Tự hào và vững tin

Thứ năm, 29/04/2010 18:20

Thời khắc lịch sử trước cổng Dinh Độc Lập 30-4-1975
(Ảnh tư liệu)

(ĐCSVN) - Buổi trưa ngày 30-4-1975, lá cờ hai màu xanh, đỏ với ngôi sao vàng ở giữa của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên tầng 2 của dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất), cùng lúc đó, nội các Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu thời điểm lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Sài gòn nguyên vẹn, gần như không một tiếng súng nhưng đó là kết quả của 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ với vô vàn hi sinh của cả dân tộc Việt Nam. Trên 3 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, hàng triệu người Việt Nam khác đã bị thương tật cùng vô số đau thương mà mỗi người Việt Nam đã phải gánh chịu để có ngày chiến thắng huy hoàng đó.

Từ giờ phút lịch sử đó đến nay đã tròn 35 năm. Từ một đất nước kiệt quệ sau chiến tranh khốc liệt, hàng chục triệu người Việt Nam đã tham gia vào quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tìm đường phát triển cho đất nước. Rất nhiều khó khăn đã trải qua, rất nhiều sai lầm đã phạm phải. Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, chỗ dựa truyền thống về mọi mặt đột ngột không còn nữa. Nguồn viện trợ bị cắt, các hợp đồng kinh tế đổ vỡ, thiếu đói, lạm phát nặng nề giữa vòng vây cấm vận, cô lập. Cùng với khó khăn khách quan, việc kéo dài cơ chế quan liêu bao cấp, kéo dài cơ chế quản lý kinh tế cộng sản thời chiến dù chúng đã mất cơ sở xã hội đã kìm hãm sức sản xuất, đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng trầm trọng.

Đúng vào thời điểm vô cùng khó khăn đó, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, một hướng đi chưa có tiền lệ, một nhiệm vụ vô cùng nặng nề nhưng có ý nghĩa quyết định tới vận mệnh đất nước, lấy xây dựng Đảng là then chốt, lấy phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ trương đổi mới đất nước về mặt lịch sử có thể so sánh với tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; của chiến thắng rực rỡ 30-4-1975. Nó mở đường đưa nước ta đi lên phồn vinh, hạnh phúc trong độc lập, tự chủ.

Để thấy được ý nghĩa lịch sử to lớn của thời kỳ này, có thể nhìn vào ngành điện như một thí dụ. Sau khi miền Nam giải phóng, nước ta thuộc diện những nước bị trắng về điện. Hệ thống điện của miền Bắc đã què quặt, lạc hậu lại bị máy bay Mỹ đánh phá huỷ diệt. Hệ thống điện miền Nam chủ yếu là những cụm đi-ê-den cỡ nhỏ phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Miền Trung hầu như không có điện. Điện không chỉ là đòi hỏi gay gắt của sản xuất mà còn là vấn đề xã hội bức xúc. Nhưng với quyết tâm và những cố gắng không ngừng, chỉ sau 20 năm, từ chỗ bình quân đầu người chưa được 400kW/giờ điện mỗi năm, mặc dù dân số tăng gần gấp đôi, tỷ lệ điện năng bình quân đã đạt mức trung bình của thế giới. Sự tiến bộ vượt bậc như vậy không chỉ có riêng ở ngành điện. Mặt bằng kinh tế của đất nước, thu nhập bình quân tính theo đầu người của người Việt Nam đã có bước thay đổi rõ rệt. Từ chỗ đói ăn, thiếu mặc, đa số người Việt Nam đã nghĩ tới ăn ngon, mặt đẹp, có nhà ở kiên cố, được học hành. Từ chỗ vắng mặt trên bản đồ kinh tế thế giới, ngày nay nước ta đã trở thành một đất nước hàng đầu về xuất khẩu gạo, thuỷ sản và một số nông sản; đứng vào hàng các quốc gia có tiếng nói quan trọng với các sản phẩm dệt may, đồ gỗ, than, dầu mỏ, xi măng vv… và trong tương lai không xa, sẽ là một trong những quốc gia phát triển về điện lực, viễn thông, công nghệ tin học, điện tử, cơ khí chế tạo, dầu khí, du lịch cùng nhiều sản phẩm khác.

Bên cạnh sự phát triển vượt bậc về kinh tế, không thể không nhắc đến những nỗ lực to lớn để hàn gắn các vết thương của 30 năm chiến tranh: 3 triệu người hi sinh,trong đó có hàng chục vạn người chưa tìm được hài cốt. Hàng chục triệu người thương tật, hàng triệu gia đình tan nát, ly tán. 4 triệu người bị di chứng chất độc da cam. 800.000 tấn bom mìn chưa nổ còn nằm trong lòng đất. Không ít đắng cay, chua xót trong quá trình hàn gắn dân tộc lâu dài, đầy bi kịch… Những vết thương đó và nhiều vết thương khác, những hố sâu ngăn cách bởi chiến tranh đang từng bước được khắc phục, được khỏa lấp, được làm dịu lại với sự cố gắng vô cùng to lớn của Nhà nước và của cả xã hội.

Trước đây, Việt Nam là tên của một cuộc chiến tranh. Ngày nay, cùng với tên một chiến thắng cách đây 35 năm, Việt Nam còn là tên một đất nước hòa bình, một nền văn hóa rực rỡ, một thị trường đầy tiềm năng. Nhớ về chiến thắng 30-4-1975, nhớ về chặng đường đổi mới với rất nhiều trăn trở, phấn đấu gian khổ, nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức hiện nay cũng như trong tương lai, chúng ta không khỏi tự hào đồng thời quyết tâm tiếp tục vượt qua mọi thách thức để đi lên ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực