Văn hóa làm nên thương hiệu và quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp

Thứ năm, 10/11/2016 14:31
(ĐCSVN) - Nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại Lễ phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tối 7/11, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp”.

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI cũng đã khẳng định: Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quả đúng như vậy, văn hóa của mỗi doanh nghiệp được thể hiện ở cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, trách nhiệm đối với môi trường, với xã hội… Tất cả những yếu tố đó tạo nên uy tín và thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Trong kinh doanh, các doanh nghiệp càng tạo dựng được uy tín với khách hàng bao nhiêu, càng có chỗ đứng vững chắc trong thị trường và càng phát triển bền vững bấy nhiêu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo).

Theo Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và bình quân mỗi ngày có khoảng trên dưới 300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nhưng cũng có hơn 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản. Vậy tại sao trong cùng một môi trường kinh doanh mà có doanh nghiệp tồn tại được, có doanh nghiệp lại phá sản?.

Ngoài nguyên nhân về tiềm lực kinh tế, vốn, câu trả lời phải chăng vẫn xoay quanh câu chuyện về văn hóa và uy tín của doanh nghiệp. Uy tín và thương hiệu là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp.Thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp cùng sản xuất ra mặt hàng nhưng doanh nghiệp này bán được hàng, doanh nghiệp kia lại không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ hàng rất chậm. Cùng một sản phẩm chất lượng như nhau, chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng của những doanh nghiệp luôn coi “khách hàng là thượng đế”, luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đó cũng là cách tạo dựng thương hiệu và uy tín, là văn hóa doanh nghiệp.

Trong thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu, cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp hiện nay, việc tạo dựng bản sắc, văn hóa riêng cho từng doanh nghiệp lại càng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa, uy tín và thương hiệu của mỗi doanh nghiệp không phải là chuyện dễ ngày một ngày hai có thể thực hiện được mà là cả một quá trình, được kiểm nghiệm và thử thách qua thời gian. Thực tế cho thấy, các thương hiệu lớn của Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay hầu hết đều có lịch sử phát triển lâu đời. Ngoài chú trọng tới chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp này còn biết quảng bá, xây dựng thương hiệu của mình thông qua các hoạt động xã hội hữu ích.Trong thời kỳ “nở rộ” hàng hóa như hiện nay chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu chụp giật, “ăn xổi” rất khó tồn tại được lâu dài và sớm muộn cũng bị người tiêu dùng "tẩy chay".

Văn hóa làm nên thương hiệu và cũng góp phần quan trọng quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong bài phát biểu tại Lễ phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: “Đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình”….và “doanh nghiệp đánh mất niềm tin với khách hàng là đánh mất tất cả”. “Văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng. Thực tế đã cho thấy, những doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp, biết hài hoà, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận có được với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững”.

Tuy nhiên, để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, điều quan trọng là phải xây dựng được đạo đức doanh nhân. Bởi doanh nhân chính là người chủ doanh nghiệp, người điều hành và quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp. Không thể có một doanh nghiệp tốt mà ở đó doanh nhân, người đứng đầu lại là người không có tâm và có tầm.  Mỗi doanh nhân khi đã xác định dấn thân phải ý thức sâu sắc điều này thì mới có thể chèo chống doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thử thách khắc nghiệt của thị trường để gây dựng nên thương hiệu, uy tín của riêng mình.

Là người đứng đầu, doanh nhân cũng chính là người truyền lửa cho nhân viên, những người trực tiếp làm ra sản phẩm, tạo dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, hơn ai hết, trước khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân - người chủ doanh nghiệp phải biết tự xây dựng văn hóa, đạo đức cho mình.

Nhân Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta cùng tự hào và tin tưởng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chú trọng xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế./.

Kim Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực