Xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại

Thứ tư, 09/10/2019 14:22
(ĐCSVN) - Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hà Nội đã giành được những thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Cách đây 65 năm, đúng ngày 10/10/1954, một sự kiện lịch sử vĩ đại đã diễn ra trên đất nước ta - đó là Uỷ ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn Nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng trào dâng của những người đã gần chín năm bị kìm nén sống dưới gót sắt của thực dân Pháp nay được giải phóng đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Vào hồi 15h cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản Thành phố. Ngày đó, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi trong thành phố. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Đây là một sự kiện lịch sử, hào hùng, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hà Nội đã giành được những thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thành tựu to lớn trong thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ 1954 đến 1975:

Trong 10 năm (1954 - 1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Một trong những nhiệm vụ cấp bách là xóa bỏ các tệ nạn xã hội của một đô thị bị thực dân chiếm đóng, cải thiện đời sống cho các tầng lớp nhân dân. Các khu công nghiệp mới ra đời, nhiều khu nhà tập thể được xây dựng. Ở vùng nông thôn ngoại thành, những tàn tích của chế độ chiếm hữu ruộng đất và bóc lột đã được xóa bỏ. Đi đôi với xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và chi viện cho miền Nam ruột thịt chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trong công nghiệp có phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì Huế - Sài Gòn kết nghĩa" được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cả Hà Nội đã sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước. Thanh niên Thủ đô dấy lên phong trào "Ba sẵn sàng"; phụ nữ Thủ đô có phong trào "Ba đảm đang" và đã nhanh chóng lan ra trở thành phong trào chung của cả nước, tập hợp, thôi thúc hàng triệu thanh niên nam, nữ miền Bắc lên đường với tinh thần như nhà thơ Tố Hữu viết: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Đến năm 1965, Hà Nội trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục ngày càng phát triển…

Ngày 29/4/1966, không quân Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, mở đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào Thủ đô. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quân và dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và quả cảm, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc, Thủ đô Hà Nội cùng với các quân chủng, binh chủng, các tỉnh, thành phố quật cường, sáng tạo, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chién lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không", bắn rơi 25 chiếc B52 và hàng chục máy bay các loại khác, bắt sống nhiều giặc lái. Chiến thắng đó là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp phần quan trọng đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân đội viễn chinh Mỹ về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta.

Sự đóng góp to lớn của quân và dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè trên thế giới khâm phục và ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người". Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Hà Nội cùng cả nước xây dựng đất nước trên đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi tình trạng bao vây cấm vận, đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc những thành quả của chủ nghĩa xã hội.

Thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhất là từ giai đoạn Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đến nay:

Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của Thủ đô, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện các nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết của Đảng bộ Thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân để đưa Thủ đô ngày càng phát triển. Theo phương châm "Hà Nội vì cả nước. Cả nước vì Hà Nội", Thủ đô đã mở rộng liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành khác. Kinh tế của Thủ đô liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp… phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh - quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị ở thủ đô không ngừng lớn mạnh; công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.

Đặc biệt thực hiện nghị quyết số 15-QĐ/QH của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008 đến nay, thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, toàn diện về tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2008 - 2017, kinh tế thủ đô phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41%/năm (dự kiến bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,54%). Năm 2018 GRDP tăng 7,61% với quy mô 906,5 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành và cách tính mới), cao hơn mức bình quân chung cả nước (7,08%). GRDP bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 3.043USD (gấp 2,5 lần so với 46,95% triệu đồng/ người vào năm 2010). Hà Nội đang tận dụng tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 chú trọng phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thủ đô. Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay Hà Nội có 6 huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất hoàn chỉnh hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Hà Nội đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung xây dựng nền nông nghiệp đô thị đặc trưng, hiện đại, trong đó chú trọng công tác chế biến, xuất khẩu để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thu, chi ngân sách trên địa bàn Thành phố đều đạt, vượt so với dự toán được giao, bình quân tăng 10,09%/năm. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, nâng cao và đổi mới, như: Giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí… An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên tinh thần chủ động nắm bắt và có giải pháp ngăn chặn từ sớm, không để bị động, bất ngờ và không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại, gây rối, bạo loạn chính trị; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị lớn của đất nước và các hoạt động quốc tế như là nơi đăng cai tổ chức cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đầu năm 2019 được nhân dân cả nước và các nước trên thế giới đánh giá cao.... Giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp về tôn giáo, tập trung đông người trái phép, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch luôn xác định Thủ đô Hà Nội là địa bàn trọng điểm. Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, như: Kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm mới, tội phạm lợi dụng công nghệ cao và tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Thành phố Hà Nội luôn chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại của đất nước; đi đầu trong các hoạt động đa phương, là một trong ba tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ, trong đó hợp tác chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả với nhiều thủ đô, thành phố các nước láng giềng, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng trên thế giới và khu vực. Do vậy Hà Nội luôn giữ được ấn tượng đặc biệt và có vị thế cao trong danh mục thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới về chiều sâu lịch sử và bản sắc văn hóa, về tuổi đời, về thành tích và chiến công. 

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nâng cao. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng của chính quyền điện tử cơ bản được hình thành, thúc đẩy công tác cải cách hành chính ngày càng có hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ, phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ Hà Nội đặc biệt quan tâm trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", chỉ đạo thực hiện nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); Quy định số 08-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương" đã đạt được những kết quả nổi bật. Đảng bộ các cấp Hà Nội cũng đang hưởng ứng và tích cực triển khai "Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền" để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ Thành phố và trước hết để chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp của Thành phố thành công tốt đẹp.

Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phát huy truyền thống hào hùng của 65 năm giải phóng, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa để đưa Thủ đô ngàn năm văn hiến phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại./.

TS. Bùi Thế Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực