60 năm cái nôi đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam

Chủ nhật, 08/12/2019 11:19
(ĐCSVN)- Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam, nơi đào tạo cán bộ dân tộc cho các tỉnh miền Nam vừa tròn 60 năm thành lập. Sự kiện thành lập Trường đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đúng đắn của Đảng, Bác Hồ khi trong thời điểm cách mạng còn cam go.
leftcenterrightdel

Cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình 

Cũng từ mái trường này, hàng nghìn học sinh con em các dân tộc đã được đào tạo, trưởng thành và trở thành nguồn cán bộ quan trọng cho miền Nam sau khi đất nước thống nhất. 

Ngược lại dòng lịch sử, ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, với tầm nhìn chiến lược và sự sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tháng 5/1955, Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Dân tộc Trung ương.

Đến năm 1960, để đáp ứng tình hình mới, Trường Dân tộc Trung ương được chia tách thành Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam và Trường Dân tộc Trung ương. Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam đóng tại Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình), do Ban Dân tộc Trung ương (nay là Ủy ban Dân tộc) quản lý; Trường Dân tộc Trung ương trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong giai đoạn 1954-1975, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức đưa hơn 32.000 con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc để học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có hơn 2.000 con em các dân tộc miền Nam tập kết ra Bắc. Hầu hết trong số này đều đến từ vùng sâu, vùng xa, miền núi vô cùng khó khăn từ vỹ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị) trở vào, học ở Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, trực thuộc Ban Dân tộc Trung ương, nay là Ủy ban Dân tộc. Nhà trường đã đứng chân ở nhiều địa bàn khác nhau, như: Hà Nội, Hoà Bình, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), Lạng Sơn...

Ông K’sor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cựu học sinh Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam xúc động chia sẻ: Học sinh khi nhập Trường hầu hết chưa biết chữ và biết tiếng phổ thông, nhiều cái còn bỡ ngỡ, tình cảm thiếu thốn, xa quê hương, xa gia đình. Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Ban Dân tộc Trung ương, đội ngũ giáo viên và học sinh Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam đã vượt khó học tập. Học sinh của Trường đã đóng góp cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, đất nước nói chung.

Thành quả mô hình giáo dục học sinh miền Nam trên đất Bắc nói chung và Trường Cán bộ dân tộc miền Nam nói riêng đã góp phần tạo nguồn cán bộ đáng kể cho các tỉnh miền Nam, Nam Trung bộ và Tây Nguyên... Nhiều cán bộ người DTTS đã trưởng thành từ đây, trở lại miền Nam, anh dũng chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, một số đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh và Trung ương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Nhìn lại lịch sử 60 năm đã qua, bài học chiến lược về đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam vẫn còn nguyên giá trị. Chủ trương của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước là vô cùng đúng đắn khi trong thời điểm cam go đã nghĩ đến giai đoạn tiếp theo, đưa học sinh miền Nam ra học tập trên đất Bắc. “Nếu không có chủ trương đúng đắn ấy, chắc sẽ không có đội ngũ cán bộ cho miền Nam sau khi giải phóng và ngay cả đến tận bây giờ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, từ bài học kinh nghiệm này, công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục được nghiên cứu, phát huy. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nhấn mạnh phải mở rộng các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú, trường Dự bị Đại học... để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là một trong những yếu tố nền tảng, để thực hiện thắng lợi nguyên tắc căn bản nhất của công tác dân tộc; đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để thực hiện xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với mặt bằng chung của cả nước./.


Mạnh Cường - Sỹ Hào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực