Âm vang tiếng trống Bồ Đề

Thứ tư, 18/10/2017 16:55
(ĐCSVN) – 87 năm về trước (20/10/1930), tại đình Triều Hội, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục (Hà Nam) diễn ra một sự kiện lịch sử hào hùng mang tên “Tiếng trống Bồ Đề”. Thắng lợi của cuộc biểu tình Bồ Đề đã giáng một đòn mạnh mẽ vào bộ máy tay sai của đế quốc phong kiến.

Đình Triều Hội (xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, Hà Nam) một chứng tích lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: QC

 Từ trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) xuôi theo quốc lộ 21 mới về phía Nam chừng 25 km, rẽ trái khoảng 5km là đến xã Bồ Đề. Nơi đây là một miền quê thanh bình, với những nét đặc trưng của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Khi được biết kế hoạch của chúng tôi về địa phương để tìm hiểu sự kiện lịch sử đặc biệt “Tiếng trống Bồ Đề” ở đình Triều Hội, các lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền xã Bồ Đề đã không giấu được sự phấn khởi, tự hào. Bởi nhân dịp này lại cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Cụ Đỗ Quang Văn bên chiếc trống phát lệnh, hiệu triệu muôn người tại đình Triều Hội sáng 20/10/1930.
Ảnh: QC

Đồng chí Trần Ngọc Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bồ Đề cho biết: "Bồ Đề chúng tôi là vùng đất có từ lâu đời của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Nhân dân Bồ Đề vốn có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm từ khi dựng làng, dựng nước. Từ khi giặc Pháp xâm lược và giày xéo lên mảnh đất quê hương, nhân dân Bồ Đề đã quật cường đứng lên, sát cánh cùng các sĩ phu yêu nước chống Pháp cùng bè lũ phong kiến, tay sai phản động.

Về sự kiện lịch sử “Tiếng trống Bồ Đề”, theo lịch sử Đảng bộ xã Bồ Đề (giai đoạn 1930 – 2000); tài liệu lưu trữ tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng huyện Bình Lục; sơ thảo Lịch sử Đảng bộ Nam Định – Hà Nam (1930 – 1945) của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà: Tháng 9/1930, chấp hành Chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, Hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam họp tại thôn Cổ Viễn (xã Hưng Công, huyện Bình Lục) đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn, có biểu tình tuần hành thị uy, nhằm phát động quần chúng đấu tranh bãi bỏ hội đồng cải lương, giảm sưu thuế, ủng hộ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân vùng Tiền Hải (Thái Bình).

Do xã Bồ Đề là nơi tiếp giáp 3 huyện: Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc… nên vừa thuận lợi cho tập trung lực lượng, dễ phát huy thanh thế và dễ đánh lạc mục tiêu đàn áp của quân thù nên được chọn làm địa điểm phát động cuộc biểu tình quan trọng này… 

Súng, gươm, thuổng đào đất và nhiều vật dụng nông cụ khác được lực lượng bảo vệ cuộc biểu tình
tận dụng làm vũ khí. Ảnh: QC

Chúng tôi có mặt tại đình Triều Hội (nơi thờ một vị tướng tài thời Trần) trong một buổi sáng tháng Mười của năm 2017. Lặng lẽ ngắm ngôi đình Triều Hội thăng trầm trong từng nếp ngói, những vân gỗ khắc khổ màu thời gian, nhưng là một nhân chứng của một sự kiện lịch sử hào hùng một thời.

Cụ Đỗ Quang Văn và cụ Trình Huy Bổng, ở thôn 4 xã Bồ Đề cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, những ngày đầu tháng 10/1930, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nam Hà, nông dân xã Bồ Đề đã bí mật may cờ Đảng, in truyền đơn, khẩu hiệu. Đêm 19/10, trên các cây đa chợ Hôm, cây gạo chợ Vàng, mái đình Lương Phú, cây đa đình Triều Hội, những đảng viên xã Bồ Đề đã bí mật treo cờ, kêu gọi dân chúng đứng lên đấu tranh. Đúng 3 giờ sáng ngày 20/10, những người biểu tình giả làm người đi chợ tấp nập kéo về chợ Bồ Đề, lúc đầu khoảng 300 người, sau đó nhanh chóng tăng số lượng lên hàng nghìn người, rồi vạn vạn người, đổ về từ các ngả trong vùng như các xã: Hưng Công, Đồng Du, Ngọc Lũ, Cổ Viên, An Đề và một số xã thuộc huyện Lý Nhân, Duy Tiên cũng tề tựu về hùng hậu.

7 giờ sáng, tiếng trống đình làng Triều Hội vang lên như hiệu lệnh khởi xướng, hòa cùng tiếng pháo nổ ròn tan. Chợ Bồ Đề bừng bừng khí thế cách mạng, cờ đỏ búa liềm xuất hiện bay phần phật trong nắng sớm. Đoàn biểu tình đội ngũ chỉnh tề, tay giương cao cờ Đảng, hát bài Quốc tế ca, mặc niệm các chiến sĩ Tiền Hải bị giặc Pháp giết hại ngày 14/10.

Tiếp theo, các đảng viên lãnh đạo cuộc biểu tình đứng lên diễn thuyết, vạch rõ tội ác của đế quốc phong kiến, hô hào mọi người cùng đấu tranh bỏ sưu cao thuế nặng và những loại thuế vô lý; giới thiệu sự ra đời cùng tôn chỉ mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi mọi người ủng hộ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh và nông dân Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Dòng người đi rầm rầm như thác đổ về phía chợ An Ninh, chợ Vọc, hô vang khẩu hiệu "đả đảo Pháp đế quốc"; "Việt Nam Cộng sản Đảng vạn vạn tuế". 12 giờ trưa, cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi hoàn toàn. 

 

Một số giấy tờ, tài liệu mật của Đảng (giai đoạn 1930) liên quan đến phong trào cách mạng Bồ Đề
còn lưu giữ được ở đình Triều Hội. Ảnh: QC

Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị này làm cho bọn đế quốc thực dân phải hoảng sợ. Chúng kéo quân về đóng ở đình làng, càn quét suốt một tháng trời và bắt đi 24 người, giết hại nhiều đồng chí kiên trung, ưu tú của cánh mạng, rồi đốt nhà của, cướp phá,.. hòng thị uy và khủng bố tinh thần đấu tranh của người dân nơi đây. Cuộc biểu tình tuy dừng lại ở đó, nhưng là bước tập dượt quan trọng để nhân dân nơi vùng đất kiên trung này vững vàng tinh thần trong quá trình đấu tranh cùng nhân dân cả nước giành chính quyền 15 năm sau đó.

Thắng lợi của cuộc biểu tình Bồ Đề ngày 20/10/1930 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào bộ máy tay sai của đế quốc phong kiến ở địa phương, đồng thời là sự chứng minh hùng hồn lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi cũng như khả năng cách mạng của giai cấp nông dân khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Đã 87 năm trôi qua, những người dân xã Bồ Đề, huyện Bình Lục tham gia cuộc biểu tình, thị uy lực lượng đấu tranh đòi giảm sưu cao, thuế nặng, ủng hộ phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) ngày nào không còn nhiều nữa. Nhưng ngôi đình Triều Hội, nơi vang lên tiếng trống sáng 20/10/1930, mở đầu cuộc biểu tình vẫn uy nghiêm đứng đó như một nhân chứng lịch sử. Đình Triều Hội (Khu Di tích Cách mạng Bồ Đề) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di lích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/01/1988. 

Ngày hôm nay trở lại, chúng tôi được thấy quê hương cách mạng Bồ Đề đã có nhiều thay da đổi thịt. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Bồ Đề đã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường khắc phục mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đạt được kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực và liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn huyện...

Đồng chí Đỗ Văn Điển - Chủ tịch UBND xã Bồ Đề cho biết: Nhiều năm qua, địa phương luôn hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra. Công cuộc xây dựng nông thôn mới khiến làng quê nơi đây có nhiều khởi sắc rõ rệt.  Với ý chí tự lực tự cường vốn có của một vùng quê cách mạng, Bồ Đề vẫn nỗ lực vươn lên và cuối năm 2016 đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 33,5 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, địa phương luôn quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, noi gương khí thế anh dũng cha ông, tự hào và phát huy về truyền thống tiếng trống Bồ Đề, biến thành động lực, xây dựng quê hương với tinh thần: Xưa là khí phách đánh giặc bảo vệ xóm làng, nay tinh thần anh hùng ấy ngày càng cao hơn trên mặt trận xóa đói nghèo, từng bước vươn lên khá giàu, xây dựng quên hương Bồ Đề ngày càng tươi đẹp./. 

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực