“Văn hóa Mường đã là máu thịt của đời tôi”

Thứ hai, 13/02/2017 15:30
(ĐCSVN) - Đó là lời chia sẻ chân tình của nhà nghiên cứu, sưu tầm Bùi Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Bằng tình yêu, sự trân trọng đối với văn hóa dân tộc, ông Bùi Thanh Bình đã và đang có những đóng góp thầm lặng đầy ý nghĩa, góp phần gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Ông Bùi Văn Bình (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn chế biến món ăn truyền thống của dân tộc Mường.
Ảnh: NQ

Từ lâu, bà con dân tộc Mường cũng như giới nghiên cứu tỉnh Hòa Bình dành cho ông Bùi Thanh Bình những tên gọi thân mật như: “Bình Mường”, “Bình bảo tàng”... Vốn là người con của dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), ông Bình đã sớm mong muốn được đóng góp công sức để gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc mình. Mong muốn đó lớn dần lên khi ông về công tác tại Công ty Du lịch Hà Sơn Bình (nay là Công ty Du lịch Hòa Bình). Những chuyến đi công tác, nghiên cứu thực tiễn, được tiếp xúc với những con người bình dị, những phong tục tập quán đặc trưng đã làm cho tình yêu văn hóa Mường trong ông như được nhân lên theo năm tháng.

Hơn 30 năm công tác trong ngành du lịch, dù trên cương vị người hướng dẫn viên hay sau này là Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình kiêm Giám đốc Khách sạn Sông Đà, ông Bùi Thanh Bình luôn trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Từ đầu năm 1985, ông Bình bắt tay vào việc sưu tầm, nghiên cứu về các di vật, cổ vật của văn hóa Mường. Bằng niềm đam mê và tâm huyết, ông đã không quản ngại vất vả, tốn kém thời gian và tiền bạc để đi đến hầu khắp các vùng Mường, cả những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình để nghiên cứu, sưu tầm. Không chỉ đến khắp 4 xứ Mường lớn ở Hòa Bình là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động, nhà nghiên cứu Bùi Văn Bình còn dày công lặn lội tìm đến các tỉnh, thành phố có người Mường sinh sống như: Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ…, sưu tầm được ngày càng nhiều di vật, cổ vật và nhất là bản thân ông qua các chuyến đi đã tích lũy được vốn hiểu biết lớn về lịch sử, văn hóa Mường. Theo ông, đó là “tài sản vô giá” có được sau những chuyến đi.

Với khí chất hồn hậu, mộc mạc vốn có của người dân tộc Mường, ông chia sẻ: Kỷ niệm sâu sắc nhất trong những chuyến đi sưu tầm, nghiên cứu, đó chính là khi cố gắng sưu tầm bộ chiêng cổ của người Mường ở một gia đình huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa). Lần đó, tình cờ biết được thông tin về gia đình người Mường ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn đang sở hữu một bộ chiêng cổ, ông Bình đã đi xe máy vượt qua gần 250 km để tìm đến với mong muốn được tìm hiểu, nghiên cứu. Song, chủ nhân bộ chiêng cho biết, đây là bộ chiêng quý của dòng họ do nhiều đời ông cha để lại; tìm hiểu, chụp hình thì được, còn mua thì gia đình sẽ không bao giờ bán. Không nản lòng, hay theo như  cách nói của ông Bình, đó là tình yêu văn hóa Mường đã tiếp thêm sức mạnh cho ông, 8 lần tìm đến trao đổi, chia sẻ về tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc Mường, ông đã khiến chủ nhân của bộ chiêng cổ thực sự cảm động. Ngày trao bộ chiêng cổ cho ông Bùi Văn Bình, cả gia đình người Mường cùng khóc, nhưng họ tin bộ chiêng quý sẽ thực sự phát huy ý nghĩa khi được trưng bày tại Bảo tàng.

Là một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, việc thành lập Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường thực sự là quá trình lâu dài, gian nan. Xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa truyền thống của các thế hệ cha ông, với mong muốn bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa Mường truyền thống, ông Bùi Thanh Bình đã mạnh dạn lập đề án xây dựng Bảo tàng về văn hóa dân tộc Mường. Điều may mắn là ông Bình luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của giới nghiên cứu văn hóa Mường, của những người thân trong gia đình và sự tạo điều kiện của cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hòa Bình.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của ông Bùi Văn Bình, ngày 02/01/2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp phép thành lập Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường do ông làm Giám đốc. Từ đó đến nay, Bảo tàng đã không ngừng được mở rộng, phát triển với tổng diện tích trên 4.000 m2, bao gồm 7 ngôi nhà chính và 2 khu phụ trợ. Hiện nay, Bảo tàng  đang có hơn 6.000 hiện vật các loại. Trong các nhà sàn Mường, nhà Lang Mường, nhà chiêng Mường…, hệ thống các hiện vật trưng bày đã được ông Bình sắp xếp một cách khoa học, hợp lý gắn với những giai đoạn phát triển theo dòng chảy thời gian từ văn hóa Mường thời tiền sử Hòa Bình đến thời đồ đồng…

Cảm nhận chung nhất của du khách thập phương khi đến tham quan Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường là họ như được đắm mình trong không gian đậm chất văn hóa truyền thống với những giá trị văn hóa dân tộc Mường được thể hiện rõ nét ở ngay từ những vật dụng nhỏ như: Chén, bát, đũa, nồi, cho đến những bếp đun truyền thống, những bộ bàn ghế hay các dụng cụ sản xuất, săn bắn… Với tâm huyết của nhà nghiên cứu Bùi Văn Bình, hơn 6.000 hiện vật trong Bảo tàng đã được phục dựng lại một cách tinh tế, thể hiện không gian sống của các tầng lớp trong xã hội Mường xưa cũng như những lễ hội, những hoạt động văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc Mường.

Trong số đó, nổi bật nhất có lẽ là hệ thống trên 100 chiếc chiêng Mường với những chiếc chiêng cổ có niên đại hàng trăm năm; Chiếc chiêng cổ lớn nhất có đường kính 70 cm…, hơn 100 chiếc chiêng chính là biểu tượng độc đáo của âm nhạc dân tộc Mường, của các điệu dân ca, dân vũ Mường cổ.  Dẫu đã phủ bụi thời gian, nhưng những hiện vật này chính là sự kết tinh giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời đó cũng là những tài sản vô giá, là thành quả sau những chuyến đi thực tế trên những cung đường sưu tầm của nhà nghiên cứu “Bình Mường”.
 
Ông Bình cũng tích cực tham gia nghiên cứu, dàn dựng, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường như: Lễ hội xuống đồng (khuống mùa); Lễ hội sắc bùa; Lễ hội cầu mùa; Lễ mừng cơm mới… Đặc biệt, năm 2015, ông Bùi Văn Bình đã phối hợp xuất bản cuốn sách ảnh “Văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc Mường”, qua đó, góp phần bảo tồn những giá trị tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình.

Bên cạnh việc trưng bày hiện vật, với mong muốn tạo điểm nhấn để văn hóa truyền thống dân tộc Mường ngày càng lan tỏa, Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường còn là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động dịch vụ du lịch văn hóa, ẩm thực.

Có mặt trong những hoạt động này, du khách sẽ được trực tiếp tham gia vào các trò chơi của đồng bào dân tộc Mường, được tận tay chế biến và thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc Mường…

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Bình khẳng định: “Thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng, mong muốn lớn nhất của tôi là văn hóa dân tộc Mường sẽ in đậm trong tâm thức mỗi du khách khi đến với Bảo tàng và càng thêm trân trọng không gian văn hóa, con người xứ Mường Hòa Bình”./.


Phạm Như Quỳnh (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực