Báo chí Hà Nội cần nâng cao tính hấp dẫn, sắc sảo về nghiệp vụ

Thứ ba, 19/11/2019 16:31
(ĐCSVN) - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hội Nhà báo thành phố cần coi việc thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không ngừng nỗ lực nâng cao tính hấp dẫn, độ sắc sảo về nghiệp vụ, phát triển theo hướng năng động, đa phương tiện, ứng dụng nền tảng điện tử…

Ngày 19/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội có hơn 1000 hội viên, sinh hoạt tại 19 liên chi hội, chi hội. 100% cán bộ, phóng viên báo chí Hà Nội có trình độ đại học trở lên; 70% trong số đó có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW 

15 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư, cùng với các nhiệm vụ được giao, Hội nhà báo thành phố Hà Nội đã triển khai toàn diện các mặt công tác, trong đó, chất lượng hoạt động của Hội có nhiều bước chuyển biến tích cực, đã nâng cao vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Thủ đô; phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, phong phú, hiệu quả hơn, thu hút được nhiều hội viên tham gia. Hội đã chủ động, tích cực tham gia vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí của Thành phố, đóng góp các ý kiến vào xây dựng các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ được thường xuyên nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội Nhà báo Hà Nội được tăng cường.

Ngoài các hoạt động trên địa bàn thành phố, hàng năm, Hội tổ chức từ 2-3 chuyến đi thực tế viết bài về bội đội Biên phòng, hải đảo, tạo điều kiện để phóng viên trẻ tiếp cận thực tế viết bài. Đặc biệt, trong các hoạt động từ thiện xã hội, Hội nhà báo thành phố đã tổ chức phát động hội viên quyên góp thực hiện xây 4 nhà tình nghĩa cho gia đình nghèo ở Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên; trao tặng phần quà 130 triệu đồng cho trẻ em, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bộ đội biên phòng ở Sơn La, Lai Châu, Quảng Ngãi…

Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng của Hội nhà báo Hà Nội là việc học tập, Luật báo chí và điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở một số cơ sở hội chưa nghiêm; công tác bồi dưỡng, nghiệp vụ chưa thường xuyên và đạt được kết quả, chưa đáp ứng yêu cầu  mới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá, thời gian qua, Hội Nhà báo Hà Nội với vai trò là tổ chức chính trị nghề nghiệp của người làm báo Thủ đô đã có nhiều hoạt động nổi bật, góp phần nâng cao vị thế Hội nhà báo Hà Nội.

Phân tích những cơ hội, thách thức báo chí phải đối đầu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, nguy cơ báo chí bị truyền thông xã hội, trang mạng xã hội dẫn dắt chi phối; kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, điều kiện hoạt động; mặt khác kinh tế báo chí vẫn là vấn đề lớn đang đặt ra… Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị, Thành uỷ tăng cường với Hội trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trên lĩnh vực báo chí và truyền thông; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội nỗ lực, đổi mới sáng tạo hoàn thành trách nhiệm của mình, trong đó cần chủ động tăng cường ứng dụng các nền tảng của internet, tích hợp đa phương tiện, phát triển đa nền tảng tiến tới toà soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, yêu cầu các cấp Hội Nhà báo Hà Nội chủ động, tích cực tham gia bảo vệ lợi ích, quyền làm nghề hợp pháp đúng pháp luật của đội ngũ người làm báo Hà Nội; đồng thời cần xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật báo chí.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các cá nhân 

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao vai trò của Hội nhà báo với sự phát triển của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, đồng thời khẳng định sự quan tâm Thành uỷ Hà Nội, các cấp, các ngành thành phố đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực trong các hoạt động của Hội Nhà báo thành phố và các hội viên.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho Hội Nhà báo thành phố còn thụ động, từ tổ chức giải thưởng, tham gia các giải thưởng giải báo chí quốc gia, hoạt động chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút đông đảo đội ngũ người làm báo Hà Nội, những phóng viên trẻ tham gia; vai trò hỗ trợ nghiệp vụ, đào tạo còn nhiều vấn đề đặt ra… Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, Hội Nhà báo thành phố không được xa rời tôn chỉ mục đích; cần coi việc thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng, chủ động phối hợp với các cơ quan thành phố, làm tốt công tác tư tưởng cho hội viên, phát triển cơ quan báo chí theo hướng năng động, đổi mới, thay đổi hình thức theo hướng đa phương tiện, ứng dụng nền tảng điện tử, phù hợp với báo chí hiện đại, báo chí thế giới, không ngừng nỗ lực nâng cao tính hấp dẫn, độ sắc sảo về nghiệp vụ...

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực