“Kiêu hãnh Trường Sơn”

Thứ năm, 16/05/2019 16:41
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”.

Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc

"Trường Sơn - con đường huyền thoại"

Khai mạc ngày 16/5, triển lãm gồm 3 chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại, Những bông hồng thép, Phía sau cuộc chiến… tái hiện một con đường thời gian về Trường Sơn với sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên đời thường.

Như thước phim chậm rãi tua lại những khoảnh khắc bên suối, hố bom, những đêm mùa khô thiếu nước, những ngày ngụp lặn trong mùa mưa kéo dài cả tháng quần áo không thể nào khô… “Kiêu hãnh Trường Sơn” khiến người xem hiểu hơn về lực lượng đặc biệt: những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn với những cái tên đã trở thành huyền thoại như mười cô gái Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Đội nữ chiến sĩ lái xe mang tên người nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh; Tiểu đoàn Vận tải 232 thuộc Cục hậu cần Quân khu V; hay những cái tên bất tử như Hồ Kan Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền, Đinh Thị Thu Hiệp…

Nữ chiến sĩ Trường Sơn tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” - Ảnh: Minh Châu

Dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong đại diện cho 18.000 nữ giới tham gia làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, một lần nữa cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn được hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường.

Cái thời mà mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực vẻ đẹp của người con gái, vậy mà “vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra” (chị Nguyễn Thị Oanh, Bộ đội Công binh Đoàn 559).

Rồi ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu. Vào chiến trường, cái chết các chị không sợ nhưng lại “sợ vắt hơn cả bom đạn. Vắt thì cứ tự chui dưới lá khô lên bám vào cắn no rồi tự lăn đi” (chị Trần Thị Thục Oanh, bác sĩ Viện 108), hay “mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, son phấn không đủ chúng tôi đã lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng thay cho son môi” (chị Nguyễn Thị Bích Liên, đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”)

Họ đã trải qua những xúc cảm cùng cực nhiều hơn cả một đời người có thể có: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường… Thực sự, không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ của những con người sống và chiến đấu dọc con đường Hồ Chí Minh.

Khi chiến tranh đã lùi xa, những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Cho đến hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm “Kiêu hãnh Trường Sơn”.

Triển lãm kéo dài đến ngày 15/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ngoài ra còn có các hoạt động bên lề như trao tặng 60 suất quà cho các đồng đội khó khăn; hướng dẫn khách tham quan tham gia gấp hoa giấy nghệ thuật tri ân các liệt sĩ Trường Sơn đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; giao lưu với các nữ chiến sĩ Trường Sơn; trại hè “Huyền thoại Đường Trường Sơn” dành cho các bạn nhỏ học bán trú bắt đầu từ 03/6 đến 14/6./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực