Vốn và lãi suất

Thứ bảy, 08/07/2017 19:57
(ĐCSVN) - Doanh nghiệp khó khăn về vốn đương nhiên ngân hàng phải cùng chung tay làm “bà đỡ”. Nhưng “bà đỡ” có mát tay hay không, ngoài việc đơn giản thủ tục hành chính, thì cần áp dụng mức lãi suất hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp luôn cần một mức lãi suất ngân hàng hợp lý. ( Ảnh: vietnamnet.vn)

Dù khác nhau về yếu tố sở hữu, nhưng tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại ở nước ta đều là chủ thể tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động...Từ khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là  6 tháng đầu năm 2017 đã có 61.276  doanh nghiệp thành lập mới và 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điều đáng nói, khi doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng, thì doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm. Tính đến năm 2016, cả nước chỉ còn 652 doanh nghiệp nhà nước.

Cộng tất cả lại, hiện cả nước có 600.000 doanh nghiệp, thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Nhìn vào số lượng thì rất hùng hậu, nhưng xét về chất thì chưa đúng như sự kỳ vọng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong số 600.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1/3 số doanh nghiệp nộp thuế thu nhập, tức là có lãi, hiệu suất sinh lời trên tài sản chỉ đạt 1,4%, trong khi đó tỉ lệ này ở khu vực FDI là 5,9%.

Doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều, nhưng tỷ trọng vốn lại quá ít. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 9,7 tỷ đồng.

Vốn ít và cũng không trường vốn dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn vay của ngân hàng là chính. Doanh nghiệp càng vay nhiều thì gánh nặng lãi suất ngân hàng càng tăng theo. Số liệu được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới công khai với báo chí cho biết: “... Phần lớn chi phí của doanh nghiệp hiện nay là về lãi suất ngân hàng, do vốn của  doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn vay. Tín dụng cho nền kinh tế hiện bằng khoảng 1,2 lần GDP, tương đương 6 triệu tỷ đồng. Lãi suất cho vay dài hạn với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là 6 - 9%, ngắn hạn là 9 - 11%/năm. Số chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay khá cao, lên tới 3 - 5%. Như vậy, “ước tính hệ thống ngân hàng đang thu từ nền kinh tế trên 200.000 tỷ đồng/năm, cao hơn toàn bộ số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách (188.000 tỷ đồng)”.

Doanh nghiệp khó khăn về vốn đương nhiên ngân hàng phải cùng chung tay làm “ bà đỡ”. Nhưng “ bà đỡ” có mát tay hay không, ngoài việc đơn giản thủ tục hành chính, thì cần áp dụng mức lãi xuất hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Và thông điệp giảm lãi suất cho doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi vào ngày 7/7/2017. Theo đó, từ ngày 10/7, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Dù việc giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay áp dụng với một số nhóm đối tượng chứ không “phủ sóng” đến tất cả 600.000 doanh nghiệp, nhưng nói không qúa việc giảm lãi suất cũng có thể ví như “ phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh để tạo ra lợi nhuận và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Vốn và lãi suất không chỉ là vấn đề riêng của doanh nghiệp mà nó là vấn đề chung của nền kinh tế. Nếu tất cả các doanh nghiệp “ sống khỏe”, chắc chắn kinh tế vĩ mô ổn định hơn, GDP tăng nhanh hơn, an sinh xã hội tốt hơn, việc làm cho người lao động nhiều hơn, v.v.   

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực