Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1968)

Thứ ba, 22/10/2019 02:41
Chúng tôi xin trích đăng giới thiệu với bạn đọc một phần nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1968) - Hội nghị quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân năm 1968.
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân Giải phóng phá hủy (tháng 2-1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

….

Phương hướng và nhiệm vụ của ta trong thời kỳ mới

1. Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, đạt tới mục tiêu chiến lược mà Đảng ta đã đề ra là:

a) Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

b) Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam.

c) Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, còn ta thì bảo vệ được miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.

Trong quá trình phấn đấu để giành thắng lợi quyết định theo những mục tiêu chiến lược nói trên, ta sẽ làm cho lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của ta lớn mạnh vượt bậc, làm cho lực lượng địch tiếp tục suy yếu nhanh chóng, do đó mà bảo đảm cho ta có thể đối phó thắng lợi với bất cứ tình huống nào của cuộc chiến tranh.

2. Chúng ta tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa như thế nào?

Trước hết, cần nhận rõ rằng cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt và phức tạp, kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, thực hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược và phối hợp với tiến công ngoại giao. Đó là một giai đoạn bao gồm nhiều chiến dịch lớn của lực lượng vũ trang cách mạng ở các vùng chiến lược quan trọng kết hợp với những cuộc nổi dậy dưới nhiều hình thức của quần chúng nhân dân cách mạng ở các thành thị và vùng nông thôn còn tạm bị chiếm, bao gồm những cuộc công kích kết hợp với những cuộc khởi nghĩa tại "đô thành" của địch và các thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố X, Y, Z, nơi tập trung bộ máy quân sự và hành chính đầu não của địch.

Cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang trên các chiến trường chính và sự nổi dậy của nhân dân ở các thành thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ với nhau, trợ lực lẫn nhau và thúc đẩy toàn bộ cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa khắp cả ba vùng thành thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi. Đặc biệt, cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân ở các thành thị lớn là mũi nhọn thọc vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ chiến trường và toàn cuộc chiến tranh. Vì vậy, tất cả những cuộc công kích và khởi nghĩa ở các vùng khác trên chiến trường miền Nam đều có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các thành thị và trợ lực đầy đủ cho các cuộc công kích và khởi nghĩa ở các thành thị lớn.

Tổng công kích và tổng khởi nghĩa là một quá trình ta liên tục tiến công, truy kích, tiêu diệt và đánh đổ địch cả về quân sự và chính trị, đồng thời cũng là quá trình địch phản kích ác liệt để giành giật và chiếm lại những vị trí chiến lược quan trọng đã mất. Giai đoạn tổng công kích và tổng khởi nghĩa sẽ kéo dài trong một thời gian nào đó hoặc có thể rút ngắn hơn, điều ấy tuỳ thuộc vào sự cố gắng chủ quan của ta và sự đối phó của địch. Nhưng trong tình hình địch phải chuyển vào thế bị động phòng ngự và đang tiến thoái lưỡng nan về chiến lược như hiện nay thì những cố gắng chủ quan và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của ta có tác dụng quyết định trực tiếp.

3. Muốn thực hiện thắng lợi cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa, ta phải đủ sức mạnh về quân sự và chính trị, phải biết chọn đúng những hướng tiến công và những biện pháp tiến công chiến lược.

Ta tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa không phải trong điều kiện kẻ địch đã kiệt quệ trong một cuộc chiến tranh thế giới (như trong trường hợp Cách mạng tháng Mười Nga, hoặc Cách mạng tháng Tám của ta), mà là trong những điều kiện như sau: về mặt quân sự, địch còn trên một triệu quân và một tiềm lực chiến tranh lớn, nhưng đội quân đó đã liên tiếp thất bại về chiến lược và chiến thuật, quân số tuy đông nhưng tinh thần bạc nhược và bắt đầu suy sụp; về mặt chính trị, địch đang lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng, chúng tỏ ra không thể thống trị nhân dân miền Nam được nữa và nhân dân miền Nam cũng không chịu sống dưới ách thống trị của chúng nữa; trong khi đó, ta đang trên thế thắng và đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường; lực lượng vũ trang của ta đã lớn mạnh về mọi mặt, đội quân chính trị quần chúng của ta rất hùng hậu; đại bộ phận quần chúng nhân dân trong các vùng tạm bị chiếm đã được rèn luyện và thử thách qua nhiều năm đấu tranh gay go và đã tỏ rõ quyết tâm cách mạng rất cao.

Trong những điều kiện như vậy, về phương pháp, ta chủ trương không chỉ phát động tổng công kích, mà còn đồng thời phát động tổng khởi nghĩa, tức là dùng lực lượng vũ trang mạnh của ta đánh vào các binh đoàn chủ lực của địch, đánh mạnh vào "đô thành" và các thành phố khác, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở thành thị và các vùng nông thôn còn tạm bị chiếm nổi dậy khởi nghĩa, phối hợp với lực lượng vũ trang của ta để tiêu diệt và làm tan rã quân địch, đánh đổ các cơ quan đầu não của ngụy quyền, làm rối loạn và tê liệt đến tận gốc bộ máy chiến tranh của Mỹ và ngụy, biến hậu phương và dự trữ chiến lược của địch thành hậu phương và dự trữ chiến lược của ta, vừa liên tục tiến công tiêu diệt địch, vừa không ngừng phát triển lực lượng ta về chính trị và quân sự, làm thay đổi mau chóng lực lượng so sánh một cách có lợi cho ta, không có lợi cho địch và giành thắng lợi quyết định về ta.

Để thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, một mặt, phải sử dụng tốt nhất lực lượng vũ trang của ta, căng địch ra khắp chiến trường, phải biết điều động lực lượng quân sự của địch ra các chiến trường quan trọng và sử dụng những quả đấm mạnh đánh quỵ các binh đoàn chủ lực của địch, đồng thời biết kịp thời phản công tiêu diệt địch, bẻ gãy các cuộc phản kích của chúng; mặt khác, đòn chính của ta phải nhằm vào các thành thị quan trọng, kết hợp lực lượng xung kích về quân sự với lực lượng chính trị của quần chúng ở các thành thị và vùng nông thôn kế cận vùng dậy đánh sụp các cơ quan đầu não của Mỹ và ngụy, đánh phá các hậu cứ, các cơ sở hậu cần, các trung tâm thông tin và các phương tiện giao thông vận tải chiến lược của địch là những yếu tố vật chất không thể thiếu được trong bản thân sức mạnh của quân đội chính quy và hiện đại của Mỹ, đồng thời kêu gọi binh lính ngụy quay lại cùng với nhân dân khởi nghĩa. Đó là đòn ác liệt nhất đánh vào óc, tim, mạch máu của địch và cũng là cách đánh tốt nhất để thực hiện ba mũi giáp công trong cả ba vùng chiến lược, để tiêu diệt sinh lực địch đến mức cao nhất, làm sụp đổ chỗ dựa chính trị của địch và đè bẹp ý chí xâm lược của chúng.

4. Trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, phải nắm vững những phương châm và nguyên tắc như sau:

Về phương châm, chúng ta phải thực hiện đến mức cao nhất các mặt kết hợp và phối hợp sau đây:

- Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngụy vận, địch vận, thực hiện cho kỳ được khẩu hiệu "công nông binh liên hiệp".

- Kết hợp hoạt động ở cả ba vùng chiến lược: thành thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi, đặc biệt chú ý kết hợp chặt chẽ và khôn khéo hoạt động trong các thành thị với hoạt động ở các vùng nông thôn kế cận. Phối hợp nhịp nhàng kế hoạch hành động trong phạm vi từng vùng một và trên phạm vi toàn chiến trường.

- Ở thành thị, kết hợp lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị từ ngoài tiến công vào với sự nổi dậy mạnh mẽ dưới nhiều hình thức của hàng triệu quần chúng nhân dân trong thành phố.

- Kết hợp việc tiêu diệt và làm tan rã địch với việc tăng cường nhanh chóng lực lượng của ta cả về quân sự và chính trị, làm cho ta càng đánh càng mạnh và có thể đối phó một cách thắng lợi với mọi tình huống diễn biến của cuộc chiến tranh.

- Kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự, tiến công chính trị trong nước với tiến công ngoại giao.

- Phối hợp cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, thực hiện sự giúp đỡ nhau một cách thích hợp, làm cho địch không thể sử dụng được thế lực phản động ở Lào và Campuchia để chống lại phong trào cách mạng ở Việt Nam, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ và tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của phong trào nhân dân thế giới chống Mỹ xâm lược.

Nguyên tắc cơ bản cần nắm vững trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa là:

Tập trung lực lượng quân sự và lực lượng chính trị đến mức cao nhất, một cách hợp lý nhất, tiến công mãnh liệt vào những hướng chiến lược chính; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công, nhằm đúng vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định, giành cho kỳ được thắng lợi ở những nơi quyết định, phải tuyệt đối giữ cho được nhân tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản kích của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất.

Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tr 50, t.29.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực