Bài 2: Chuyện về người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Thứ năm, 21/05/2020 14:50
(ĐCSVN) - Hễ ở đâu trong thôn Ma Đanh - Tu Tra - Đơn Dương - Lâm Đồng có tranh chấp, bất đồng, mê tín dị đoan… là ở đó có bác YA TIN, người bao năm nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, lo chuyện “bao đồng”… để tiếng cồng, tiếng chiêng người dân Chu Ru luôn được rộn ràng, vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Những bông hoa trong vườn Bác

 Bác YA TIN (mặc áo sơ mi xanh đứng giữa) tại lễ tôn vinh các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. (Ảnh: K.T)

Sinh ra và lớn lên ở vùng dân tộc thiểu số Chu Ru, thuộc Nam Tây Nguyên, đã gắn bó với bao mùa rẫy, chứng kiến nhiều hủ tục lạc hậu của bà con mà YA TIN không biết làm cách nào để bà con hiểu được. Sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự trở về, cuộc đời như được mở sang một trang mới. Người thanh niên thôn Ma Đanh - Tu Tra YA TIN thấm thía hơn chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những lời dạy của Bác, quyết mang những hiểu biết của mình để giúp bà con loại bỏ hủ tục, đoàn kết, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Tu Tra ngày một phát triển.

Nung nấu suy nghĩ ấy, nên chẳng biết từ bao giờ YA TIN trở thành người “vác tù và hàng tổng”, suốt ngày đi lo chuyện “bao đồng” ở thôn. Từ chuyện hàng xóm bất hòa, không ưng cái bụng của nhau, tranh chấp đất đai hay thực hiện các nghi lễ mê tín dị đoan…., YA TIN đều có mặt để can thiệp, hòa giải.

Cả những chuyện “nhà người ta” “cơm không lành, canh không ngọt”, trong không ấm, ngoài không êm, muốn bỏ nhau bác cũng không từ nan. Lúc đầu, nhiều bà con không ưng, không nghe theo lời YA TIN. Nhưng không được lần này, YA TIN lại đến lần khác, cứ kiên trì và chân thành vận động, giảng giải cho bà con kì hiểu mới thôi. Có những vụ bác phải đến 3-4 lần, mời cả tộc trưởng, các đoàn thể trong thôn, xã đến can thiệp bà con mới nghe ra.

Là dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, theo đạo Tin lành, bà con dân tộc Chu Ru ở Tu Tra những năm trước lại rất ít được học hành nên nhiều khi việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con làm theo là điều vô cùng khó khăn. Bởi bà con đã quá quen với các tập tục tổ tiên để lại. Hễ vợ chồng bỏ nhau là phải bồi thường trâu, bò rất tốn kém; hay ốm đau thay vì đến bệnh viện, bà con lại làm lễ cúng gà, cúng heo, cúng dê…

Không chỉ có vậy, Tu Tra những năm trước còn rất phổ biến với các tệ nạn xã hội, như nghiện ma túy, mại dâm. Tình hình an ninh, trật tự cũng không được tốt lắm, nhiều vụ đánh nhau, gây mất đoàn kết diễn ra thường xuyên… Chính vì vậy, người đi lo "chuyện bao đồng" như bác YA TIN nhiều khi rất nguy hiểm. Bác YA TIN kể, có những vụ bác đến hòa giải người dân không nghe còn đe đánh, đe làm hại người thân…

Khó khăn là vậy nhưng bác YA TIN không hề nản lòng, lúc nào bác cũng ôn hòa, bình tĩnh và kiên trì với công việc của người “vác tù và hàng tổng”. Dáng người cao gầy, nước da cháy nắng, sau những giờ lên rẫy bác lại cùng với chiếc xe cà tàng đi khắp thôn, khắp xã lo chuyện “bao đồng”. Công việc chẳng ai giao, chẳng ai mượn nhưng bác vẫn cứ làm. Nhiều người bảo bác hay “mua việc vào thân” nhưng bác chẳng màng. Bác tự nghĩ đã là người dân trong tộc người Chu Ru thì phải có trách nhiệm gắn kết mọi người, phải làm cho bà con hiểu ra những cái hay, cái tốt, cái đúng để làm theo. Hơn nữa, bác không muốn người Chu Ru ở Ma Đanh cứ dốt mãi, nghèo mãi, khổ mãi… vì những tập tục lạc hậu. Miệt mài với công việc chẳng ai giao, chẳng quản ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ nghe ở đâu trong thôn có bất hòa là bác xuất hiện.

Bác tâm niệm, phải chân thành, thực sự muốn giúp đỡ người dân rồi trước sau bà con cũng hiểu ra. Và để người dân tin, người dân hiểu, trước hết bác phải làm gương, sống mẫu mực, luôn làm những điều hay, lẽ phải. Không chỉ bản thân luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, bác còn vận động người thân trong gia đình sống gương mẫu, nề nếp, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 Bác YA TIN bên trang trại nuôi bò siêu thịt của mình. (Ảnh: K.T)

Nhờ uy tín, mẫu mực, từ năm 2003 đến nay bác chính thức được bầu là thành viên hội đồng bào tự quản xã Tu Tra, tổ hòa giải, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Ma Đanh - xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Tháng 6/2019 bác được bầu làm ủy viên UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng.

Hơn 20 năm làm công tác hòa giải, bác đã hòa giải hàng trăm vụ tranh chấp đất đai trong thôn, gắn kết nhiều đôi vợ chồng không ưng cái bụng của nhau, vận động bà con bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, sống tốt đời, đẹp đạo.

Để Tu Tra vươn lên xóa đói, giảm nghèo, bác còn vận động bà con trong thôn, trong xã, làm đường bê tông, các công trình thủy lợi, áp dụng các mô hình sản xuất mới để phát triển kinh tế. Nói đi đôi với làm, gia đình bác gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển từ nuôi bò vàng truyền thống sang nuôi bò lai sind, bò siêu thịt mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, bác còn mở trang trại nuôi dê thương phẩm, thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi từ trồng cà phê già cỗi sang trồng rau thương phẩm, trồng cỏ, bắp nuôi bò… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Giờ đây về Tu Tra không còn ngại xa, ngại khó nữa. Bởi những con đường bê tông thẳng tắp đã được nối khắp các thôn bản ở Tu Tra. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, các đường làng ngõ xóm sạch đẹp khang trang, đời sống bà con từng bước được cải thiện... Tu Tra càng ngày càng có nhiều gia đình như gia đình bác YA TIN. Tu Tra đang “thay da đổi thịt” hàng ngày vươn lên trở thành khu nông thôn mới kiểu mẫu. Có được như ngày hôm nay có lẽ một phần là nhờ Tu Tra có những người cán bộ Mặt trận nhiệt tình, mẫu mực, xông xáo, dám nghĩ, dám làm, cần mẫn, tâm huyết, và sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như bác YA TIN./.

(Còn nữa)

Thanh Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực