Nghị quyết số 214-NQ/TW, ngày 1/3/1971 Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Thứ hai, 28/10/2019 17:21
(ĐCSVN) - Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã đánh giá thành tựu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong hơn 10 năm, đồng thời nhấn mạnh, "Phải động viên sự cố gắng cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên cả hai miền nước ta, ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến...".
Hội nghị nhận định, hơn 10 năm qua, miền Bắc "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng kỹ thuật là then chốt, - là nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Phần thứ nhất

KIÊN TRÌ VÀ ĐẨY MẠNH CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC,

RA SỨC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị toàn thể lần thứ 19 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam ta cũng như của nhân dân Lào và nhân dân Khơme đã giành được những thắng lợi rất to lớn; trên miền Bắc nước ta, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Hơn mười năm qua, đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ dã man đối với nước ta và gần đây đã mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Để thực hiện âm mưu duy trì ách thống trị thực dân kiểu mới của chúng ở miền Nam nước ta, bọn xâm lược Mỹ đã lần lượt áp dụng nhiều chiến lược khác nhau, sử dụng nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại. Nhưng chúng đã đi từ thất bại này đến thất bại khác.

Tiếp sau thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ huy động hơn một triệu quân, trong đó có hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ, hàng vạn quân chư hầu, tiến hành cuộc "chiến tranh cục bộ" với quy mô lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, để xâm lược miền Nam; đồng thời trắng trợn dùng không quân và hải quân thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại hết sức tàn bạo đối với miền Bắc nước ta.

Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: Không có gì quý hơn độc lập, tự do, có quyết tâm sắt đá và ý chí quyết chiến quyết thắng không gì lay chuyển nổi, đã kiên quyết đứng lên kháng chiến, tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân rất vĩ đại, đánh địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và đã lần lượt phá tan các chiến lược chiến tranh của địch. Đặc biệt trong dịp Tết Mậu Thân, quân và dân miền Nam anh hùng đã thừa thắng xông lên tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, thực hiện một cuộc tập kích chiến lược, giành được những thắng lợi rất oanh liệt, tạo ra sự thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường, có lợi cho nhân dân ta, không có lợi cho bọn xâm lược. Ở miền Bắc, với sức mạnh vô địch của chế độ xã hội chủ nghĩa và chiến tranh nhân dân, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tốt nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền đất nước thật là to lớn và có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Đế quốc Mỹ chẳng những bị thất bại nặng trên chiến trường mà còn gặp khó khăn rất lớn ở trong nước Mỹ và trên thế giới; nguỵ quyền Thiệu - Kỳ - Khiêm bị cô lập cao độ và lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc. Thế thua của chúng đã rõ ràng. Nhưng chính quyền Níchxơn lại ngoan cố thực hiện kế hoạch "Việt Nam hoá" chiến tranh, kéo dài chiến tranh xâm lược, hòng tạo ra một "thế mạnh" trong lúc buộc phải xuống thang. "Việt Nam hoá" chiến tranh là một âm mưu rất thâm độc và tàn bạo, nhưng chứa đầy mâu thuẫn và khó khăn mà chúng không thể khắc phục được. Cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường của đồng bào và chiến sĩ ta trên chiến trường miền Nam từ rừng núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, chứng tỏ rằng kế hoạch ấy đang bị đánh bại và nhất định sẽ bị đánh bại hoàn toàn.

Đứng trước nguy cơ phá sản của kế hoạch "Việt Nam hoá" chiến tranh, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh mở cuộc hành quân xâm lược Campuchia, tăng cường "chiến tranh đặc biệt" và nghiêm trọng hơn nữa, đang mở rộng chiến tranh xâm lược ở Lào. Chúng đã vấp phải tinh thần quật cường bất khuất của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, của khối đoàn kết chặt chẽ giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng ở mỗi nước. Phong trào cách mạng ở Lào và Campuchia đã có những bước phát triển vượt bậc và giành được những thắng lợi rất to lớn.

Trong thế bị động và thất bại, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai còn chuẩn bị những mưu đồ phiêu lưu quân sự mới đối với miền Bắc nước ta. Nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm chiến đấu cao, quân và dân ta nhất định đập tan mọi hành động phiêu lưu chiến tranh của chúng.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta, mặc dầu còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. Đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng ta đúng đắn, lực lượng vũ trang nhân dân của ta kiên cường, đánh giỏi và lớn mạnh, nhân dân ta một lòng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc; nhân dân các nước Đông Dương đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đồng tình và ủng hộ chúng ta. Đó là những nhân tố tất thắng của sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Hội nghị Trung ương nhiệt liệt biểu dương đồng bào, chiến sĩ cả nước và đảng viên toàn Đảng, đặc biệt là miền Nam anh hùng, đã chiến đấu, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta đến những thắng lợi rất vẻ vang.

Thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm rung chuyển nước Mỹ, gây ra cho chúng những khó khăn rất lớn về nhiều mặt. Sắp tới, chúng sẽ buộc phải tiếp tục rút thêm quân Mỹ về nước. Nhưng bản chất của chúng cực kỳ ngoan cố và hiếu chiến, chúng chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, vẫn mưu toan để lại một bộ phận quan trọng quân Mỹ làm chỗ dựa để thực hiện kế hoạch "Việt Nam hoá" chiến tranh; vẫn tiếp tục tăng cường chiến tranh xâm lược trên toàn cõi Đông Dương. Trên chiến trường miền Nam, chúng sẽ ráo riết "bình định" giành giật quyết liệt với nhân dân ta và phá hoại các vùng giải phóng; đồng thời, chúng sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới, tìm cách liều lĩnh mở những cuộc phản công cục bộ, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Chúng có thể dùng không quân đánh phá ác liệt từng đợt hoặc liên tục những trọng điểm quân sự, đầu mối giao thông, vận tải và một số khu vực kinh tế quan trọng, dùng biệt kích đánh phá hoặc tập kích bằng lực lượng bộ binh ở một số vùng trên miền Bắc nước ta.

Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc này.

Phải động viên sự cố gắng cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên cả hai miền nước ta, ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Quân và dân miền Nam phải đập tan kế hoạch "bình định", đánh bại kế hoạch "Việt Nam hoá" chiến tranh của địch, làm cho nguỵ quân, ngụy quyền phải sụp đổ và buộc đế quốc Mỹ phải rút nhanh, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam nước ta, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Quân và dân miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch, đập tan mọi hành động khiêu khích và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, hết lòng hết sức làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn; ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, làm tốt công tác trị an, củng cố miền Bắc về mọi mặt, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vì lợi ích dân tộc và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình, quân và dân ta luôn luôn kề vai sát cánh với nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em, tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nhân dân ta không ngừng phấn đấu góp phần tăng cường đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

*
*     *

Cũng hơn mười năm qua, nhân dân ta ở miền Bắc đã giành được những thắng lợi rất to lớn, lực lượng mọi mặt của ta lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dựa vào nền chuyên chính vô sản, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế quốc dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta - đảng của giai cấp công nhân Việt Nam - nhân dân lao động miền Bắc nước ta tiếp tục phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta là quá trình đấu tranh để cải tạo quan hệ sản xuất, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, là quá trình chuyển biến nền kinh tế quốc dân từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tổ chức và xây dựng nền kinh tế mới, chế độ xã hội mới, trấn áp những phần tử phản cách mạng và thù địch đối với chủ nghĩa xã hội, đấu tranh khắc phục những xu hướng tư bản chủ nghĩa tự phát và tàn tích của chế độ bóc lột, xoá bỏ dần những lề thói sản xuất nhỏ, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu. Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng kỹ thuật là then chốt, - là nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.

Trải qua thử thách lớn của chiến tranh, chế độ xã hội chủ nghĩa càng vững vàng, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được bảo vệ và trên một số mặt vẫn phát triển; tính ưu việt của chế độ ta, tác dụng vô cùng quan trọng của miền Bắc đối với sự nghiệp kháng chiến của cả nước đã phát huy mạnh mẽ.

Đường lối đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương về chuyển hướng kinh tế đã bảo đảm cho nhân dân ta giành thắng lợi trong những năm qua trên các mặt: giữ vững sản xuất, bảo vệ kinh tế, bảo đảm chiến đấu, chi viện miền Nam và tranh thủ viện trợ quốc tế. Chấp hành nghị quyết ấy, hàng triệu nam nữ thanh niên đã được động viên đi chiến đấu; lực lượng quốc phòng được tăng cường; giao thông vận tải được bảo đảm; kinh tế địa phương được phát triển; sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, đào tạo cán bộ và công nhân vẫn được đẩy mạnh. Chiến tranh có gây ra những khó khăn nhất định, nhưng ta đã cố gắng bảo đảm được các mặt: ăn, mặc, học tập, sức khoẻ, ổn định đời sống của nhân dân, tăng cường và bồi dưỡng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải qua nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế của ta cũng có một số khó khăn lớn: sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân giảm sút, hiện nay có tăng lên nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất và đời sống, chưa bảo đảm tái sản xuất mở rộng; năng lực tiềm tàng về lao động, thiết bị, vật tư chưa được sử dụng tốt và còn lãng phí nhiều, năng suất lao động và hiệu quả vốn đầu tư rất thấp. Vì vậy, nền kinh tế đang có tình trạng sản xuất chưa bảo đảm tiêu dùng, xuất khẩu quá ít, nhập khẩu quá nhiều, thị trường và giá cả chưa thật ổn định.

Những khó khăn đó do những nguyên nhân sau đây:

1. Nguyên nhân sâu xa và cũng là khó khăn lâu dài, miền Bắc nước ta từ một nền sản xuất nhỏ, lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cơ sở vật chất và kỹ thuật thấp kém; phải tạo ra nguồn vốn tích luỹ ban đầu, đồng thời phải thực hiện sự phân phối xã hội chủ nghĩa trong khi năng suất lao động còn thấp.

2. Trong chiến tranh, một số xí nghiệp công nghiệp quan trọng, nhiều cầu, đường, nhà cửa, công trình phúc lợi công cộng bị địch đánh phá, hư hại nhiều; sản xuất điện, than giảm sút nặng. Một lực lượng khá lớn lao động và cán bộ ở các cơ sở sản xuất đã được động viên cho mặt trận quân sự.

3. Về nguyên nhân chủ quan, chúng ta không thực hiện nghiêm ngặt chế độ quản lý kinh tế thời chiến, vận dụng chưa tốt những quy luật của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa hai con đường có những diễn biến phức tạp; chúng ta chỉ đạo cuộc đấu tranh đó bằng cách thiết thực đẩy mạnh ba cuộc cách mạng cũng không được chặt chẽ.

Công tác kế hoạch hoá và quản lý kinh tế còn ít kinh nghiệm, lại có nhiều thiếu sót, có hiện tượng vừa tập trung quan liêu lại vừa phân tán. Kỷ luật lao động, định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ hạch toán kinh tế bị buông lỏng, lãng phí nhiều lao động, vật tư, tiền vốn. Việc sửa đổi và bổ sung chính sách thường chậm trễ. Chế độ trách nhiệm không được đề cao, pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa được tăng cường đúng mức.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác tổ chức chưa gắn chặt với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và thực tế lao động sản xuất của quần chúng.

Phải khắc phục những khó khăn, thiếu sót nói trên, cố gắng phấn đấu để trong một thời gian ngắn, làm cho tình hình kinh tế trở lại bình thường. Kết quả đạt được và những tiến bộ trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1970 cho thấy rõ khả năng đó.

Ta đang có những thuận lợi cơ bản và những khả năng tiềm tàng to lớn:

- Chúng ta đã và đang đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; khí thế chiến thắng phải chuyển thành hành động cách mạng trong lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Tiềm lực kinh tế của ta được tăng thêm, lực lượng lao động xã hội và khả năng lao động dồi dào, thiết bị, vật tư tăng nhiều. Những năng lực ấy được động viên và sử dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả thì có thể tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân.

- Đội ngũ cán bộ của ta đã trưởng thành một bước, bao gồm lực lượng khá lớn cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế đã bước đầu có kinh nghiệm và đang cố gắng vươn lên làm tròn nhiệm vụ của mình.

- Sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em là lực lượng bổ sung to lớn giúp ta có thêm khả năng đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ bản, khôi phục và phát triển kinh tế.

Thấu suốt và vận dụng đúng đường lối chung của Đảng trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội và trong hoàn cảnh kháng chiến, phương hướng phát triển kinh tế phải thể hiện đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; xây dựng kinh tế trung ương, đồng thời phát triển kinh tế địa phương; kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá phải nhằm bảo đảm yêu cầu của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng và bảo vệ cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng cơ cấu sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị cho sự nghiệp phát triển kinh tế sau này.

Những mục tiêu cụ thể của mấy năm sắp tới là:

- Tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, bảo đảm tiêu dùng xã hội, tự giải quyết phần lớn các nhu cầu bình thường về đời sống, trước hết là lương thực, tạo nguồn vốn tích luỹ trong nước và nguồn hàng xuất khẩu để có điều kiện thực hiện tái sản xuất mở rộng, đưa nền kinh tế quốc dân đi vào thế phát triển cân đối tích cực và vững chắc.

- Động viên cho kháng chiến, tăng cường sức chiến đấu và chi viện đầy đủ, kịp thời cho chiến trường; xây dựng kinh tế phải gắn chặt với yêu cầu tăng cường quốc phòng trước mắt và lâu dài.

- Khôi phục các cơ sở kinh tế bị đánh phá, đồng thời xây dựng một số cơ sở mới cần thiết và thích hợp với hoàn cảnh cả nước còn có chiến tranh.

- Tăng cường quản lý lao động, đặc biệt là tăng cường kỷ luật lao động, phấn đấu tăng nhanh năng suất lao động, đẩy mạnh phân bố sức lao động xã hội, sử dụng hợp lý và bồi dưỡng sức lao động để phát triển sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

- Từng bước ổn định thị trường, giá cả, tiền tệ, lập lại thế cân đối giữa cung và cầu, giữa tiền và hàng, bảo đảm thu nhập thực tế của công nhân, viên chức, chăm sóc sức khoẻ, tổ chức tốt đời sống để bồi dưỡng sức lao động và sức chiến đấu của quân và dân ta.

- Tích cực chuẩn bị điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế trong những năm sau, từng bước xây dựng công nghiệp nặng và cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội nhằm tạo ra những cơ sở vững chắc của nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế trong ba năm (1971-1973) là tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng; khôi phục và phát triển công nghiệp nhẹ (bao gồm cả công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương); khôi phục và phát triển những ngành công nghiệp nặng chủ chốt phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng; khôi phục và phát triển giao thông vận tải phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sản xuất, xây dựng và đời sống.

Để đáp ứng những nhu cầu trước mắt và tạo dần thế cân đối mới trong bước đi ban đầu giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa các ngành kinh tế quốc dân, vấn đề cấp thiết là động viên và sử dụng tốt các năng lực sản xuất hiện có để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Để phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho bước công nghiệp hóa những năm sau, cần coi trọng khôi phục và phát triển một số ngành công nghiệp nặng quan trọng như than, điện, cơ khí (chế tạo và sửa chữa), phân bón, khai thác gỗ, xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác. Khôi phục và mở rộng các cơ sở công nghiệp cũ, cải tạo và đổi mới thiết bị, đồng thời xây dựng một số công trình công nghiệp mới để tạo ra khả năng tiến tới cân đối lại nền kinh tế quốc dân một cách tích cực và vững chắc, đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, tiến dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Kết hợp phát triển kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, phân bố hợp lý các ngành sản xuất chủ yếu theo vùng để phát huy từng bước thế mạnh của mỗi vùng và mỗi địa phương. Xúc tiến việc điều tra cơ bản, quy hoạch các ngành chủ yếu và phân vùng kinh tế để phát triển sản xuất theo hướng từng bước tập trung, chuyên môn hoá, dần dần hình thành các vùng vừa sản xuất chuyên môn hoá vừa kinh doanh tổng hợp. Đẩy mạnh xây dựng kinh tế trung ương với những ngành sản xuất chủ chốt của công nghiệp nặng và những xí nghiệp lớn của công nghiệp nhẹ, làm cho nó luôn luôn giữ vị trí quyết định trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, phát triển kinh tế địa phương, làm cho mỗi tỉnh, mỗi thành phố trở thành một đơn vị kinh tế vừa là bộ phận hợp thành của nền kinh tế chung, chịu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của trung ương, vừa có cơ cấu hợp lý trong phạm vi từng địa phương, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng mà nguyên liệu do địa phương cung cấp là chủ yếu và một số cơ sở sửa chữa, sản xuất tư liệu sản xuất cần thiết. Ở các tỉnh miền núi, cần coi trọng lâm nghiệp và công nghiệp chế biến lâm sản. Xây dựng kinh tế địa phương là một tất yếu khách quan đối với nước ta từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phải phân công lại lao động xã hội và tích luỹ vốn ban đầu bằng cách vừa tích tụ vừa tập trung.

Kết hợp chặt chẽ việc phát triển lực lượng sản xuất với củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, phát huy tính hơn hẳn của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Phải rất coi trọng phát triển lực lượng sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải... Trang bị đủ công cụ thường chất lượng tốt, công cụ cải tiến cho người lao động, trang bị nửa cơ giới, cơ giới và kỹ thuật hiện đại trong các ngành sản xuất, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị, máy móc; kết hợp các công tác nói trên với việc tăng cường kỷ luật lao động và đề cao ý thức bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Đó là biện pháp cơ bản để nâng cao năng suất lao động xã hội, từng bước đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và cũng là cơ sở để củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý kinh tế và chế độ phân phối hợp lý, củng cố chế độ công hữu; bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, kết hợp đúng đắn lợi ích chung của xã hội với lợi ích của tập thể và lợi ích của người lao động, làm cho người lao động gắn bó với xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, phấn khởi sản xuất, đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước và đối với tập thể. Bên cạnh thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa có ưu thế tuyệt đối trong nền kinh tế quốc dân, hiện nay còn một bộ phận nhỏ kinh tế cá thể trong nông nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Vận động những người còn làm ăn riêng lẻ tự nguyện tham gia các hình thức kinh tế tập thể, chuyển số người buôn bán nhỏ không cần thiết sang sản xuất. Đối với những người sản xuất cá thể còn lại thì Nhà nước cần quản lý tốt thông qua những biện pháp đăng ký, những chính sách về giá và thuế hợp lý để củng cố thị trường xã hội chủ nghĩa.

NHỮNG  NHIỆM VỤ KINH TẾ CỤ THỂ TRONG BA NĂM (1971 - 1973)

1. Tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện đi đôi với thâm canh, chuyên canh trên cơ sở phân vùng, đi dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ cấp bách của nông nghiệp là giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, đẩy mạnh sản xuất thực phẩm và đưa nhanh chăn nuôi lên thành một ngành chính. Phát triển cây công nghiệp để tiến lên giải quyết vấn đề mặc, cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản để xuất khẩu. Mở rộng các ngành, nghề và các cơ sở thủ công ở nông thôn và trong hợp tác xã nông nghiệp.

Trên cơ sở nghiên cứu đất đai, khí hậu, các điều kiện kinh tế, kỹ thuật của ta và tranh thủ sử dụng khoa học, kỹ thuật thế giới, xuất phát từ những nhu cầu trước mắt và lâu dài của nền kinh tế quốc dân, tiến hành từng bước sự biến đổi cách mạng trong cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi, trước mắt là cơ cấu trồng trọt trên các vùng khác nhau. Từng bước chuyên môn hoá sản xuất ở đồng bằng trên cơ sở xác định phương hướng sản xuất của từng tỉnh, huyện, đến hợp tác xã, hình thành những vùng trọng điểm có năng suất và sản lượng hàng hoá cao. Đồng thời mở những vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi để phát triển trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Củng cố chi bộ nông thôn, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng xã viên, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, gây thành cao trào thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm. Cải tiến hệ thống quản lý nông nghiệp, chú trọng quản lý tốt các hợp tác xã; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp. Phấn đấu tăng nhanh năng suất lao động, tăng nhanh sản lượng và hiệu quả kinh tế trong trồng trọt và chăn nuôi.

2. Nhanh chóng khôi phục sản lượng than bằng cách đẩy mạnh tốc độ khảo sát, thiết kế, xây dựng các mỏ than và tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế; thi hành chính sách sử dụng hợp lý và tiết kiệm than. Khôi phục và xây dựng các nhà máy điện để tăng nhanh sản lượng điện, cải tiến việc phân phối điện và quản lý việc tiêu dùng điện một cách triệt để tiết kiệm nhằm bảo đảm ưu tiên cung cấp năng lượng cho những ngành công nghiệp chủ chốt và sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh luyện kim, chú trọng hợp kim; phát triển ngành cơ khí đi dần vào tập trung, chuyên môn hoá, hiệp tác hoá, chuẩn bị điều kiện cho bản thân ngành cơ khí và cho nền kinh tế quốc dân tiến lên sản xuất lớn. Đẩy mạnh sản xuất phụ tùng và thiết bị, sửa chữa thiết bị, nâng cao chất lượng chế tạo cơ khí, phục vụ thiết thực sản xuất nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải. Cải tiến cách tính sản lượng cơ khí và có chính sách hợp lý về giá bán sản phẩm cơ khí.

Đẩy mạnh khai thác, bảo quản và chế biến gỗ, tăng cường công tác quy hoạch, thiết kế và quản lý các lâm trường, củng cố và mở mang các lâm trường nam Khu IV cũ; mở rộng việc chế biến gỗ nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng và lợi dụng tổng hợp, tiết kiệm gỗ trong sản xuất và xây dựng cơ bản.

Khôi phục Nhà máy xi măng Hải Phòng và xây dựng thêm nhà máy xi măng mới. Mở rộng sản xuất vôi tập trung, quy mô lớn, đồng thời giúp đỡ những cơ sở có điều kiện sản xuất tại chỗ, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng và cải tạo đất. Phát triển sản xuất gạch, ngói,sứ cách điện, sứ vệ sinh, kính xây dựng và thuỷ tinh dân dụng; đẩy mạnh khai thác đá, cát, sỏi.

Mở rộng Nhà máy phân lân Lâm Thao, phát triển các loại phân lân khác và apatít nghiền, xây dựng lại Nhà máy phân đạm Bắc Giang; chuẩn bị xây dựng thêm một, hai nhà máy phân đạm và một số nhà máy hoá chất cơ bản.

Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, trước hết là hoa màu (sắn, khoai...), chế biến bột mì, đậu phụ, nước chấm; khôi phục và mở rộng các nhà máy đường, phát triển việc chế biến men dùng vào việc làm thức ăn cho gia súc, sản xuất mì chính. Chú trọng đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng các loại sản phẩm chè, rượu, thuốc lá, tinh dầu ăn, các loại rau quả hộp, thịt ướp đông và thịt chế biến.

Khôi phục và phát triển sản lượng cá biển và các hải sản khác. Nghiên cứu và quy định điều lệ của hợp tác xã nghề cá và của hợp tác xã vừa trồng trọt vừa đánh cá. Củng cố ngành hải sản và các hợp tác xã nghề cá. Nghiên cứu chính sách giá cả thu mua cá và tăng cường giáo dục ý thức về trách nhiệm bán cá cho Nhà nước.

Khôi phục nhanh và phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng để phục vụ đời sống nhân dân, tăng thêm nguồn hàng công nghiệp trao đổi với nông dân, tập trung được nhiều nguồn hàng lương thực, thực phẩm và nông sản khác, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn tích luỹ cho ngân sách nhà nước.

Khôi phục và mở rộng Nhà máy dệt Nam Định, sử dụng hết năng lực sản xuất của Nhà máy dệt 8-3, xây dựng thêm một nhà máy dệt mới và chuẩn bị xây dựng Nhà máy sợi Vixcôdơ. Khôi phục Nhà máy giấy Việt Trì và xây dựng thêm một số xưởng giấy nhỏ, chuẩn bị xây dựng nhà máy giấy mới quy mô lớn. Chuẩn bị những cơ sở sản xuất máy khâu, quạt bàn, đồng hồ, lắp ráp máy thu thanh, đẩy mạnh sản xuất các đồ dùng gia đình khác.

Khai thác khả năng to lớn của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Cung cấp nguyên liệu và trang bị kỹ thuật cho các hợp tác xã, giải quyết tốt một số chính sách về cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, về giá cả... để khuyến khích phát triển sản xuất, thu hút thêm sức lao động xã hội còn nhàn rỗi vào sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu phân tán, tăng thêm của cải xã hội. Có kế hoạch củng cố các hợp tác xã thủ công, các tổ sản xuất, bảo đảm quản lý tốt và phát triển sản xuất đúng hướng.

3. Để phục vụ kịp thời nhu cầu của tiền tuyến, sản xuất xây dựng và đi lại của nhân dân, cần khẩn trương khôi phục và phát triển ngànhgiao thông vận tải, khôi phục cầu đường và sửa chữa phương tiện, khai thác tốt hơn năng lực vận tải hiện có, tích cực sản xuất những phương tiện và phụ tùng vận tải, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống. Khôi phục nhanh và đẩy mạnh vận tải đường sắt, khôi phục năng lực vận chuyển và tốc độ chạy tàu đạt và vượt mức trước chiến tranh phá hoại. Phát triển vận tải đường sông và ven biển, đường vận tải biển đi nước ngoài. Tổ chức lại theo hướng tập trung và chuyên môn hoá ngành vận tải ôtô, sắp xếp lại các lực lượng vận tải ôtô đường dài và đường ngắn, bảo đảm xe chạy hai chiều và sử dụng hết công suất của xe. Sử dụng hợp lý những năng lực vận tải còn bị lãng phí nhiều, tăng cường thiết bị, cải tiến tổ chức việc bốc dỡ hàng. Xếp đặt lại mạng lưới vận tải cho hợp lý theo quy hoạch thống nhất, tổ chức tốt liên hiệp vận tải giữa đường sắt, đường thuỷ và đường bộ. Phát triển và cải tiến giao thông, vận tải ở nông thôn, ở miền núi, trang bị và sử dụng, quản lý tốt các loại phương tiện thô sơ, cải tiến, nửa cơ giới và cơ giới.

Tăng cường và cải tiến các loại phương tiện thông tin liên lạc cho ngành bưu điện để phục vụ nhanh và tốt hơn cho chiến đấu, sản xuất và lãnh đạo. Cải tiến bộ máy và chế độ quản lý ngành bưu điện, bảo đảm tập trung thống nhất và tiết kiệm. Giáo dục và tổ chức tốt để cán bộ, nhân viên bưu điện chấp hành đúng luật lệ và phục vụ đắc lực hơn.

4. Xây dựng cơ bản là một trong những khâu rất quan trọng trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, cần được mở rộng và phát triển với tốc độ cao. Phải khôi phục và cải tạo xong các xí nghiệp bị đánh phá, hoàn thành nhanh các công trình xây dựng dở dang, xây dựng các công trình thiết bị toàn bộ đã ký nhập trong những năm qua, cố gắng xây dựng xong và đưa vào sản xuất một số công trình công nghiệp quan trọng có tác dụng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đẩy mạnh xây dựng cơ bản thuỷ lợi. Xây dựng một số vùng kinh tếmới ở trung du, miền núi và những cơ sở chăn nuôi. Khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc, chú trọng hệ thống thông tin kinh tế và thông tin quân sự. Bảo đảm kho chứa cho các thiết bị, vật tư, hàng hoá. Tích cực giải quyết các nhu cầu về nhà ở, nước dùng ở những khu công nghiệp và thành phố, khôi phục và xây dựng thêm một số trường học, cơ sở y tế và bệnh viện.

Từng bước xếp đặt lại lực lượng xây dựng theo hướng tập trung, chuyên môn hoá (kể cả thiết kế, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật xây dựng), tiến tới công nghiệp hoá ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Phấn đấu hạ giá thành, chống lãng phí lao động, vật tư, tiền vốn.

5. Tạo ra nguồn hàng để đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt mức kim ngạch xuất khẩu trước chiến tranh, trước mắt dựa vào nguồn hàng nông sản và nông sản chế biến là chủ yếu, hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp. Có quy hoạch phát triển, trên cơ sở những vùng chuyên canh những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại nguồn ngoại tệ cao. Có chính sách khuyến khích xuất khẩu, giao nghĩa vụ cho các ngành, các xí nghiệp, các địa phương đóng góp một khối lượng hàng xuất khẩu nhất định đúng phẩm chất, đúng quy cách. Điều chỉnh giá hàng xuất khẩu; có thưởng và phạt trong việc thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu. Phải quản lý tốt nhập khẩu bằng vốn viện trợ và vay cũng như bằng mua bán. Giảm dần việc nhập hàng tiêu dùng, phụ tùng và thiết bị lẻ bằng cách phát triển sản xuất trong nước để thay thế; hàng nhập chủ yếu là những thiết bị quan trọng, những thiết bị cho ngành cơ khí để phát triển mạnh năng lực chế tạo, những nguyên liệu và một số phụ tùng, thiết bị lẻ mà hiện nay ta chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đủ. Nghiên cứu kỹ việc nhập thiết bị và kỹ thuật tiên tiến để có công suất cao và hiệu quả nhanh.

Dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa anh em, xúc tiến lập quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật với các nước khác để tranh thủ kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài, đẩy nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học, kỹ thuật của nước ta. Nêu cao tinh thần phấn đấu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, khắc phục mọi biểu hiện ỷ lại vào viện trợ quốc tế và sử dụng lãng phí nguồn vốn, thiết bị và vật tư viện trợ.

6. Phân bố và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tốt nhất lực lượng lao động xã hội, theo hướng khôi phục và phát triển các ngành kinh tế quốc dân và xây dựng những vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi; phân bố hợp lý sức lao động giữa kinh tế và quốc phòng. Điều chỉnh sức lao động xã hội theo hướng giảm lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp sản xuất, tinh giản bộ máy quản lý nhà nước; mở rộng phân công lao động mới trong nông nghiệp, tăng lao động cho ngành chăn nuôi, nghề rừng, trồng cây công nghiệp, ngành xây dựng, ngành khai thác gỗ và một số ngành công nghiệp đang phát triển. Nêu cao nghĩa vụ lao động của mọi công dân, sắp xếp việc làm hợp lý cho những người yếu sức, tạo điều kiện cho mọi người đều làm việc. Kết hợp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với các biện pháp kinh tế, tổ chức, kỷ luật, pháp luật, đồng thời giải quyết tốt các chính sách, chế độ về đời sống, bồi dưỡng sức lao động, nhất là đối với những người làm việc nặng nhọc và những người có trình độ kỹ thuật khá, có năng suất cao. Cải tiến tổ chức lao động, thực hiện phổ biến các định mức, bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, cải tiến quản lý lao động trong khu vực tập thể. Chăm sóc tốt và tạo điều kiện để sử dụng tốt hơn lực lượng lao động nữ. Nắm vững nguyên tắc phân phối theo lao động thông qua chế độ trả lương theo sản phẩm, trả lương giờ ở các xí nghiệp, chế độ ba khoán có thưởng phạt theo định mức ở các hợp tác xã nông nghiệp và chế độ tiền thưởng để động viên mọi người làm hết sức mình, làm đủ ngày công, giờ công theo chế độ của Nhà nước và của hợp tác xã, bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý hiện có, đồng thời mạnh dạn đào tạo đi trước một bước theo quy hoạch và kế hoạch dài hạn phù hợp với phương hướng phát triển của các ngành kinh tế quốc dân; chú trọng đào tạo. Bồi dưỡng cán bộ dân tộc ít người và cán bộ của hợp tác xã. Nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý và sử dụng tốt lực lượng lao động, nhất là lao động có kỹ thuật; tiêu chuẩn hoá công việc và định mức lao động, khôi phục và vượt mức năng suất lao động trước chiến tranh phá hoại trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải...,nhanh chóng tăng năng suất lao động xã hội.

7. Tạo ra nguồn tích luỹ ban đầu để xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ cấp thiết và gian khổ trong điều kiện của ta. Trên cơ sở phấn đấu phát triển sản xuất và mở rộng lưu thông, tăng năng suất lao động xã hội và giảm tiêu hao vật chất trong sản xuất, hạ giá thành và phí lưu thông, khôi phục và nâng cao mức tích luỹ trong nước, tăng nguồn thu và tích luỹ cho Nhà nước từ khu vực kinh tế quốc doanh và bằng cách tích cực thu các loại thuế (thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp) đối với kinh tế tập thể và kinh tế cá thể; tích cực thu nợ cho Nhà nước. Giảm đến mức thấp nhất tiêu hao vật chất trong sản xuất, đó là hướng phấn đấu có ý nghĩa kinh tế quan trọng hiện nay, từ đó mà có thể tăng nhanh hiệu quả kinh tế, sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân. Tập trung thích đáng nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, phát triển sản xuất, phát triển khoa học, kỹ thuật và văn hoá, giáo dục, bảo đảm các yêu cầu quốc phòng, bảo đảm đời sống nhân dân. Thi hành nghiêm ngặt chính sách tiết kiệm và chế độ hạch toán kinh tế, tích cực đấu tranh để xoá bỏ tình trạng kinh doanh bị lỗ và bảo đảm nâng cao hiệu quả tiền vốn, sửa chữa những lệch lạc về chính sách bù lỗ và cho vay không có tác dụng khuyến khích sản xuất. Phấn đấu cân bằng ngân sách một cách tích cực; phấn đấu bội thu tiền mặt từng năm để thu hết tiền thừa trong lưu thông, tiến tới cân đối thu chi tiền tệ một cách tích cực.

8. Coi trọng việc tổ chức tốt đời sống nhân dân, bảo đảm thu nhập thực tế của công nhân, viên chức, bồi dưỡng sức dân, cải tiến các tổ chức phục vụ về ăn, chú trọng đúng mức về nhà ở, đi lại, học tập, sức khoẻ, may mặc. Các cơ quan chính quyền, các đoàn thể nhân dân và ngành y tế cần phối hợp làm tốt các công tác bảo hộ lao động, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, thể dục, vệ sinh và vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Các tổ chức thương nghiệp phải phấn đấu mở rộng kinh doanh và cải tiến phục vụ thu mua và phân phối tốt, nhất là lương thực, thực phẩm và các loại nông sản.  các thành phố và khu công nghiệp, mở rộng và cải tiến mạng lưới ăn uống công cộng, cung cấp lương thực, thực phẩm và các mạng lưới phục vụ khác. Ở nông thôn, cải tiến việc phân phối tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng để trao đổi nông sản; đồng thời quan tâm đến đời sống của những gia đình không có nông sản bán cho Nhà nước mà có lý do chính đáng. Ở miền núi, phải giải quyết tốt hơn các vấn đề học và chữa bệnh, đặc biệt giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao có đủ nước dùng và có thêm điều kiện chống rét và phòng bệnh. Phấn đấu bảo đảm cung cấp những mặt hàng thiết yếu theo tiêu chuẩn định lượng hiện nay với giá cả ổn định, điều chỉnh và mở rộng hợp lý các hoạt động phúc lợi xã hội. Thi hành chính sách giá đúng đắn nhằm kiên quyết đấu tranh chống bọn đầu cơ, buôn lậu, ổn định thị trường và giá cả, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tập trung nguồn hàng vào Nhà nước và cải thiện từng bước đời sống nhân dân. Cán bộ, nhân viên ngành thương nghiệp và các ngành phục vụ đời sống phải phát huy hơn nữa tinh thần phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ, năng lực tổ chức và quản lý, kiên quyết ngăn ngừa và khắc phục tệ tham ô, lãng phí, quan liêu và thái độ cửa quyền, làm sai chính sách và chế độ của Nhà nước.

Phần thứ hai

RA SỨC PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP,

CỦNG CỐ QUAN HỆ SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NÔNG THÔN

Thắng lợi cơ bản có ý nghĩa lịch sử đối với nông thôn và nông nghiệp là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp đã hình thành, đang được cải tiến và củng cố từng bước; lao động nông nghiệp bước đầu được tổ chức và phân bố lại; cơ sở vật chất - kỹ thuật đang được xây dựng; việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất có nhiều tiến bộ. Trong những năm gần đây, mặc dầu chiến tranh phá hoại ác liệt và thiên tai liên tiếp, phần lớn lực lượng lao động trẻ, khoẻ và cán bộ có kinh nghiệm đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nhưng sản xuất và đời sống của nông dân nói chung được giữ vững. Những điển hình sản xuất giỏi, quản lý tốt, những điển hình năng suất cao ở ruộng thâm canh đối với nhiều loại cây trồng, xuất hiện ngày càng nhiều. Giai cấp nông dân tập thể đã hình thành và ngày càng lớn mạnh, làm cho sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân ta ngày càng tăng, liên minh công nông thêm vững chắc. Nông thôn hợp tác hoá của ta đã giữ vững sản xuất trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiên tai dồn dập, góp phần xứng đáng vào việc đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, củng cố hậu phương lớn và làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn.

Tuy nhiên, nông nghiệp của ta cũng có nhiều nhược điểm và khuyết điểm. Sản xuất nông nghiệp phát triển chậm, có những mặt trì trệ hoặc sút kém, không bảo đảm được những nhu cầu cấp thiết của đời sống nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản để xuất khẩu. Mặc dầu nông dân đã được tổ chức lại và sau mười năm làm ăn tập thể, nhưng số hợp tác xã sản xuất và quản lý khá vẫn ít, số hợp tác xã yếu kém còn nhiều, trình độ sản xuất nông nghiệp của ta về căn bản vẫn còn tính cách tự cấp tự túc, sản xuất nhỏ theo lối thủ công, năng suất lao động rất thấp và khối lượng sản phẩm hàng hoá còn ít.

Cuộc đấu tranh để đưa nông nghiệp và nông thôn từ sản xuất nhỏ lạc hậu theo lối thủ công tiến lên nền nông nghiệp sản xuất lớn và nông thôn xã hội chủ nghĩa, giải quyết dứt khoát vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường, là cuộc phấn đấu lâu dài, chúng ta không được mơ hồ và lơi lỏng trong việc đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở nông thôn.

Bên cạnh những khó khăn do thiên tai liên tiếp và do chiến tranh gây ra, những khuyết điểm chủ quan sau đây đã làm khó khăn tăng lên và hạn chế thắng lợi:

1. Việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về nông nghiệp có nhiều thiếu sót. Vì không thấy rõ yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện và tiến dần lên sản xuất lớn, cho nên việc điều tra cơ bản, việc quy vùng phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế miền núi và trung du, v.v. đã được đề ra từ lâu nhưng thực hiện chậm. Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp, việc nghiên cứu và phát triển khoa học, kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thay đổi cơ cấu của nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp đi vào chuyên canh, thâm canh, cũng có nhiều khuyết điểm. Hiệu quả vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp và lãng phí nhiều.

2. Chưa làm tốt việc củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Vì không nắm vững nội dung cuộc đấu tranh để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa và không thấy hết những khó khăn trong bước đầu xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, một số địa phương chưa coi trọng đúng mức việc kiểm tra và giúp đỡ các hợp tác xã xây dựng kinh tế tập thể, phát triển sản xuất, tăng cường quản lý. Ở nhiều hợp tác xã, thu nhập từ kinh tế tập thể giảm sút, quyền làm chủ tập thể của xã viên không được tôn trọng, tệ lấn chiếm ruộng đất, tham ô, lãng phí đã xảy ra, phân phối trong nội bộ hợp tác xã không được công bằng làm cho xã viên kém phấn khởi, chưa thật sự gắn bó với hợp tác xã.

3. Một số chính sách (thu mua nông sản, giá nông sản, giá tư liệu sản xuất, chính sách lương thực, v.v.) chưa thể hiện đầy đủ yêu cầu khuyến khích và động viên mọi người hăng hái lao động phát triển kinh tế tập thể, phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, phát triển ngành nghề, bán nhiều nông sản và làm đầy đủ mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước. Chính sách đầu tư vào nông nghiệp chưa thúc đẩy mạnh mẽ nông dân tập thể nêu cao tinh thần tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Việc chấp hành chính sách cũng còn nhiều thiếu sót. Nhiều hợp tác xã đã vay vốn của Nhà nước để dùng vào những việc phi sản xuất.

4. Tổ chức chỉ đạo và quản lý nông nghiệp từ trung ương đến các cấp phân tán, thiếu hiệu lực, nặng về hành chính sự vụ, ít chú ý về kinh tế và phát huy sức sáng tạo của cơ sở. Việc bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý nông nghiệp cũng chưa được tốt. Phần lớn cán bộ làm việc ở các cơ quan hành chính hoặc nghiên cứu ở trung ương và cấp tỉnh, ít nhiều tách rời sản xuất và tình hình thực tế ở cơ sở, số cán bộ về giúp các hợp tác xã rất ít; một số cán bộ không được sử dụng đúng ngành nghề. So với yêu cầu phát triển nông nghiệp thì lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật hiện nay thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật.

5. Chưa làm tốt công tác xây dựng Đảng và giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng nhằm xây dựng nền nếp, tác phong của con người mới xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống những khuynh hướng muốn trở lại con đường làm ăn riêng lẻ, những khuynh hướng tư bản chủ nghĩa tự phát và những tư tưởng, tập quán lạc hậu của xã hội cũ. Công tác xây dựng Đảng có những biểu hiện chưa gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, nhiều chi bộ chưa thật sự là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức và động viên quần chúng thực hiện ba cuộc cách mạng ở nông thôn. Năng lực của cán bộ, đảng viên còn thấp, lại có một số thiếu gương mẫu trong lao động sản xuất, chấp hành chính sách và sinh hoạt, do đó tác dụng làm trung tâm đoàn kết, động viên, lãnh đạo quần chúng chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước còn bị hạn chế.

6. Công tác pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm hướng mọi người phát huy việc tốt, ngăn chặn những hành động sai chính sách, trái pháp luật, trừng trị những kẻ phạm pháp, cũng chưa làm được tốt.

*
*    *

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi nông nghiệp cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu của quân đội và nhân dân; bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp và sản xuất được nhiều nông sản xuất khẩu để đổi lấy vật tư, thiết bị máy móc; cung cấp đủ nhân lực cho chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cho công nghiệp và các ngành khác. Trong tình hình nước ta, phát triển sản xuất nông nghiệp chẳng những để bảo đảm đời sống nhân dân, làm cơ sở cho công nghiệp phát triển mà còn nhằm thực hiện hậu cần tại chỗ, phục vụ quốc phòng một cách vững chắc.

Phương hướng lãnh đạo nông nghiệp trước mắt là: phấn đấu để phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, đưa nông nghiệp từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa một cách tích cực và có kế hoạch. Phương hướng lãnh đạo đó nhằm biến đổi cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng và phải được thể hiện cụ thể ở phương hướng sản xuất, ở các biện pháp cơ bản và tổ chức quản lý từ trung ương đến cơ sở để thực hiện phương hướng sản xuất. Phải trên cơ sở đất đai, thời tiết, khí hậu, khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật, khả năng lao động mà mở mang nông nghiệp trên cả ba vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh, thâm canh nhằm phát huy thế mạnh của mỗi vùng. Không những chú trọng thâm canh hai triệu hécta đất đang canh tác, còn phải tích cực mở các vùng kinh tế mới một cách có kế hoạch với phương hướng sản xuất đúng, cách thức tổ chức thích hợp, với số lượng thích đáng về lao động, lương thực, phương tiện cơ giới... Quy hoạch các vùng trọng điểm sản xuất lúa, màu, cây công nghiệp để đầu tư thích đáng, nhằm tăng nhanh sản lượng cây trồng, năng suất lao động và tỷ suất hàng hóa. Đưa chăn nuôi lên thành một ngành chính, một ngành kinh tế tương đối độc lập có ảnh hưởng qua lại với trồng trọt; củng cố phương thức chăn nuôi hiện có, đồng thời mạnh dạn áp dụng phương thức chăn nuôi mới, tập trung theo lối công nghiệp.

Trong ba năm trước mắt, nông nghiệp phải vươn lên thực hiện cho được những nhiệm vụ sau đây:

- Giải quyết về cơ bản nhu cầu lương thực trong nước.

- Phát triển mạnh chăn nuôi và xây dựng những cơ sở bước đầu cho chăn nuôi lớn.

- Xây dựng một số vùng kinh tế mới, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, phát triển nghề rừng, tạo cơ sở tiến lên giải quyết vấn đề mặc và những nhu cầu cấp bách khác.

- Tăng nhanh mức xuất khẩu nông sản.

- Chấn chỉnh công tác quản lý hợp tác xã, nhanh chóng củng cố các hợp tác xã hiện còn yếu kém, thúc đẩy phần lớn hợp tác xã tiến lên mức khá và tiên tiến.

- Làm tốt cuộc vận động định canh định cư và đưa kinh tế miền núi tiến lên một bước mới.

Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, cần nắm vững và tiếp tục đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở nông thôn, lấy cách mạng kỹ thuật làm then chốt, đồng thời thường xuyên coi trọng việc củng cố quan hệ sản xuất mới và nâng cao trình độ tư tưởng, văn hóa của nông dân và cán bộ. Nêu cao tinh thần tự lực vươn lên của các hợp tác xã và của địa phương kết hợp với sự giúp đỡ đúng mức của Nhà nước và của công nghiệp trung ương. Phát động một phong trào cách mạng sôi nổi và liên tục về lao động sản xuất, làm thủy lợi, làm phân bón, cải tạo và bồi dưỡng đất, cải tạo giống, trang bị công cụ, cần kiệm xây dựng hợp tác xã theo phương hướng trồng trọt chuyên canh năng suất cao, chăn nuôi ngày càng lớn, mở rộng các ngành nghề có tính chất công nghiệp.

NHỮNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÁC NGÀNH NÔNG NGHIỆP

1. Về cây lương thực và thực phẩm: Phấn đấu đến năm 1973 đạt trên 5 triệu tấn thóc và khoảng 1 triệu 20 vạn tấn màu quy ra thóc. Giữ vững và mở rộng diện tích lúa có năng suất cao và ổn định, xây dựng các vùng trọng điểm lúa đạt và vượt 5 tấn, 6 tấn thóc hai vụ một hécta, tạo nên nguồn lương thực hàng hóa chủ yếu của Nhà nước. Các địa phương khác phải bằng mọi biện pháp tự giải quyết nhu cầu về lương thực ở địa phương (các thành phố, khu công nghiệp, các tỉnh miền núi cũng cần tính toán chặt chẽ, cố gắng đến mức cao nhất để tự giải quyết ở địa phương). Đưa năng suất lúa còn thấp ở nhiều vùng lên trên bốn tấn và xây dựng những vùng màu (ngô, khoai, sắn...) tập trung, có năng suất cao, được trang bị đầy đủ công cụ chế biến, góp phần tích cực vào việc cải tiến bữa ăn của nhân dân ta.

Đi đôi với cây lương thực, phát triển rộng khắp các loại rau, đậu, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân các vùng, đồng thời quy hoạch một số vùng rau đậu tập trung, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để cung cấp cho các thành phố, khu công nghiệp lớn và để xuất khẩu.

2. Cây công nghiệp, cây ăn quả: Trên cơ sở quản lý chặt chẽ đất trồng trọt, quy vùng sản xuất, áp dụng chế độ luân canh thích hợp với từng vùng trong cả bốn mùa và giải quyết tốt về chính sách mà phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: lạc, đậu, dâu tằm, mía, cói, thuốc lá, đỗ tương, vừng...; mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp ở vùng trung  du và miền núi, nhất là cây công nghiệp dài ngày,đưa sản lượng cây công nghiệp lên 10-12% tổng giá trị sản lượng nông nghiệp. Trong ba năm, phải xây dựng những cơ sở cần thiết, nhất là chuẩn bị giống, phân bón và bắt đầu gieo trồng trên những vùng tập trung, các loại cây công nghiệp có giá trị như: chè, sở, lại, trẩu, đen, dâu đồi, sơn, tre... Dành đất có độ dốc thấp và bảo đảm nước tưới để mở thêm diện tích cây công nghiệp ngắn ngày lên đồi, giảm bớt sự tranh chấp giữa cây lương thực với cây công nghiệp ở đồng bằng.

Phải có quy hoạch và kế hoạch phát triển các loại cây thuốc và chế biến dược  liệu trong nước.

Phát triển các loại cây ăn quả một cách phổ biến ở các địa phương và một số cây ăn quả theo thổ nghi để cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu; mở một số vùng trồng cây ăn quả tập trung như: dứa, chuối, đu đủ, cam, bưởi, nhãn, vải...

3. Về chăn nuôi: Đưa chăn nuôi lên thành một ngành chính trong nông nghiệp là một cuộc phấn đấu khẩn trương. Các ngành có trách nhiệm và các địa phương phải có biện pháp tốt, giải quyết hàng loạt vấn đề trên nhiều mặt như: giống, thức ăn, chuồng trại, lao động, v.v.. Phải đặt nhiệm vụ chống toi dịch, tăng cường lãnh đạo và phát triển công tác thú y là vấn đề rất quan trọng để đẩy mạnh chăn nuôi.

Phấn đấu tăng nhanh đàn lợn cả về số lượng và trọng lượng, đạt cho được ít nhất 2 con lợn/1 hécta gieo trồng; ở những nơi đạt năng suấtlúa mỗi hécta trên 5 tấn, thì phải cao hơn. Phát triển mạnh chăn nuôi lợn tập thể và quốc doanh, đồng thời tích cực phát triển đàn lợn gia đình; cố gắng để năm 1973 sẽ có từ 6,5 triệu đến 7 triệu con (trọng lượng ra chuồng mỗi con 40 kilôgam trở lên). Ngoài việc dùng đất dành cho chăn nuôi, cần đầu tư một phần lương thực và trang bị máy để chế biến thức ăn bổ sung, thức ăn tinh và men cho lợn, xây dựng ngành sản xuất và chế biến thức ăn gia súc, nhất là ở những vùng chăn nuôi tập trung. Cải tạo giống lợn bằng cách chọn lọc, nhân giống thuần chủng tốt của ta (như lợn Móng Cái, lợn ỉ) và phát triển mạnh giống lợn lai kinh tế. Kết hợp giữa các cơ sở quốc doanh (nông trường, trạm trại nông nghiệp) với các hợp tác xã chăn nuôi giỏi, xây dựng những trung tâm nhân lợn giống thuần chủng và một phần lợn lai. Ở các huyện, nhất là các huyện vùng đồng bằng và trung du, phải xây dựng những trung tâm lợn giống để cung cấp giống tốt cho các hợp tác xã và gia đình nông dân.

Phấn đấu đến năm 1973, có đàn trâu 1 triệu 90 vạn con, tiếp tục thí nghiệm việc nuôi trâu lấy sữa. Khôi phục đàn bò, đưa lên 80 vạn con năm 1973. Chọn lọc và nhân giống bò tốt của ta kết hợp với việc nhập giống bò tốt, cải tạo đàn bò để tăng sản lượng thịt, tăng sức kéo và xây dựng nhanh đàn bò sữa. Bảo đảm thức ăn cho trâu bò. Ngoài việc tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp, phải dành một phần diện tích đất để chăn nuôi ở đồng bằng và xây dựng những đồng cỏ có năng suất cao, phẩm chất tốt để chăn nuôi trâu bò. Thức ăn, cỏ, đồng cỏ là không thể thiếu được để chăn nuôi quy mô lớn. Nước ta có thuận lợi lớn để phát triển những đồng cỏ tốt.

Phát triển chăn nuôi gia cầm thành một ngành sản xuất thực phẩm quan trọng dùng trong nước và để xuất khẩu. Khuyến khích các gia đình đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm hướng dẫn hợp tác xã mở những cơ sở tập trung nuôi gà đẻ trứng, gà thịt và vịt đàn, vịt đẻ. Dành cho chăn nuôi gia cầm một số lương thực; xây dựng một số cơ sở chăn nuôi tập trung, một số cơ sở ấp trứng. Khuyến khích phát triển các loại ngan, ngỗng, gà tây, chim câu. Phát triển nghề nuôi ong và những gia súc khác như dê, ngựa, thỏ.

4. Về nghề rừng: Kết hợp chặt chẽ việc trồng rừng, bảo vệ và cải tạo rừng với khai thác lâm sản, nhằm bảo đảm nhu cầu ngày càng lớn về gỗ và lâm sản cho công nghiệp, cho nhu cầu về sản xuất, đời sống và xuất khẩu. Đưa tốc độ trồng rừng và cải tạo rừng vượt tốc độ khai thác rừng hằng năm. Kết hợp chặt chẽ việc phát triển nghề rừng với cuộc vận động định canh, định cư và mở vùng kinh tế mới. Kết hợp nghề rừng với chăn nuôi gia súc lớn, với việc trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày, để biến vùng trung du và miền núi thành những vùng sản xuất trù phú. Khôi phục nhanh chóng các rừng đầu nguồn, ven sông suối để bảo vệ nguồn nước và hạn chế lũ lụt; bảo vệ và cải tạo các rừng sẵn có, bảo đảm hằng năm có thể khai thác một khối lượng gỗ cần thiết cho các loại nhu cầu. Xúc tiến quy hoạch và tổ chức trồng những loại cây rừng theo quy mô lớn, bảo đảm những nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp trong năm, bảy năm tới như: nguyên liệu cho công nghiệp xenluylô, công nghiệp gỗ và gỗ trụ mỏ; gỗ tre, nứa, lá... cho xây dựng cơ bản và làm nhà ở. Đẩy mạnh trồng cây ven biển, ven sông ngòi, mương máng, ven đường để lấy gỗ, tre, củi, kết hợp với phòng hộ chống sóng, chắn gió, chống cát bay, bảo vệ mùa màng. Phải có những biện pháp và chính sách có hiệu lực nhằm chuyển cho được các lực lượng hiện nay còn đi phá rừng để làm ăn, thành lực lượng trồng, tu bổ, khai thác rừng có tổ chức. Để làm được việc này, cần có phương hướng sản xuất đúng cho từng nơi, thiết thực giúp đồng bào giải quyết tốt vấn đề lương thực và xây dựng một số cơ sở vật chất cho sản xuất và ăn ở lâu dài. Tổ chức tốt việc bảo vệ rừng, ban hành pháp lệnh bảo vệ rừng; giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp và có lực lượng chuyên trách bảo vệ từng khu rừng, chấm dứt nạn đốt phá rừng. Đẩy mạnh việc khai thác, chế biến, bảo quản nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm gỗ và các nguồn lâm sản.

5. Về nghề nuôi cá và các thủy sản khác: Để tăng thêm thực phẩm cho nhân dân và dành một phần để xuất khẩu, cần phát triển ngành nuôi cá ở khắp các địa phương. Nuôi cá và thủy sản trên phần lớn diện tích ao hồ và mặt nước sẵn có (trên 30 vạn hécta). Cải tạo các ao, hồ, đầm, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, giải quyết thức ăn cho cá. Các cơ sở quốc doanh trung ương và địa phương có trách nhiệm sản xuất cá giống để bán cho các hợp tác xã và gia đình xã viên, hướng dẫn về kỹ thuật, đồng thời phụ trách việc nuôi cá ở những hồ lớn, mặt nước lớn, đi đầu trong việc sản xuất cá và các loại thủy sản có năng suất và giá trị cao. Kết hợp chặt chẽ việc nuôi cá và các loại thủy sản với công tác thủy lợi, chăm sóc đồng ruộng, chăn nuôi, trồng cây. Hướng dẫn và chỉ đạo chặt chẽ việc thu hoạch chế biến và bảo vệ thủy sản, nghiêm cấm việc bắt cá con và đánh cá trong mùa cá đẻ.

6. Về các ngành nghề khác của nông dân: Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề cá, cần phát triển các ngành nghề ở nông thôn để tăng sản phẩm, tăng giá trị nông sản, tăng giá trị lao động và thu nhập của nông dân. Phát triển các ngành nghề ở nông thôn là nhằm tận dụng những nguyên liệu tại chỗ, những phụ phẩm từ nông sản đã chế biến; khôi phục những ngành nghề còn cần thiết đã có từ lâu; mở thêm những ngành nghề thích hợp để sử dụng tốt và hợp lý khả năng lao động của các lứa tuổi, các loại lao động ở địa phương. Cải tiến công cụ và kỹ thuật sản xuất trong mỗi ngành, mỗi nghề và hướng lao động đi dần vào chuyên môn hoá, trang bị kỹ thuật ngày càng cải tiến. Từng địa phương, từng hợp tác xã cần tính toán chặt chẽ kế hoạch sản xuất, khả năng lao động, nguồn nguyên liệu, khả năng tiêu thụ, biết tổ chức kinh doanh, phân công lao động cụ thể và hướng dẫn các gia đình xã viên làm.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT,

CỦNG CỐ QUAN HỆ SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG NÔNG NGHIỆP

1. Khẩn trương làm tốt việc điều tra cơ bản, tiếp tục nghiên cứu và phân tích điều kiện thiên nhiên, xác định hướng lớn cho các vùng lớn và đi vào quy vùng cụ thể những cây, những con chủ yếu, theo hướng chuyên canh, thâm canh. Một mặt phải quản lý chặt chẽ và sử dụng tốt ruộng đất sẵn có ở đồng bằng và trung du, không được để ruộng đất hoang hoá hoặc dùng đất trồng trọt vào công việc phi sản xuất; mặt khác, mở rộng diện tích canh tác và xây dựng những vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi theo hướng trồng trọt và chăn nuôi lớn.

2. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp: Quản lý tốt và sử dụng hợp lý mọi khả năng của đất, đối tượng lao động chủ yếu trong nông nghiệp. Xúc tiến điều tra, nghiên cứu về đất, không ngừng bồi dưỡng chất đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, chống xói mòn, đó là những vấn đề có tính chất quan trọng cần được giải quyết khẩn trương, nhất là đối với những vùng đã hình thành. Đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, hoàn thành những hệ thống thuỷ lợi sẵn có và quản lý tốt để phục vụ thâm canh, đồng thời xây dựng thêm những công trình mới ở những nơi cần thiết. Đến năm 1973, phải bảo đảm nước vững chắc cho 85 đến 90 vạn hécta lúa đông xuân và một triệu hécta lúa mùa, đồng thời bảo đảm tưới cho một số vùng cây công nghiệp, rau màu và một số đồng cỏ. Đẩy mạnh phong trào làm phân bón trong các hợp tác xã, khai thác và sản xuất các nguồn phân hữu cơ, phân khoáng ở địa phương, cố gắng bảo đảm một khối lượng phân hoá học cần thiết. Phát triển những giống cây trồng, giống gia súc tốt, đưa việc sản xuất, nhân giống vào chế độ. Trang bị đủ công cụ thường và công cụ cải tiến chất lượng tốt kết hợp với một phần công cụ cơ giới... bảo đảm yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện và đi vào chuyên canh, thâm canh.

3. Nắm chắc tình hình và ra sức củng cố hợp tác xã: Làm tốt việc điều tra tình hình quản lý hợp tác xã, xúc tiến tổng kết kinh nghiệm của các hợp tác xã tiên tiến ở các vùng khác nhau để giúp xác định được phương hướng sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất ở mỗi nơi, áp dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến quản lý, mở rộng nhanh chóng những điển hình sản xuất giỏi, quản lý tốt. Chỉ đạo chặt chẽ việc thi hành điều lệ hợp tác xã bậc cao và xây dựng những nội quy cần thiết, phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của xã viên trên các mặt: lao động sản xuất, phân phối, quản lý tài sản và bầu cử; đưa việc quản lý vào chế độ, xoá bỏ cách làm ăn tuỳ tiện của sản xuất nhỏ.  

Kiên quyết khắc phục và tiếp tục sửa chữa những biểu hiện sai lầm có tính nguyên tắc như: lấn chiếm ruộng đất và các tài sản khác của Nhà nước và của hợp tác xã để làm của riêng; "ba khoán cho hộ", "rong công phóng điểm". Thực hiện đúng chế độ ba khoán cho các đội sản xuất, tổng kết công tác ba khoán, ba quản và bổ sung chính sách về vấn đề này. Nghiêm cấm việc sử dụng sai nguyên tắc vốn không chia của hợp tác xã. Khắc phục những lệch lạc trong công tác phân phối; chống tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, tệ báo cáo sai sự thật.

Cất nhắc và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý hợp tác xã, chú trọng cả phẩm chất và năng lực; cố gắng ổn định đội ngũ cán bộ. Ổn định quy mô tổ chức của hợp tác xã, chỉ điều chỉnh những trường hợp quá nhỏ hoặc quá lớn mà quản lý không tốt, sản xuất trì trệ. Đối với một số hợp tác xã ở vùng rẻo cao, cần xem xét cụ thể để có biện pháp chấn chỉnh thích hợp.

Tăng cường giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho cán bộ và xã viên, làm cho mọi người tin tưởng sâu sắc vào sự nghiệp xã hội chủ nghĩa; hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi công dân trong chế độ mới; hiểu rõ yêu cầu và vị trí của nông nghiệp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ đó mà phấn đấu thực hiện ba cuộc cách mạng, tăng cường đoàn kết nông thôn, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, làm tròn mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước. Chi bộ đảng phải là hạt nhân lãnh đạo hợp tác xã, các đảng viên phải là những xã viên gương mẫu nhất và có tác dụng lãnh đạo quần chúng. Gây phong trào sôi nổi thi đua đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, xây dựng tác phong lao động có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật và nếp sống chiến đấu, lành mạnh, văn minh, xoá bỏ những tâm lý và tập quán lạc hậu của xã hội cũ.

4. Củng cố các cơ sở sản xuất quốc doanh: Các nông trường quốc doanh, các cơ sở quốc doanh lâm nghiệp và nuôi cá có vị trí rất quan trọng trong quá trình đưa nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường quản lý, sử dụng tốt thiết bị kỹ thuật, lao động, đất đai sẵn có để phát triển sản xuất nhằm cung cấp một khối lượng sản phẩm tập trung cho công nghiệp và xuất khẩu; cung cấp giống cây trồng, giống gia súc tốt cho các hợp tác xã, góp phần phổ biến nhanh những giống có năng suất cao, phẩm chất tốt. Rút kinh nghiệm quản lý sản xuất quy mô lớn, kinh nghiệm sử dụng cơ khí và công cụ mới, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, công nhân, cải tiến và áp dụng kỹ thuật mới.

Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng và phát triển các cơ sở quốc doanh với việc phát triển sản xuất của từng vùng. Ở trung du và miền núi, kết hợp các cơ sở quốc doanh với hợp tác xã, lấy nông trường hoặc lâm trường làm trung tâm để xây dựng những vùng kinh tế mới.

5. Xây dựng các trạm cơ khí nông nghiệp và sửa chữa: Để tăng cường sự giúp đỡ trực tiếp của Nhà nước đối với nông nghiệp, cần xây dựng từng bước những trạm cơ khí nông nghiệp và sửa chữa ở các địa phương. Nhiệm vụ của các trạm này là: sử dụng và quản lý tốt thiết bị, máy móc của Nhà nước để làm đất, bơm nước, thu hoạch, chế biến nông sản phẩm, phục vụ chăn nuôi, v.v.; sửa chữa những máy móc và công cụ sản xuất nông nghiệp của Nhà nước và hợp tác xã; sản xuất nông cụ nông nghiệp cải tiến thích hợp với từng vùng đất đai khác nhau; hướng dẫn các hợp tác xã sử dụng và bảo quản máy móc, công cụ và vật tư kỹ thuật của tập thể; giúp các hợp tác xã đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật biết sử dụng và bảo quản các máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã.

Các ngành công nghiệp, Tổng Công đoàn, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương và cấp uỷ các địa phương có trách nhiệm cung cấp cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ chính trị, cán bộ và công nhân kỹ thuật có phẩm chất, có năng lực chuyên môn để xây dựng các trạm cơ khí nông nghiệp và sửa chữa. Tiến tới mỗi huyện có một trạm, trước hết là ở những vùng quan trọng.

Làm tốt các việc trên đây, các trạm cơ khí nông nghiệp và sửa chữa sẽ dần dần trở thành những trung tâm kỹ thuật ở nông thôn.

Xây dựng các trạm cơ khí nông nghiệp và sửa chữa ở nước ta là một việc mới, phải làm từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuỳ theo tình hình phát triển của nền kinh tế quốc dân nói chung và nông nghiệp nói riêng, nhiệm vụ của các trạm cơ khí nông nghiệp và sửa chữa sẽ được chấn chỉnh và bổ sung thêm.

6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ

Tập trung công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật vào những vấn đề lớn và cấp bách của nông nghiệp nhằm giải quyết một cách vững chắc các vấn đề ăn, mặc và xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu những vấn đề phát triển lâu dài (như việc sử dụng các loại đất dốc, việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn...). Hết sức tránh việc sử dụng lực lượng một cách phân tán và nghiên cứu không thiết thực.

Quản lý, bồi dưỡng và sử dụng tốt lực lượng cán bộ và công nhân sẵn có, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật cho các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã để nâng cao trình độ sản xuất và quản lý từ cơ sở trở lên. Kết hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường đào tạo cán bộ, các nông trường quốc doanh, trại sản xuất giống và các hợp tác xã tiên tiến để nâng cao năng lực nghiên cứu thí nghiệm, chất lượng đào tạo và bồi dưỡng của các trường học, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong các nông trường và trại giống. Trước mắt, cần mở lại và lãnh đạo tốt trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp ở các tỉnh.

7. Xúc tiến xây dựng và ban hành pháp lệnh về việc sử dụng ruộng đất. Bổ sung các chính sách đối với nông nghiệp và mạnh dạn sửa đổi những chính sách không hợp lý. Chính sách phải nhằm nêu cao nghĩa vụ của hợp tác xã và của xã viên đối với Nhà nước; khuyến khích các hợp tác xã và xã viên hăng hái lao động sản xuất và tiết kiệm, bán nhiều nông sản cho Nhà nước, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật; hướng các hợp tác xã đi vào chuyên canh, thâm canh, phát triển đúng hướng các ngành nghề. Nghiên cứu và ban hành một số chính sách đối với nông nghiệp như ổn định nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước, chính sách giá cả, chính sách lương thực đối với nông dân trồng cây công nghiệp, v.v.; thực hiện hợp đồng hai chiều giữa các cơ quan thu mua nông sản, cung cấp vật tư với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp... Cải tiến chính sách cho vay nông nghiệp, nhằm giúp các hợp tác xã và cơ sở quốc doanh phát triển sản xuất đồng thời bảo đảm thu hồi nợ của Nhà nước.

Kiểm tra việc thực hiện chính sách phân phối trong hợp tác xã, nhất là chính sách phân phối lương thực và thực phẩm; vận dụng đúng đắnnguyên tắc phân phối theo lao động kết hợp với tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ hợp tác xã; quan tâm đúng mức đến thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ, các gia đình có chồng, con đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, các gia đình neo đơn, già cả, đông con. Giữ vững nguyên tắc thống nhất quản lý kinh doanh, quản lý phân phối vào hợp tác xã, trên cơ sở thực hiện đúng đắn công tác ba khoán, có thưởng phạt phân minh cho các đội sản xuất, nhằm khuyến khích xã viên thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

TỔ CHỨC NÔNG NGHIỆP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH ĐỐI VỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Thống nhất các ngành nông nghiệp, nông trường, quản lý hợp tác xã và các bộ phận phụ trách về thuỷ nông, về nuôi cá thành một tổ chức thống nhất là Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, tỉnh, thành phố và huyện. Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương được tổ chức như một bộ, chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và Chính phủ trong việc chỉ đạo nông nghiệp về các mặt sản xuất, quản lý (kể cả quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp), phân vùng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng và thực hiện kế hoạch, công tác khoa học, kỹ thuật và đào tạo cán bộ; phối hợp chặt chẽ công tác của các ngành có liên quan đến nông nghiệp và nông thôn như: xây dựng quy hoạch chung về sử dụng đất đai và lao động giữa nông nghiệp với lâm nghiệp; kết hợp chặt kế hoạch xây dựng thuỷ lợi, thu mua nông sản và cho vay nông nghiệp với kế hoạch sản xuất nông nghiệp, v.v..

Kiện toàn Ban Nông nghiệp ở trung ương và cấp tỉnh, thành phố, để có đủ năng lực làm nhiệm vụ giúp cấp uỷ: kiểm tra các cấp, các ngành trong việc chấp hành những nghị quyết, chỉ thị của Đảng về vấn đề sản xuất nông nghiệp và hợp tác hoá nông nghiệp; phát hiện những nhân tố tích cực mới nảy nở trong quá trình sản xuất để khuyến khích phát triển; đi sâu tìm ra những biểu hiện sai trái với đường lối, chính sách nông nghiệp và hợp tác hoá nông nghiệp làm suy yếu khối liên minh công nông, không khuyến khích lao động tập thể, không lợi cho sự phát triển nông nghiệp hợp tác hoá, kịp thời đề nghị chủ trương, chính sách để bổ khuyết. Ban Nông nghiệp phải nghiên cứu những vấn đề về đường lối, phương châm, phương hướng chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa; giúp cấp uỷ quản lý cán bộ khối nông nghiệp trong phạm vi trách nhiệm được giao.

Dưới sự chỉ đạo thống nhất tập trung của Trung ương, cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Điều kiện đất đai, thời tiết, lao động, phương hướng sản xuất, v.v. giữa các tỉnh có khác nhau, việc chỉ đạo thời vụ, phân vùng sản xuất cụ thể và phân bố lao động ở mỗi tỉnh do cơ quan lãnh đạo của tỉnh phụ trách. Tăng cường cấp huyện thành một tổ chức giỏi về trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng hợp tác xã, xây dựng cơ sở đảng, xây dựng chính quyền, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh ba cuộc cách mạng và xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa. Cấp huyện phải trực tiếp nắm và chỉ đạo chặt chẽ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, các cơ quan thu mua nông sản, cung cấp vật tư... ở huyện.Tỉnh uỷ và huyện uỷ phải tạo những điều kiện bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, đó là: quần chúng xã viên giác ngộ và có quyền làm chủ tập thể thật sự; có đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật có năng lực; có chi bộ mạnh đủ sức lãnh đạo hợp tác xã, được xã viên tin cậy, yêu mến. Trung ương trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo những cốt cán lãnh đạo cấp huyện; các ngành và các địa phương cần có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý như chủ nhiệm hợp tác xã, giám đốc nông trường và các cán bộ quản lý khác.

Công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương căn cứ vào yêu cầu tăng năng suất lao động, sản xuất và chế biến nông sản, yêu cầu của trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề cá và các ngành nghề khác để có kế hoạch sản xuất và sửa chữa những công cụ, máy móc, phụ tùng, vật tư cần thiết. Sản xuất đủ công cụ thường và công cụ cải tiến chất lượng tốt, giá thành hạ, đúng quy cách cho các loại lao động nông nghiệp; cung cấp đủ vôi, lân, apatít, than, xi măng...; đủ điện để chống úng, chống hạn. Ngành giao thông, vận tải hướng dẫn xây dựng mạng lưới giao thông phục vụ nông nghiệp ở nông thôn, bảo đảm yêu cầu vận chuyển để phát triển nông nghiệp, bao gồm cả những vùng kinh tế mới, những vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp, những giống cây trồng, giống gia súc, những công cụ lao động là những  loại hàng cần được ưu tiên bảo đảm trong kế hoạch vận chuyển. Các ngành thương nghiệp, lương thực, vật giá cần chấp hành đúng chính sách thu mua, giá cả, chính sách lương thực, cung cấp hàng hoá cho nông dân và hợp tác xã, thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã ký, khuyến khích nông dân đi vào làm ăn có kế hoạch. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các ngành lao động, tài chính, ngân hàng nhà nước giúp đỡ các hợp tác xã và các cơ sở quốc doanh xây dựng kế hoạch sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tiến quản lý kinh doanh, tính toán kinh tế, quản lý vốn để phát triển sản xuất. Nhiệm vụ của ngành ngoại thương là nhập khẩu kịp thời những vật tư chất lượng tốt và thích hợp như: giống, phân, thiết bị, máy móc, đồng thời bảo  đảm thị trường xuất khẩu ổn định đối với những loại hàng mà ta có khả năng sản xuất nhiều.

Các ngành kinh tế, văn hoá và sự nghiệp khác, theo nhiệm vụ và điều kiện của mỗi ngành, cần chủ động, tích cực giúp đỡ và phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó mà phát triển công tác của ngành mình ở nông thôn.

Phần thứ ba

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kinh tế từ trung ương đến cơ sở, tăng cường công tác quản lý kinh tế của Nhà nước, đồng thời phát động phong trào quần chúng mạnh mẽ để thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, là điều kiện quyết định thắng lợi của công cuộc khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân.

Vai trò lãnh đạo của các tổ chức của Đảng là bảo đảm thấu suốt và giữ vững đường lối, chính sách, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, thiết thực kiện toàn các cơ quan chính quyền, phát huy chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội của cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân và quyền làm chủ thật sự của nhân dân lao động. Kết hợp chặt chẽ và phân công rành mạch giữa các cơ quan của Đảng, cơ quan chính quyền và tổ chức quần chúng ở các cấp, các ngành. 

Các cấp uỷ đảng phải nắm vững tình hình, hiểu biết công tác kinh tế, lãnh đạo tốt và thường xuyên kiểm tra việc thi hành Nghị quyết của Trung ương, động viên và giáo dục đảng viên và quần chúng phấn đấu thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật và quản lý của Nhà nước, tăng nhanh năng suất lao động, hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước. Phải làm tốt công tác cán bộ; luôn luôn kiểm tra và đấu tranh để giáo dục cán bộ, xem xét kỹ việc bố trí những cán bộ có phẩm chất, có năng lực phụ trách những vị trí quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; tổ chức bồi dưỡng một cách thiết thực và có hệ thống cho cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế từ trung ương đến cơ sở về đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và về kiến thức quản lý kinh tế.

Việc củng cố và xây dựng Đảng phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, bảo đảm thực hiện đầy đủ nghị quyết của Trung ương. Phải dựa vào quần chúng cách mạng, thông qua phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng để rèn luyện đảng viên, củng cố và xây dựng Đảng. Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và phẩm chất cách mạng, tăng cường tổ chức và kỷ luật, làm cho tổ chức cơ sở của Đảng thật sự là đội ngũ chặt chẽ, tiên tiến của giai cấp công nhân, là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết quần chúng lao động. Kiện toàn các chi bộ, các tổ chức cơ sở của Đảng, là công tác rất quan trọng, nhất là ở các nhà máy, hầm mỏ, các hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp, các nông trường, công trường, lâm trường. Trước mắt, phải thực hiện tốt cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh.

Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải là người chiến sĩ ưu tú của giai cấp công nhân có phẩm chất cách mạng, có năng lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được quần chúng yêu mến và tin cậy. Các đảng viên phải nêu cao vai trò gương mẫu trong chiến đấu, sản xuất và thực hành tiết kiệm, chấp hành các chính sách, nghĩa vụ, trong việc phê bình, tự phê bình và học tập. Đấu tranh chống mọi biểu hiện chuyên quyền độc đoán, tham ô, lãng phí, ích kỷ tư lợi, ngại gian khổ, hy sinh, lười biếng, vi phạm kỷ luật lao động, pháp luật nhà nước và Điều lệ Đảng. Tiếp tục lựa chọn vào Đảng một cách chặt chẽ những người lao động tiên tiến nhất, đủ tiêu chuẩn là đảng viên, thực sự giác ngộ về Đảng, về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử xấu, những người không  đủ tư cách là đảng viên. Từng chi bộ đảng, từng tổ chức của Đảng phải nghiêm ngặt đề phòng những kẻ đầu cơ trục lợi tìm cách chui vào Đảng.

Các cấp uỷ, các tổ chức của Đảng từ trung ương đến cơ sở phải nắm chắc việc truyền đạt và tổ chức thi hành Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này mà thiết thực rèn luyện, xây dựng Đảng. Cần tổ chức nghiên cứu và thảo luận Nghị quyết, kiểm điểm trách nhiệm và công tác; phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; nắm vững nhiệm vụ và bàn kỹ biện pháp thực hiện; hăng hái thi đua hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết, tạo ra sự chuyển biến tốt, mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất, chiến đấu và công tác.

Các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý kinh tế quốc dân phải trên cơ sở thấu suốt và vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, mà sử dụng chức năng và quyền lực của mình để tiến hành ba cuộc cách mạng, tính toán và huy động có hiệu quả cao các năng lực kinh tế, bảo đảm tăng tích luỹ, thực hiện tái sản xuất mở rộng, đồng thời thực hiện phân phối xã hội chủ nghĩa thích hợp với điều kiện nước ta. Yêu cầu trước mắt đối với công tác quản lý kinh tế là ổn định và cải tiến một bước công tác quản lý, làm cho các hoạt động kinh tế mau trở lại bình thường, đi vào nền nếp, phát triển đều đặn, nhịp nhàng; mọi người làm tốt nghĩa vụ lao động, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm; tận dụng các năng lực sản xuất hiện có để tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, đạt và vượt năng suất lao động cao nhất trước đây. Để làm được như vậy, phải nhanh chóng ổn định các điều kiện sản xuất, khôi phục và cải tiến các chế độ quản lý, các định mức kinh tế, kỹ thuật, chấp hành kỷ luật quản lý và chế độ hạch toán kinh tế; ổn định thị trường và giá cả, tổ chức tốt đời sống của quần chúng, áp dụng thích hợp và đúng đắn một số chính sách đòn bẩy kinh tế để khuyến khích sản xuất, tăng năng suất lao động. Bồi dưỡng và sử dụng tốt lực lượng cán bộ và công nhân kỹ thuật.

Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đi đôi với các biện pháp kinh tế và tổ chức để nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm và kỷ luật trong lao động sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trong mọi mặt của đời sống xã hội. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc; sớm quy định nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, nghĩa vụ học tập của mỗi người để xây dựng Tổ quốc.

Tổ chức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế phải chấn chỉnh theo hướng từng bước thực hiện tập trung và chuyên môn hoá. Xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân, kể cả trách nhiệm vật chất. Bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Hội đồng Chính phủ, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm, mở rộng quyền hạn của từng bộ quản lý mỗi ngành; phát huy chức năng và hiệu lực của các cơ quan quản lý sản xuất và kinh doanh cũng như của các cơ quan quản lý tổng hợp. Chuyển từ cách quản lý theo lối hành chính và cung cấp sang cách quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Cải tiến và tiếp tục việc phân cấp quản lý kinh tế giữa trung ương và địa phương bảo đảm quyền quản lý tập trung, thống nhất của trung ương, chức năng quản lý toàn ngành của bộ và tổng cục, đồng thời bảo đảm mở rộng quyền của địa phương trong công tác quản lý và đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Các bộ và tổng cục có nhiệm vụ chỉ đạo, khuyến khích và giúp đỡ phát triển kinh tế địa phương, cung cấp đủ những phương tiện, vật tư theo kế hoạch và hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Trung ương. Các địa phương phải ưu tiên thực hiện các nghĩa vụ đối với cả nước, đồng thời chịu trách nhiệm đầy đủ về sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân địa phương.

Kế hoạch nhà nước là công cụ chủ yếu trong công tác quản lý nền kinh tế quốc dân, phải thể hiện nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng, bố trí thành cơ cấu kinh tế và bước đi từng giai đoạn, giải quyết tốt các mối quan hệ trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội, đưa nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với tốc độ và hiệu quả kinh tế cao. Kế hoạch phải thể hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung thống nhất trên cơ sở dân chủ, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng. Xuất phát từ những cân đối tổng hợp để vừa giải quyết các vấn đề quan trọng của sản xuất và tái sản xuất xã hội, bảo đảm các mặt cân đối cơ bản trong nền kinh tế quốc dân, vừa đi sâu giải quyết các điều kiện vật chất cụ thể, phục vụ thiết thực các ngành, các địa phương chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch. Chú trọng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế trước mắt, đồng thời đi sâu nghiên cứu phương hướng phát triển kinh tế dài hạn; xúc tiến các công tác điều tra, lập quy hoạch, phân vùng kinh tế. Đưa kế hoạch khoa học, kỹ thuật thành bộ phận trọng yếu trong kế hoạch của ngành, của cơ sở và kế hoạch kinh tế quốc dân. Chấn chỉnh công tác thống kê và thông tin kinh tế. Kế hoạch ngành của bộ và tổng cục phải thể hiện tính thống nhất về kinh tế và kỹ thuật của toàn ngành trong cả nước.Kế hoạch địa phương phải căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ và các mặt cân đối lớn của kế hoạch nhà nước mà phát huy những năng lực tiềm tàng của địa phương, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nhà nước và của địa phương.

Sức mạnh và hiệu lực của công tác quản lý nền kinh tế  quốc dân với công cụ chủ yếu là kế hoạch nhà nước, chỉ phát huy tác dụng lớn nhất khi nó gắn với những chính sách thích hợp, với pháp luật, với công tác tư tưởng và phong trào quần chúng. Cần nghiên cứu, bổ sung và ban hành những chính sách, chế độ quản lý, pháp luật về kinh tế; giáo dục để quần chúng hiểu rõ và tuân theo pháp luật, đấu tranh chống mọi hành vi phạm pháp.

Đi đôi với việc chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế ở trung ương, phải đặc biệt coi trọng củng cố cơ sở, tăng cường công tác quản lý ở xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã. Khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, giám đốc xí nghiệp và chủ nhiệm hợp tác xã; đưa thêm cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, chuyên môn xuống công tác ở cơ sở. Các cán bộ lãnh đạo phải đi sát cơ sở để kiểm tra, giúp đỡ giải quyết những khó khăn, tổng kết định mức tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật và các loại giá bán buôn. Xây dựng quan hệ hợp đồng kinh tế trực tiếp giữa các ngành và các cơ sở sản xuất. Thực hiện dân chủ lập kế hoạch từ cơ sở, cân đối kế hoạch toàn diện, thống nhất cả hai mặt hiện vật và tài chính. Chấn chỉnh bộ máy quản lý ở cơ sở cho thật phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Cấp huyện có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp và quản lý hợp tác xã. Ban Bí thư và Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm có quy định cụ thể về cấp huyện, kiện toàn cấp huyện, làm cho cấp huyện trở thành một cấp kế hoạch về nông nghiệp và thủ công nghiệp, dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp tỉnh.

Kháng chiến cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Các cuộc vận động lớn chống Mỹ, cứu nước, đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, phát huy quyền làm chủ của quần chúng cùng với cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên phải hoà thành một cao trào cách mạng sôi nổi thi đua đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi, mang lại những kết quả thiết thực tăng cường lực lượng chiến đấu, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, cải tiến công tác, tổ chức tốt đời sống, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng và trong nhân dân.

Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh là lực lượng xung phong chống Mỹ, cứu nước và tiến quân vào ba cuộc cách mạng, là cánh tay và đội hậu bị của Đảng. Đoàn Thanh niên phải là mũi nhọn trong cách mạng kỹ thuật, là trường học về phong cách lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, tổ chức và quản lý theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, về con người làm chủ có phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Công đoàn, lực lượng lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học của chủ nghĩa cộng sản, phải tiêu biểu cho ý chí cách mạng tiến công, quyền làm chủ và năng lực của giai cấp công nhân đang tổ chức, xây dựng xã hội mới và quản lý nền kinh tế quốc dân; tiêu biểu cho sự nhất trí của nhân dân lao động đông đảo, sự nhất trí giữa nhân dân lao động và Nhà nước ta. Tổng Công đoàn có nhiệm vụ và quyền hạn tham gia quản lý kinh tế, tham gia xây dựng kế hoạch nhà nước, có trách nhiệm đào tạo cho Đảng và Nhà nước những cán bộ có phẩm chất và năng lực từ những công nhân ưu tú. Phải làm tốt hơn nữa việc nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức và kỷ luật lao động, hướng dẫn công nhân, viên chức tăng năng suất lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu và tổ chức tốt đời sống.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nông dân tập thể ở miền Bắc đã và đang phát huy vai trò to lớn của mình trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng cuộc sống mới. Các tổ chức của Đảng phải lãnh đạo chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ hợp tác xã, lãnh đạo nông dân hăng hái thi đua đẩy mạnh sản xuất, cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Chuẩn bị để thường kỳ mở đại hội đại biểu nông dân tập thể ở các cấp và toàn quốcnhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ tập thể của nông dân xã viên, bàn định vấn đề phát triển nông nghiệp, làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp và tiến bộ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức rộng lớn của phụ nữ nước ta đang gánh vác nhiều công việc quan trọng ở khắp các ngành, đảm đang rất tốt những trách nhiệm ở hậu phương, động viên chồng con đi bộ đội, săn sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân. Chú trọng bồi dưỡng tinh thần, vật chất, chăm lo phúc lợi công cộng, phát triển nhà trẻ, nâng cao trình độ văn hoá và nghề nghiệp để phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ trên các mặt trận sản xuất, y tế, giáo dục, văn hoá và trong công tác chăm sóc, dạy dỗ nhi đồng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khối thống nhất về chính trị và tinh thần của nhân dân ta, là lực lượng thống nhất hành động của các chính đảng và các thành viên trong Mặt trận đang nêu cao khí phách anh hùng của dân tộc ta kiên cường chống Mỹ, cứu nước và cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Mặt trận không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, cho một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

*
*    *

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn nhưng còn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Để đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi hoàn toàn và đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiến lên mạnh mẽ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải có những cố gắng mới. Mọi lực lượng của dân tộc Việt Nam ta phải được động viên, mọi người hãy nêu cao hơn nữa tinh thần dũng cảm chiến đấu; nhiệt tình lao động và công tác, giành lấy những thắng lợi to lớn mới. Toàn thể đảng viên hãy ra sức học tập noi gương đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch, trau dồi phẩm chất cách mạng, chịu khó học tập để nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học, rèn luyện đức tính cần cù, khiêm tốn, giản dị, đi sát thực tế và đồng cam cộng khổ với quần chúng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy đoàn kết chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phấn đấu hết sức mình, thực hiện cho kỳ được Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no và hạnh phúc của nhân dân!

Tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội!

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

BÍ THƯ THỨ NHẤT

LÊ DUẨN 

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực