Ấn tượng Lũng Cẩm

Thứ ba, 13/08/2019 13:19
(ĐCSVN) - Nằm giữa lòng cao nguyên đá Đồng Văn, làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thực sự gây ấn tượng đối với du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng những nét văn hóa độc đáo của người Mông. Đây còn là minh chứng cho hiệu quả gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống…

Cổng vào làng VHDL Lũng Cẩm. (Ảnh: MH)

Nằm trên địa bàn xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, làng văn hóa du lịch (VHDL) Lũng Cẩm là nơi sinh sống của gần 70 hộ dân với 300 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc: Mông, Lô Lô và Hoa; trong đó, người Mông chiếm khoảng hơn 85% dân số. Nét riêng của người dân nơi đây là họ sống trong những ngôi nhà trình tường có niên đại trên dưới 100 năm. Giữa một vùng bát ngát của cao nguyên đá, Lũng Cẩm nhỏ bé nổi bật với khung cảnh thiên nhiên xanh mát của các loại cây trái và những ngôi nhà bình dị, mộc mạc như chính chủ nhân của nó.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Hà Giang trong việc phát triển các làng VHDL gắn với xây dựng nông thôn mới, thôn Lũng Cẩm đã được quan tâm đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Hệ thống đường trong thôn được đổ bê tông dẫn đến tận cổng từng nhà; đèn chiếu sáng được lắp đặt bảo đảm tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân… Cùng với đó, làng VHDL thôn Lũng Cẩm vẫn giữ được vẻ cổ kính hiện hữu có những ngôi nhà trình tường với mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, trải qua thời gian, mái ngói được phủ lên những lớp rêu xanh, thể hiện sự trường tồn; đồng thời cũng là một nét văn hóa riêng có của cộng đồng dân cư nơi đây. Những ngôi nhà này được dựng thủ công hoàn toàn và bằng những vật liệu sẵn có như đất để trình tường nhà, ngói, gỗ và hàng rào đá bao quanh nhà. Xung quanh làng được bao bọc bởi dãy núi đá trùng điệp vững chắc, như bức tường thành che chở cho làng. Màu ngói xám hòa lẫn trong màu xám của núi đá, đan xen là màu xanh của những nương ngô, cây sa mộc, cây ăn quả... tạo thành bức tranh đẹp nổi bật giữa miền cao nguyên đá.

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nên người dân Lũng Cẩm đã luôn cố gắng gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình là việc người Mông nơi đây vẫn còn lưu giữ nghề trồng lanh, dệt vải vốn có từ lâu đời, gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào nơi cực Bắc của Tổ quốc. Trải qua bao thế hệ, người Mông đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc về lanh, từ kỹ thuật canh tác đến việc sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Để rồi, từ những sợi lanh mỏng manh được nhuộm với nhiều màu sắc khác nhau, các bà, các chị đã dệt nên những bộ váy áo rực rỡ đầy màu sắc. Trang phục từ vải lanh gắn liền với các lễ hội và những ngày tết, lễ, cưới hỏi... quan trọng của người Mông. Vì vậy, đến với Lũng Cẩm, hình ảnh quen thuộc mà du khách thường bắt gặp đó là những người phụ nữ Mông trong những bộ váy áo rực rỡ mang theo bên mình cuộn lanh ngồi dệt vải trước hiên nhà. Hình ảnh đó đã trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo; đồng thời cũng là biểu tượng cho sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ Mông ở làng VHDL Lũng Cẩm. 

Vẻ đẹp bình dị của những ngôi nhà trình tường ở Lũng Cẩm. (Ảnh: MH)

Cùng với đó, tham quan Lũng Cẩm, chúng ta còn có cơ hội được lắng nghe những bài hát, những câu dân ca, thưởng thức những điệu múa mang nhiều ý nghĩa về giáo dục và quan niệm sống của người dân trong thôn, gặp gỡ những nghệ nhân dân gian đang nắm giữ và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc tại miền cao nguyên đá. Ngoài ra, các công cụ trong lao động, sản xuất, sinh hoạt bao đời nay được gìn giữ đến nay của người dân ở Lũng Cẩm cũng là những khám phá bất ngờ, thú vị cho du khách. Tất cả toát lên sự cần cù chịu khó của người dân, cũng như nét sinh hoạt văn hóa của họ và mang cả hơi thở cuộc sống đặc trưng của các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Chính vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ cùng với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, làng VHDL Lũng Cẩm những năm gần đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch. Lũng Cẩm còn là sự lựa chọn của nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim trong và ngoài nước… Nổi bật nhất phải kể đến phim nhựa “Chuyện của Pao”, tác phẩm đã đoạt giải thưởng Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đoàn làm phim đã chọn làng Lũng Cẩm, ngôi nhà trình tường cổ kính của ông Mua Súa Páo làm bối cảnh cho những cảnh quay trong phim. Ngôi nhà đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa mới trong tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc Mông vùng cực Bắc. Sau khi bộ phim công chiếu, thôn Lũng Cẩm đã được nhiều người biết đến hơn, “nhà của Pao” đã trở thành một điểm đến yêu thích trong hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Bạn Nguyễn Văn Cường, sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) hào hứng cho biết: “Biết đến Lũng Cẩm thông qua bộ phim "Chuyện của Pao"; đến đây em mới cảm nhận hết vẻ đẹp trong cảnh sắc và văn hóa truyền thống của người dân”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại “nhà của Pao”. (Ảnh: MH)

Được biết, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, người dân Lũng Cẩm đã và đang tích cực phát triển loại hình du lịch cộng đồng; mua sắm thêm các trang thiết bị để làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Việc khôi phục văn hóa dân tộc truyền thống cũng được người dân quan tâm hơn. Thôn đã thành lập đội văn nghệ để thường xuyên biểu diễn những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc phục vụ các ngày lễ, hội và khi khách du lịch khi có yêu cầu. Với những việc làm đó, thôn đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại làng VHDL Lũng Cẩm đã cho thấy đây thực sự là một chủ trương đúng đắn. Ngoài Lũng Cẩm, hiện nay Đồng Văn đã có thêm Lô Lô Chải là thôn thứ 2 của huyện được công nhận làng VHDL cộng đồng. Thời gian giới, huyện Đồng Văn sẽ tăng cường công tác bảo tồn, xây dựng các làng văn hóa, trong đó chú trọng giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới; từ đó hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch riêng của Đồng Văn…

Tạm biệt làng VHDL Lũng Cẩm khi những vệt nắng cuối ngày đã mờ dần phía sau nhưng ấn tượng về cảnh sắc và con người nơi đây như vẫn còn vẹn nguyên. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân, tin tưởng làng VHDL Lũng Cẩm sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực