Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản cuốn sách Chủ trương tổ chức mới của Đảng

Thứ hai, 16/09/2019 16:11
(ĐCSVN) - Đảng ta đổi sách lược (tactique) mà không thay đổi chiến lược (stratégie), vì đổi sách lược nên phải đổi đường lối tổ chức lại cho thích hợp với đường lối chính trị mới.

Vì vậy, ngày 26-3-1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xuất bản cuốn sách Chủ trương tổ chức mới của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đặt vấn đề: Tại sao phải đổi kế hoạch tổ chức? Đó là do "Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới”.

Đường lối chính trị mới của Đảng ta lúc này là: liên hiệp hành động với các đảng phái, các đoàn thể các tầng lớp nhân dân để thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân Đông Dương, chống bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai, đòi những quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời Đảng còn chủ trương liên hiệp hành động với các đoàn thể tả phái của người Pháp ở Đông Dương, chống phát xít chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do cơm áo và hoà bình.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhắc lại mục đích và nhiệm vụ của Đảng: “Chúng ta không bỏ chương trình và mục đích của mình, không bỏ nguyên tắc giai cấp tranh đấu, không thủ tiêu cách mạng phản đế và thổ địa, không lãng bỏ nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động dân tộc giải phóng; nhưng hiện thời Đảng ta và quần chúng chưa có những điều kiện khách quan và chủ quan đầy đủ mà thực hành ngay tức khắc, trực tiếp những nhiệm vụ vĩ đại quan trọng đó...”.

Về tổ chức Đảng, Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ: Phải nghiên cứu Điều lệ Đảng (nhất là những điều kiện vào Đảng) mà kết nạp đảng viên mới. Lúc này không hạn chế tuổi vào Đảng là cốt để cho những phần tử trẻ tuổi nhưng đủ điều kiện trở thành đảng viên có thể vào Đảng được. Đảng phải kết nạp những người có tinh thần cách mạng hăng hái trong nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân khác vào Đảng.

Tuy nhiên không bao giờ quên được rằng, Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng của giai cấp vô sản, phải chú ý kết nạp công nhân vào hàng ngũ của Đảng nhất là ở trong các cơ quan chỉ đạo; đưa những người hăng hái trong giới phụ nữ lao động, người nước ngoài và người các dân tộc thiểu số vào hàng ngũ của Đảng, phải đề phòng những phần tử phản động cơ hội vào hàng ngũ Đảng. Mỗi đảng viên là một người lãnh đạo quần chúng; vì thế những phần tử rụt rè, do dự, cơ hội, không thể dung thứ được trong Đảng. Đối với các hội quần chúng, Đảng là người chỉ đạo về đường lối chính trị. Vì thế, Đảng không có quyền và không nên mệnh lệnh, phải chỉ đạo các hội quần chúng bằng Đảng đoàn, không nên và không đủ năng lực mà bao biện hết các công tác nội bộ của quần chúng.

Về tổ chức thanh niên: Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập “Đông Dương Thanh niên Phản đế Đoàn" thay cho “Thanh niên Cộng sản Đoàn". Vì vậy, phải giúp Đoàn Thanh niên Phản đế tổ chức ra những đoàn thể: Thanh niên khai trí, thanh niên tân tiến, thanh niên dân chủ, thanh niên văn hoá, các hội mỹ thuật, hội thể dục, hội học sinh... nên tổ chức theo hình thức công khai và nửa công khai. Các hội ấy do Đoàn Thanh niên Phản đế trực tiếp tổ chức và chỉ đạo.

Về tổ chức công nhân: Nhiệm vụ của Đảng là tổ chức công nhân và lập Mặt trận Thống nhất của giai cấp vô sản, sử dụng hình thức công khai và nửa công khai mà tổ chức ra các hội ái hữu, tương tế để đoàn kết công nhân và bênh vực quyền lợi cho họ. Tuy tên là ái hữu và tương tế... nhưng nội dung và công tác Công hội, không lấy tên là Công hội đỏ mà lấy tên là Công hội thống nhất.

Về tổ chức nông dân: Hình thức tổ chức của nông dân là Nông hội. Đảng không chủ trương tổ chức Nông hội đỏ mà tuỳ sáng kiến của quần chúng mà lập ra những hội lấy tên là ái hữu, tương tế, hợp tác xã,... (nhưng nội dung là Nông hội) và bao gồm nông dân lao động (trung nông, bần nông và cố nông).

Về tổ chức phụ nữ: Phải chú ý kết nạp phụ nữ vào Đảng, Thanh niên Đoàn, Công hội, Nông hội, Hội Cứu tế bình dân,... cần lập ra những Hội Phụ nữ giải phóng, Phụ nữ dân chủ, Phụ nữ tân tiến, Phụ nữ hỗ trợ... và có thể thì thống nhất thành “Phụ nữ liên hiệp hội", chủ trương vận động phụ nữ trong địa phương và toàn xứ Đông Dương.

Về tổ chức binh lính: Từ Trung ương cho tới các tỉnh uỷ và ở các địa phương có lính đóng, cần lập ra các uỷ ban đặc biệt vận động binh lính. Đảng chủ trương tổ chức những chi bộ Đảng trong quân đội, đồng thời phải lập ra những Hội Thể thao, Văn hoá, Cứu tế, Ái hữu,..

Về Hội cứu tế bình dân: Đảng chủ trương thủ tiêu tên Hội Cứu tế đỏ, lập ra Hội “Đông Dương Cứu tế bình dân". Ngoài ra, Đảng phải lợi dụng các Hội Cứu tế, từ thiện... mà cứu giúp cho những người bị đế quốc và phong kiến đàn áp.

Cuối cùng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Nói chung thì về đường tổ chức, Đảng ta phải dùng nhiều hình thức mà đoàn kết dân chúng, nhưng Đảng phải lợi dụng đủ phương pháp mà giúp các hội quần chúng thống nhất tập trung lại”.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.506-510, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực