"Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc"

Thứ sáu, 26/06/2020 19:30
(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" là một hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc".

Đại biểu góp ý kiến tại Hội thảo khoa học quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc".
 

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, với giá trị văn hóa, bản sắc của tà áo dài Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện lợi ích chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề "Áo dài – Di sản Văn hoá Việt Nam" nhằm khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài trong đời sống đương đại, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ "Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam".

Nói về áo dài Việt Nam, bà Bùi Thị Hòa cho biết, đây là trang phục đã đi cùng với lịch sử của dân tộc. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến; là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, áo dài mặc nhiên trở thành "quốc phục" trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

 Đến với Hội thảo được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, hầu hết đại biểu đều chọn cho mình một bộ áo dài truyền thống hoặc cách tân.

"Ngoài tính triết lý và nghệ thuật, trang phục áo dài còn là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của con người Việt Nam, không chỉ mang lại cho người Việt Nam mà còn cho cả người nước ngoài nhiều cảm xúc đặc biệt. Áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nói.

Riêng Hội LHPN Việt Nam, ngay trong tuần đầu của tháng 3 vừa qua, các cấp Hội cả nước đã tổ chức các cuộc thi ảnh Áo dài online, hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, tổ chức đồng diễn áo dài; phối hợp với Câu lạc bộ Áo dài phát động một cuộc vận động thiết kế "Tự hào áo dài Việt Nam" và vào ngày 28/6 sẽ tổ chức trình diễn áo dài với các bộ sưu tập gắn với 21 di sản văn hoá của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Với 44 tham luận của 47 tác giả, Hội thảo chia thành 4 tiểu ban, tập trung vào 4 chủ đề chính: Lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam; Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hóa và biểu tượng của áo dài Việt Nam cùng những tập quán liên quan đến trang phục; Sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may áo dài, cộng đồng của trang phục áo dài; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam nhằm nhận diện, đánh giá về giá trị, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam, diễn đàn để các chuyên gia nhận diện, lan tỏa các tập quán mặc áo dài và đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị của trang phục áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung trong đời sống đương đại; góp phần xây dựng hồ sơ công nhận áo dài trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực