Thành lập Hội truyền bá quốc ngữ

Thứ ba, 17/09/2019 15:37
(ĐCSVN) - Từ cuối năm 1937, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động lên cao, yêu cầu dạy và học chữ quốc ngữ ngày càng bức thiết. Xứ uỷ Bắc Kỳ chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ để mở rộng phong trào học chữ quốc ngữ một cách công khai hợp pháp.
Quang cảnh Lễ thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ, 5/1938
(Ảnh: baotanglichsu.vn)
 
Tháng 5-1938, các đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp cùng với một số nhân sĩ và trí thức tiến bộ đứng ra thành lập Hội truyền bá quốc ngữ. Hội bầu ông Nguyễn Văn Tố, một trí thức tiến bộ và có uy tín làm Hội trưởng. Chương trình của Hội là: mở các lớp học miễn phí cho tất cả những người không biết chữ, in sách giáo khoa phát cho người học.

Hệ thống tổ chức của Hội được xây dựng từ Trung ương tới địa phương, Ban liên lạc của Hội đặt tại số 4 phố Nguyễn Trãi - Hà Nội (nay là phố Nguyễn Văn Tố). Trụ sở chính của Hội đặt ở Hội quán Trí Tri số 47 Hàng Quạt và có chi nhánh ở các địa phương.

Ngày 25-5-1938, tại trụ sở Hội thể dục thể thao Hà Nội, Hội tổ chức một cuộc mít tinh lớn ra mắt quần chúng. Trước đông đảo người nghe, đồng chí Phan Thanh thay mặt Ban vận động Trung ương nói về nạn thất học và những mục tiêu, tôn chỉ của Hội.

Cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947)
Hội trưởng đầu tiên của Hội truyền bá Quốc ngữ
(Ảnh: baotanglichsu.vn)

Ngày 29-7-1938, thực dân Pháp phải cấp giấy phép hoạt động cho Hội, nhưng bắt đổi tên là Hội học chữ quốc ngữ. Do có sự lãnh đạo tích cực của Đảng và sự hưởng ứng nhiệt liệt của quần chúng, ảnh hưởng của Hội nhanh chóng lan rộng. Ngày 5-1-1939, Hội truyền bá quốc ngữ ở Trung Kỳ chính thức thành lập ở Nam Kỳ, Hội được thành lập theo giấy phép ngày 18- 8-1944.

Phong trào Truyền bá quốc ngữ phát triển rất nhanh chóng. Riêng ở Hà Nội trong hai năm 1938-1939 đã mở được bốn khoá học cho hơn 4000 người học, phần lớn là công nhân, nhân dân lao động.

Nhận định về phong trào này, Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ (tháng 8-1938) chỉ rõ đây thật là một công cuộc phát triển văn hoá quan trọng nếu thực hành được như điều lệ dự định của Hội, Đảng ta phải gắng sức lãnh đạo quần chúng và đòi hỏi Chính phủ phải giúp sức để thực hiện... Báo Tin tức, cơ quan công khai của Đảng ở Bắc Kỳ, đánh giá cao: Hội truyền bá quốc ngữ là trường học văn hoá rất rộng lớn và cũng là trường học yêu nước, yêu dân.

Phong trào Truyền bá quốc ngữ là tiền thân của phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hoá sau này.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.583-585, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực