Vấn đề cốt lõi trong phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 22/02/2017 10:13
(ĐCSVN) – Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra thông tin các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đang được nhân dân đặc biệt quan tâm và đặt niềm tin vào sự quyết tâm của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Lâu nay, câu chuyện cán bộ lãnh đạo và khối tài sản “kếch xù” thường để lại sự hoài nghi về tính liêm chính của những người được coi là công bộc của dân. Chỉ khi có những kết luận rõ ràng của các cơ quan chức năng mới tạo được niềm tin trong nhân dân.

Còn nhớ cách đây không lâu, dư luận đã “sốc” khi hàng loạt bài báo nói về khối tài sản “khủng” với nhiều nhà đất, biệt thự của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Với tính nghiêm minh trong kỷ luật cán bộ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ vấn đề này. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ; Yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc quyết định, xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền. Ban Bí thư cũng đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan đến sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trong công tác cán bộ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện triệt để việc khắc phục và xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Là một cán bộ lãnh đạo đã qua nhiều năm kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, nhưng qua sự việc trên, chúng ta thấy tính minh bạch trong việc kê khai vẫn không rõ ràng và không được kiểm soát chặt chẽ; vẫn còn kẽ hở để cho cán bộ “lách” quy định.

Về hạn chế này, Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản cũng đã nêu rõ: “việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế”.

Theo báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của TP Hồ Chí Minh được công bố năm 2016, trong gần 10 năm qua chỉ có một trường hợp chuyên viên Đội Quản lý trật tự đô thị, thuộc phòng Quản lý Đô thị huyện Bình Chánh, bị phát hiện kê khai không trung thực về tài sản và thu nhập. Thông tin trên báo chí, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhìn nhận “việc kê khai tài sản của cán bộ chưa phát huy hiệu quả, nặng hình thức. Hiện, các đơn vị chỉ sử dụng bản kê khai khi có vấn đề phản ánh, tố cáo. Thậm chí, bản kê khai của cán bộ chưa được kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và thực tế, cũng như nguồn gốc tài sản”.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội ngày 28/10/2016 cho biết, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,1%; số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập là trên 1 triệu người. Số bản kê khai tài sản đã công khai trên 993.000 bản, đạt tỷ lệ gần 99%. Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực...

Trở lại câu chuyện tài sản “khủng” với hơn 11,78 triệu cổ phiếu DQC tương đương gần 700 tỷ đồng mà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu tại Công ty Điện Quang đã được khẳng định đó là số cổ phiếu “đã được kê khai đầy đủ”, “kê khai tài sản hàng năm”. Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi về sự minh bạch trong tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Và, khi dư luận đã hoài nghi thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề, trả lời cho dư luận: số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào?...

Giờ đây, có lẽ ai cũng mong chờ một kết quả rõ ràng, minh bạch đến từ các cơ quan chức năng. Sẽ rất hoan nghênh nếu đó là kết quả xứng đáng của một cán bộ, đảng viên biết làm ăn kinh tế hiệu quả, làm giàu cho nhà nước, cho tập thể và cho cá nhân. Nhưng dư luận và pháp luật cũng sẽ không dung thứ với những trường hợp lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính. Do đó, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu 8 cơ quan Trung ương, bộ, ngành kiểm tra, thanh tra, xem xét kết luận làm rõ thông tin về khối tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng và lòng mong đợi của nhân dân trong thời điểm này. 

Xung quanh vấn đề này, Tổng Bí thư cũng yêu cầu: “Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước”.

Lệnh của người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã phát ra. Rồi đây, những quy định sẽ có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp và nhân dân mong rằng sẽ không còn kẽ hở cho những kẻ cơ hội, lợi dụng, “lách luật” để trục lợi, tham nhũng./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực