Trị bệnh bổ nhiệm “đúng quy trình”

Thứ bảy, 27/05/2017 17:26
(ĐCSVN) – Lần đầu tiên trước Quốc hội, Chính phủ đã “chỉ mặt”, “điểm tên” cụ thể những đơn vị, địa phương có tình trạng “bổ nhiệm người nhà” gây bức xúc. Điều này đã làm cho cử tri cả nước có thêm niềm tin. Nhưng điều mà cử tri trông chờ hơn là những động thái, những hành động ngăn chặn từ đầu việc “bổ nhiệm đúng quy trình” gây bức xúc.

 (Ảnh minh họa: Khều/ Tienphong.vn)

Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, một trong những nguyên tắc trong công tác cán bộ là: Tuyển dụng người tài chứ không tuyển dụng người nhà. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã khẳng định: Chính phủ nhìn nhận năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở một số nơi còn hạn chế. Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, 9 địa phương là Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm.

Không chỉ đề cập đến vấn đề bổ nhiệm người nhà, Chính phủ cũng “điểm tên” những sở có quá nhiều “quan”. Đó là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định có 6 phó giám đốc sở. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo.

Hầu hết trường hợp mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội đều đã được dư luận, báo chí nêu lên trước đó. Nhưng khi mới xảy ra sự việc, dư luận râm ran và báo chí vào cuộc thì điều đáng buồn là đa số nhân vật được bổ nhiệm, những người có liên quan đều tránh né, bao biện bằng cụm từ như bùa hộ mệnh “đúng quy trình”, không khuất tất. Điều đó có nghĩa là các trường hợp được bổ nhiệm đều được quy hoạch, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng… rồi mới đề bạt, bổ nhiệm. Bổ nhiệm “đúng quy trình” như vậy nhưng vẫn làm dư luận thắc mắc, bức xúc, hoài nghi. Trong đó nổi bật là trường hợp của Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, sai phạm nghiêm trọng nhưng lại được hợp thức bởi những “quy trình đúng” để leo cao, luồn sâu.

Dư luận cho rằng, đúng là chẳng có ai cấm cả họ… “làm quan” và cũng chưa có văn bản nào viết rõ mỗi nhà giữ mấy “ghế” là đủ. Bởi trong luật mới chỉ quy định việc cấm bổ nhiệm người nhà lãnh đạo giữ những chức danh về vấn đề tài chính, kế toán, còn những chức danh hành chính thì chưa có quy định cấm. Vì vậy, nhiều cử tri trông chờ “liều thuốc” chữa bệnh là những động thái, những hành động cụ thể đối với những trường hợp đã được phát hiện! Bởi đằng sau sự “đúng quy trình” ấy chắc hẳn sẽ khó tránh khỏi sự thông đồng, thỏa hiệp, trục lợi. Có như vậy, câu chuyện, tình trạng “đúng quy trình” này mới thôi không làm xã hội bức xúc, mất niềm tin.

Vậy quy trình nào cho việc bổ nhiệm người tài? Và làm thế nào để Nhân dân thôi không bức xúc và những “người nhà” của các đồng chí lãnh đạo “không bị oan” khi được bổ nhiệm mà có yếu tố “người nhà”? Để khắc phục, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo, chấn chỉnh, yêu cầu các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện đúng quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Trong đó khẳng định việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải chấp hành nghiêm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, số lượng, độ tuổi...; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời phát huy dân chủ trong công tác cán bộ; thực hiện đúng nguyên tắc, minh bạch và công khai, công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự.

Đặc biệt, Kết luận số 12-KL/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ với quy trình bổ nhiệm cán bộ qua 5 bước chặt chẽ được đánh giá cao. Nhiều người cho rằng, đây sẽ là một biện pháp quan trọng để điều trị “bệnh” bổ nhiệm người nhà vốn gây bức xúc trong dư luận. Bởi quy trình này được xem là mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, đáng tin cậy, tạo sự đồng thuận.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ phải “rà soát, sửa đổi ngay các quy trình, thủ tục bất hợp lý, sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình những người không xứng đáng”.

Tuy nhiên, để quy trình thực sự đổi mới theo hướng tốt lên đòi hỏi người thực hiện nó phải thật sự công tâm, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đó còn là tinh thần trách nhiệm, vì tập thể của mỗi cấp ủy trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Cùng với đó, phải kiên quyết xử lý với mức cao nhất những người có thẩm quyền liên quan đến các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng. Cần đề xuất những cách làm hợp lý để bịt những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng bổ nhiệm tràn lan lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” khiến dư luận bức xúc thời gian qua. Mặt khác, đề cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân nhằm ngăn chặn kịp thời những trường hợp như các sai phạm nói trên. Đáng chú ý, các cơ quan liên quan cần có cơ chế để kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc của cán bộ, để những người không đủ khả năng dù có được bổ nhiệm nhưng nếu không làm việc được thì cũng bị phát hiện, cho thôi chức.

Nhưng điều mà cử tri trông chờ là những hành động cụ thể, xử lý thật nghiêm minh đối với những trường hợp đã được phát hiện thay cho những lời thanh minh “đúng quy trình”! Bởi chỉ có như vậy, câu chuyện, tình trạng “điểm tên” những trường hợp gây bức xúc mới thôi không trở lại trong các kỳ họp Quốc hội tiếp theo. Và chỉ khi như vậy, quy trình bổ nhiệm “người nhà” mới không tranh được chỗ của “người tài” và từ đó “người tài” dù là “người nhà” hay không mới thật sự yên tâm đóng góp trí tuệ và sức lực của mình vào công cuộc xây dựng đất nước./.

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực