Chính phủ phát động phong trào toàn dân sản xuất, tiết kiệm

Thứ sáu, 18/10/2019 12:52
(ĐCSVN) - Để phát động phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi...

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ thực hiện khẩu hiệu:
“Thực túc binh cường”, và hằng ngày Người dành thời gian tăng gia sản xuất
(Ảnh: hochiminh.vn)

Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh".

Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ Trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, và địa phương căn cứ theo kế hoạch toàn quốc mà đặt kế hoạch thích hợp với địa phương mình, cho đến mỗi ngành, một gia đình, mỗi người sẽ có kế hoạch riêng của mình ăn khớp với kế hoạch chung… Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm muốn thành công cần ba điều kiện: thiên thời địa lợi, nhân hoà và nhân hoà là chính".

Người cổ vũ các phong trào thi đua và nhắc các địa phương cần theo dõi công tác tổng kết kinh nghiệm, đặc biệt kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân đơn vị có thành tích, thúc đẩy người lạc hậu. Người kêu gọi: "Một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấm vải phải đi thẳng đến chiến sĩ...".

Hưởng ứng chủ trương phát động đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm của Chính phủ, các Liên khu uỷ đều xây dựng kế hoạch sản xuất, tiết kiệm trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời phong trào đã nhanh chóng được toàn dân hưởng ứng.

Tháng 3-1952, nhân dân các tỉnh miền Bắc đã giành 1.200.000 ngày công đào đắp 690.000 m3 đất, sửa lại đê điều bị địch phá. Liên khu Việt Bắc phá hoang, tăng diện tích 2.014 ha trồng lúa; 2.510 ha trồng bông; 1.320 ha trồng lạc; 1.131 ha trồng đỗ tương. Các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ phục hồi nghề dệt vải tấm. Sáu tháng đầu năm 1952, 8 tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc khai thác 1.142 tấn lâm thổ sản các loại. Các tỉnh tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh mở cuộc "đại vận động sản xuất tiết kiệm". Trong năm 1952, Nghệ An đắp 290 đoạn đê, đào 70 con mương dẫn nước vào ruộng. Ở Hà Tĩnh, 6.908 mẫu ruộng được tưới nước thoát hạn. Trong năm 1952, bộ đội Liên khu V tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, giảm cho ngân sách 778 tấn gạo.

 

Ở Nam Bộ, phát động phong trào "tự lực cánh sinh về mọi mặt để đánh giặc", phong trào sản xuất tự túc ở các căn cứ địa Nam Bộ phát triển mạnh. Căn cứ miền Đông trồng được 4.000 ha lúa. Cơ quan Khu ở Đồng Tháp Mười trồng được 3.000 ha; bộ đội ở Long Châu Hà trồng hơn 100 ha; bộ đội Bà Rịa, Chợ Lớn đã tự túc được 64% lương thực. Miền Tây Nam Bộ tự túc được gạo và cá mắm cả năm 1952.

Cuộc vận động sản xuất, tiết kiệm trong cả nước đã thu được kết quả lớn. Giá cả ổn định hơn, giải quyết một phần tình hình khan hiếm lương thực. Nhà nước từng bước nắm trong tay một khối lượng lương thực, vật tư cần thiết bảo đảm cho cuộc chiến đấu ngày càng mở rộng.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.673-676, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực