2019, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã lựa chọn cho mình một khẩu hiệu riêng. Đó là “Mặt trời, Trái đất, Thời tiết và hành động của chúng ta” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của Mặt trời đối với Thời tiết trên Trái đất và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm quá trình biến đổi khí hậu trên Trái đất và góp phần cho thời tiết trở nên ôn hòa hơn.

Ngoài ra, các nhiệm vụ thường xuyên của Tổng cục vẫn sẽ là chú trọng công tác dự báo và cảnh báo sớm các loại hình thiên tai, các thời tiết cực đoan quanh năm. Trong đó, Tổng cục luôn quán triệt các đơn vị, các cán bộ viên chức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và tinh thần cảnh giác, không để sót bất cứ một thiên tai nào.

Tiếp nối thành công những năm gần đây, Tổng cục KTTV tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác dự báo với mục tiêu hướng tới dự báo tác động, cảnh báo các tác động có thể có của các loại hình thiên tai đối với đời sống, kinh tế và sinh hoạt của toàn xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và truyền tin cảnh báo thiên tai để mọi người dân đều có được thông tin cảnh báo, dự báo kịp thời, với độ tin cậy cao.

PV: Trong bối cảnh thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của công tác KTTV càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xin ông cho biết những kết quả mà ngành khí tượng đã đạt được trong thời gian qua?

PGS.TS Trần Hồng Thái: Thời gian qua, Tổng cục đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ TN&MT và nhân dân giao phó đối với công tác KTTV. Trong đó, trọng tâm ưu tiên tập trung vào sớm ổn định tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc, hơn 500 trạm KTTV có quan trắc viên và gần 1.000 trạm KTTV tự động, công tác tổ chức cán bộ đối với hơn 3200 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ đô thị, đồng bằng tới vùng sâu vùng xa trải khắp các miền trên Tổ quốc và các hải đảo.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, quản lý nhà nước các hoạt động nghiệp vụ như dự báo, cảnh báo KTTV. Năm 2018, Ngành Khí tượng đã dự báo, cảnh báo đạt độ tin cậy cao đối với 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới cùng hàng chục đợt không khí lạnh; nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng, thiên tai lũ, lũ quét và sạt lở đất trên phạm vi cả nước, trong đó cảnh báo sớm và chi tiết được đặc biệt chú trọng.

Cùng với sự chủ động phòng chống của các cấp chính quyền, nhân dân, Ngành KTTV đã góp phần quan trọng làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra; duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới trạm, thông tin, dữ liệu KTTV từ hệ thống cơ quan KTTV quốc gia đến hoạt động KTTV chuyên dùng của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân.

Uy tín Ngành KTTV Việt Nam đối với quốc tế ngày càng được nâng cao sau khi tổ chức thành công Hội nghị quốc tế của Uỷ ban Bão tại Hà Nội và các hoạt động hiệu quả hỗ trợ các nước Đông Nam Á (nhất là Lào và Campuchia) trong cảnh báo thời tiết nguy hiểm.

PV: Tiếp nối những thành công trên, Ngành KTTV sẽ có những định hướng gì để triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới thưa ông?

PGS.TS Trần Hồng Thái: Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, để có thể huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tham gia vào công tác KTTV thì việc có cam kết, định hướng chính trị từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng là hết sức cần thiết.

Do vậy, chúng tôi đề nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ cho phép triển khai xây dựng, trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác khí tượng thủy văn.

Việc ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị sẽ tạo ra bước đột phá cho hoạt động KTTV. Đây cũng là định hướng quan trọng giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khuyến khích, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tạo thuận lợi, phát triển thị trường KTTV. Tiến tới xây dựng nền công nghiệp KTTV ở Việt Nam; tạo cơ chế cho các tổ chức sự nghiệp công lập về KTTV tăng tính độc lập, chủ động, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao năng lực cho Ngành KTTV đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan có chính sách ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức ở các trường đại học chuyên ngành, ở các cấp độ, hình thức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về hoạt động KTTV; có chính sách thu hút nhân tài cho ngành KTTV.

Theo đó, thống nhất tăng cường giám sát, quản lý thông tin, dữ liệu KTTV đúng với tính chất là một dạng tài nguyên số quan trọng, được quản lý, khai thác sử dụng, tích hợp hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Bố trí đủ nguồn lực cho các hoạt động KTTV quan trọng. Trong đó, cần ưu tiên cho việc đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia; tăng mật độ trạm đo, điểm đo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kiện toàn hệ thống Ra đa thời tiết theo quy hoạch ...

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ cho phép triển khai xây dựng Đề án cấp Quốc gia về khoa học công nghệ, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về KTTV, nhằm tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KTTV chất lượng cao; đẩy nhanh tiếp thu, ứng dụng vào nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn, tập trung vào các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm; đồng hóa số liệu trên cơ sở có sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Ủy ban bão quốc tế, các nước có nền khoa học, công nghệ dự báo KTTV tiên tiến, có cơ chế đãi ngộ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về KTTV đến làm việc tại Việt Nam.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân có phạm vi hoạt động liên quan tới lĩnh vực KTTV tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, phát triển hoạt động KTTV chuyên dùng phục vụ nhu cầu riêng, thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, mở rộng xã hội hóa công tác KTTV.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực